ICU Covid-19 căng thẳng, toàn những bệnh nhân nguy kịch - "tầng 3" đầy thử thách trong tháp điều trị Covid-19. Đứng tác nghiệp giữa ICU, đôi khi tấm chắn giọt bắn trước mắt tôi mờ nhòe. Giữa những cuộc trò chuyện đứt quãng hay khi đứng lặng bên giường một người mê man, tôi không bao giờ biết được rồi họ sẽ ra sao.
Thế nhưng, ngày kết thúc chuyến đi cũng là lúc tôi bắt đầu nhận được tin bất ngờ về những bệnh nhân mà mình đã chọn đưa vào những thước phim, khung hình.
1. Cậu bé trong ảnh bìa
Trang bìa 1 của Báo Người Lao Động số ra ngày 27-9-2021, cũng là số báo khởi đầu loạt phóng sự, nổi bật hình ảnh bác sĩ Nguyễn Tô Bảo Toàn đang chăm sóc em N.V.T. - 13 tuổi, một trong những bệnh nhi Covid-19 nặng nhất Bệnh viện Nhi Đồng 1 thời điểm đó, cơ địa béo phì. Lúc máy móc reo tiên tục ở giường bên cạnh và khiến các bác sĩ bận tay, tôi nhận thấy sự lo lắng từ T. nên đã đến bên giường, trò chuyện và dỗ dành em.
Chiều hôm đó, T. vẫn phải thở áp lực dương NCPAP, tức vẫn còn khá nặng dù đang trong giai đoạn hồi phục. Trước đó, em phải thở máy. Năm ngày sau, tôi đã rơi nước mắt khi nghe PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực kiêm trưởng đơn vị ICU Covid-19, nói qua điện thọai: "Cậu bé em gặp khỏe lại nhanh lắm, chiều hôm đó hạ xuống oxy mask, rồi oxy mũi, anh đã chuyển cậu ấy sang khu nhẹ mấy ngày rồi, có khi sắp xuất viện rồi đó".
2. Người phụ nữ sau khay dụng cụ
Giữa ICU chật kín bệnh nhân của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, một nữ bệnh nhân cao tuổi làm tôi chú ý. Thân hình gầy guộc, đầu cạo trọc, giọng nói đứt quãng nhưng bà là một trong những người hiếm hoi còn tỉnh táo, hoang mang hỏi bác sĩ nhiều điều. Nhưng đó là lúc các chỉ số cho thấy bà cần tập trung thở nên bác sĩ trẻ Nguyễn Hoàng Huy cố sức khuyên nhủ.
Đoạn hội thoại đã được truyền tải qua phần đầu của loạt phóng sự truyền hình 6 kỳ trên Người Lao Động TV, mà tôi cố ý chọn góc máy để "giấu" bà sau khay dụng cụ, bảo vệ danh tính cho bà, và cũng vì tôi biết không bệnh nhân Covid-19 nào muốn thấy lại hình ảnh mình những ngày đó.
Sau 2 tuần, ngày 27-9-2021, cũng là ngày phóng sự được đăng tải, tôi nhận được tin nhắn Zalo của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa ICU: "Bệnh nhân này đã được rút nội khí quản". Sau này trò chuyện, anh cho biết chỉ một tuần sau đó, bà đã được chuyển về khoa nhẹ hơn, hồi phục rất tốt.
Điều kỳ diệu tương tự lặp lại khi tôi trở lại ICU này vào sáng 29 Tết vừa qua. Khi bài viết về ca trực đặc biệt trước thềm năm mới vừa đăng tải trên Người Lao Động online, một lần nữa tôi nhận được tin nhắn từ bác sĩ Bình: "Sau khi em về, anh rút được ống nội khí quản của bệnh nhân số 1".
Thở máy xâm lấn - thông khí nhân tạo qua ống nội khí quản - là một trong những "biện pháp mạnh" cuối cùng dành cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Rút được ống nội khí quản để trở về biện pháp hỗ trợ hô hấp nhẹ hơn, bệnh nhân bắt đầu tập thở lại bằng đường hô hấp thông thường dưới sự hỗ trợ của máy thở, là bước đầu tiên trong hành trình hồi sinh.
3. Cuộc chiến 37 ngày đêm
Chiều 29-9-2021, tôi nhận được tin nhắn của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Yên, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp kiêm trưởng khoa ICU-1, là ICU Covid-19, của những ngày Bệnh viện Nhân dân Gia Định "tách đôi": "Em còn giữ hình chị nằm lâu ở khoa anh không?". Tôi mở máy gửi ngay hình cho anh, không hỏi thêm mà để mình được hồi hộp "hóng" tin vui.
Quả thật, chiều hôm đó, trang Fanpage của bệnh viện đăng tin vui: nữ bệnh nhân Đ.T.K.O (40 tuổi), người xuất hiện trong video clip về các ICU Covid-19 đăng tải trên Người Lao Động chỉ 2 ngày trước đó. Chị O. là người "nhẹ" nhất ở ICU vào ngày tôi ghé thăm nhưng các bác sĩ không dám để chị rời khỏi bởi đã 4 lần trở nặng, cứ ra được khoa nhẹ là phải đẩy ngược về ICU. Trong những giờ phút tỉnh táo, chị nói với bác sĩ: Nếu sống được, chị muốn ở lại làm tình nguyện viên.
Một người khác làm tôi phải nhớ là anh V.H.C., người bạn cùng tuổi mà tôi đã bắt tay chúc mau khỏe, mau xuất viện ngày vào ICU-A2.
Chỉ vài ngày sau đó, anh C. trở thành bệnh nhân Covid-19 thứ 500 được xuất viện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Trước đó, anh nặng hơn 100 kg và là ca Covid-19 nguy kịch, phải thở máy xâm lấn, lọc máu trong nhiều ngày.
4. Ba thiên thần nhỏ và duyên tình cờ
Ba bệnh nhi này không phải nằm ICU nhưng cũng là ca nặng đối với Covid-19 trẻ em và cuộc gặp với các cháu quá tình cờ nên tôi muốn được nhắc ở đây.
Ngày 11-9-2021, tôi được bác sĩ Lê Trọng Nghĩa của Bệnh viện Nhi Đồng 1, thuộc đội hỗ trợ nhi khoa cho Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, gửi cho hình 3 cháu bé trong buồng bệnh. Các cháu và mẹ đều mắc Covid-19 nặng, người mẹ nặng hơn nên cả 4 mẹ con được chuyển đến bệnh viện dành cho người lớn để ở cùng nhau.
cả 3 cháu đều bị viêm phổi trên cơ địa béo phì, có cháu từng phải hỗ trợ oxy mũi. Trẻ em thường mắc Covid-19 rất nhẹ nên các cháu này đã được coi là ca nặng. May mắn, các bé khỏe lại sau chỉ 3-4 hôm.
Hai ngày sau, tôi đến Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương ghi hình cảnh bệnh nhân xuất viện và ngỡ ngàng khi nhóm bệnh nhân đầu tiên bước ra khỏi cổng "vùng xanh" chính là 3 cháu nhỏ trong tấm hình bác sĩ Nghĩa gửi, hoàn toàn tình cờ.
Tôi đã chia sẻ với bác sĩ Nghĩa đoạn clip ngắn mà tôi đã chạy theo các cháu muốn hụt hơi ra khỏi cổng bệnh viện để quay. Sức sống của các cháu bé là niềm an ủi lớn với tất cả các y bác sĩ thời điểm đó - những ngày mà cơn "sóng thần" Delta còn gây nhiều đau thương...