Với chiều cao kỷ lục đối với thí sinh nữ từ trước đến nay, trong phạm vi cuộc thi này nên Hồng Xuân (SN 1996, quê Cà Mau, sinh viên chuyên ngành vật lý Trường ĐH Sư phạm TP HCM) trở thành tâm điểm của chương trình ở vòng sơ tuyển. Nhất là khi thí sinh này chia sẻ rằng cô xuất thân từ gia đình nghèo khó, ở miền quê, chiều cao vượt trội là do mắc chứng dư hormone tăng trưởng.
Cô cũng cho biết trước đây mình luôn sống trong mặc cảm vì chiều cao liên tục tăng bất thường và từng có ý định tự tử vào năm học lớp 6 vì bị bạn bè, những người xung quanh trêu chọc. Chiều cao của Hồng Xuân dừng lại ở 1,9 m, sau khi được điều trị chứng dư hormone tăng trưởng.
Không ít người, trong đó có ban giám khảo cuộc thi, tỏ ra cảm thông với hoàn cảnh của Hồng Xuân, khen ngợi và động viên cô, riêng người mẫu Hà Anh lại rất thẳng thắn cho rằng: “Cô bé đó đã từng thi “Elite’s Model Look” và không qua được vòng casting bởi các giám khảo đều đồng thuận rằng cô ấy không có tố chất để trở thành một người mẫu chuyên nghiệp. Cô ấy yêu nghề và đến từ gia cảnh khó khăn là điều đáng thông cảm và trân trọng. Tuy nhiên, để làm việc một cách chuyên nghiệp thì chúng ta không thể dùng tình thương. Tình thương nên thể hiện ở việc không sử dụng cô bé ấy làm PR (quảng bá) cho chương trình để tạo sức hút, xì-căng-đan... nếu biết trước sau gì cô ấy cũng bị loại. Vậy thì chỉ là sử dụng lòng tin và lấy đi thời gian quý báu của cô ấy thôi”.
Theo người mẫu Thanh Hằng, chiều cao cũng chính là trở ngại của Hồng Xuân tại cuộc thi. Với chiều cao này, cô sẽ khó được các nhà thiết kế lựa chọn vì không có đồ vừa kích cỡ. Hơn nữa, Hồng Xuân khó giữ được thăng bằng theo một đường thẳng khi bước đi trên sàn diễn (catwalk), nhất là khi phải sử dụng giày cao gót.
Theo siêu mẫu Hà Anh, mọi cuộc thi đều mong muốn có những điểm nhấn để gây sức hút và mọi cô gái khi tham gia đều có quyền hy vọng. “Nhưng tôi rất phản đối việc xây dựng hy vọng ảo cho các thí sinh. Đối với giới thời trang, điều này không ảnh hưởng gì vì giới chuyên môn sẽ chỉ chọn làm việc với những người họ cho rằng có khả năng phù hợp. Nhưng với xã hội, việc này sẽ khiến công chúng càng hiểu sai về nghề người mẫu vốn chưa được hiểu đúng và coi trọng tại Việt Nam” - siêu mẫu Hà Anh bày tỏ.
Chưa biết Hồng Xuân có nằm trong danh sách thí sinh vào ngôi nhà chung của cuộc thi khi chương trình lên sóng không nhưng rõ ràng “Vietnam’s Next Top Model 2015” đã thu hút sự chú ý của công luận ngay từ khi chưa lên sóng truyền hình nhờ có thí sinh đặc biệt này.
Không riêng gì “Vietnam’s Next Top Model 2015”, những chương trình truyền hình thực tế lâu nay luôn tận dụng những thí sinh có gia cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt để tạo điểm nhấn cho chương trình. Khán giả từng chứng kiến và được nghe giới thiệu hết sức cảm động về một chàng trai làm thợ hồ, một cậu thanh niên mồ côi, thất học làm nghề giữ xe kiếm tiền nuôi bà nội và các em muốn trở thành những thí sinh của một chương trình tìm kiếm tài năng ca hát vì quá đam mê âm nhạc. Thậm chí, có trường hợp nhà sản xuất dựng lên hình ảnh một cô bé mặc áo tu, xuống tóc xuất hiện trong chương trình tìm kiếm tài năng nhí khi biết cô bé này thích hát nhạc Trịnh Công Sơn để lấy lòng khán giả. Ngay cả việc lừa dối khán giả bằng một màn hóa trang cho thí sinh với hình hài thương tâm và một câu chuyện cảm động, nhà sản xuất chương trình vẫn không từ, chỉ vì muốn lấy thật nhiều nước mắt khán giả.
Những lời phân tích thẳng thắn của siêu mẫu Hà Anh về trường hợp thí sinh cao 1,9 m của “Vietnam’s Next Top Model 2015” gặp phải không ít phản ứng tiêu cực từ những người không đồng tình nhưng đó là những lời thẳng thắn cần thiết. Mọi người có quyền thực hiện những đam mê của mình khi quyết định đến với những cuộc thi tìm kiếm tài năng nhưng cũng không nên chấp nhận để người khác biến mình thành người được thương hại. Con đường nghệ thuật chuyên nghiệp chỉ dành cho những người thực sự tài năng chứ không phải bằng nước mắt của lòng trắc ẩn.
Đối với các nhà sản xuất, khai thác hoàn cảnh của những thí sinh đặc biệt luôn được biện minh bằng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và có giá trị động viên tinh thần thí sinh cũng như những hoàn cảnh tương tự trong xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những thí sinh đặc biệt này chỉ sử dụng “làm màu” cho chương trình nhằm thu hút khán giả lúc đầu, vì chưa thấy ai trong số họ trở thành quán quân hay á quân của các chương trình, thậm chí còn không được vào chung kết.
Vì vậy, tình thương, tính nhân đạo hay giá trị nhăn văn chỉ có thể có khi các chương trình thể hiện việc không sử dụng những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt để quảng bá cho mình. Ngược lại, không khéo thành nhẫn tâm!