Tiếng cười đã trở thành động lực khiến các đơn vị xã hội hóa và các đoàn nghệ thuật công lập phải quan tâm khi quyết định chọn một kịch bản mới đưa lên sàn tập. Vì vậy, làng kịch trong Nam ngoài Bắc một năm qua rộn rã tiếng cười.
Tiếng cười mang số phận
Đời nghệ sĩ một lần được đắm mình trong số phận độc đáo của một nhân vật dù chỉ là vai phụ nhưng lưu danh, ắt đã là niềm ao ước không chỉ của diễn viên hài. Tôi xem nhiều, tìm hiểu nhiều trong đời sống sân khấu nên có thể nhận định rằng: Vốn sống của diễn viên hài hiện nay quá hẹp. Họ chạy sô sáng trưa chiều tối, ngay cả đi tập cũng chạy sô nên thì giờ đâu để lăn lộn với đời, để chắt chiu cho vai diễn chất liệu quý giá. Nhưng bình tâm mà xét thì cũng có một vài điểm xuyết trong bức tranh hài kịch vốn đa màu sắc, đó là những tên tuổi mà bạn đọc Báo Người Lao Động mỗi khi đề cử giải Mai Vàng ắt hẳn phải lưu tâm: Bảo Quốc, Thành Lộc, Hoài Linh, Nhật Cường, Lê Giang, Hữu Châu, Minh Nhí, Anh Tuấn, Đại Nghĩa, Thanh Thủy, Phương Dung, Anh Vũ... Họ đã có nhiều vai diễn mang số phận cần sự ghi nhận thật công tâm để họ phát huy sở trường.
Hữu Châu trong vai ông giáo sư (vở Yêu nhau đi - Sân khấu IDECAF) là một vai duyên dáng. Cái gu chọc cười của Hữu Châu càng lúc càng trở nên tươi tắn, đáng yêu. Nhật Cường hùng hồn, lố bịch với vai người cha dượng ép uổng con gái của vợ (vở Những bà mẹ Hoàng Oanh - Kịch Nụ cười mới) làm người xem vừa cười vừa giận. Cách diễn của Nhật Cường cho khán giả tin ngay mà không cần suy đoán: một gã đàn ông điếm đàng, chuyên dụ dỗ phụ nữ nhẹ dạ, cướp của giữa ban ngày. Nhật Cường diễn tinh tế cảnh đối thoại với vợ (do Lê Giang diễn – cũng là một vai ấn tượng của nữ diễn viên này), rồi quay sang thuyết phục con của vợ cũng rất bản lĩnh. Che giấu dã tâm trong bộ mặt quan tâm, thương yêu nhưng lấy được tiếng cười thì quả là một nỗ lực đáng ghi nhận của Nhật Cường.
Nghệ sĩ Hoài Linh từ lâu đã là thương hiệu của Nụ cười mới, vở diễn có anh thì khán giả xem kín rạp. Thế nhưng đâu chỉ xem Hoài Linh chọc cười, giả gái là đủ mà phải xem Hoài Linh vào số phận nhân vật mới thật sự khâm phục sức diễn của chàng diễn viên này. Vai ông osin trong vở Cưới liều (Kịch Nụ cười mới) là một điển hình cho sự nâng tay nghề của Hoài Linh trong năm 2008.
Trong vở Nước mắt người điên (Kịch Phú Nhuận), Minh Nhí đóng vai một gã điên trong bệnh viện, dù chỉ là một tích tắc, thoáng ẩn, thoáng hiện nhưng Minh Nhí đã làm khán giả nhớ đến anh. Nét diễn thanh xuân, tươi vui của Minh Nhí phần nào làm giảm nhẹ sự căng thẳng vốn ngợp thở của vở kịch... Số phận dù ngắn nhưng ở lâu trong lòng khán giả là đỉnh điểm cần đạt trong đời nghệ sĩ khi nhận một vai kịch, những diễn viên hài kể trên, năm qua đã nỗ lực làm được điều đáng quý đó.
Sáng lên từ màn ảnh nhỏ
Nếu mảng hài kịch trên sàn diễn phong phú đa sắc màu như một bức tranh sơn dầu thì hài kịch trên màn ảnh nhỏ là một bộ sưu tập đa dạng với tiếng cười theo khuynh hướng mở. Chưa bao giờ các kênh truyền hình từ Nam chí Bắc lại nở rộ các chuyên mục về cười. Tiếng cười được khai thác tối đa nên có sự so le về chất lượng, có chương trình đậm chất trí tuệ, có chương trình nhạt nhòa rồi mất hút. Chuyện bốn mùa (HTV) năm qua có nhân vật của Thái Hòa xuyên suốt nhiều tập đã là một minh chứng cho việc đầu tư vai kịch theo kiểu dài hơi nhưng không kém duyên theo thời lượng phát sóng. Đơn giản bởi anh chàng sinh viên mê chơi hơn mê học mà Thái Hòa đóng đã khái quát được hình ảnh thật ngoài đời của nhiều thanh niên trong cuộc sống hiện nay.
Lê Bình trong câu chuyện nhà nông (chương trình Ra khơi - HTV), Trung Dân trong Chuyện miệt đồng (CTV), Đại Nghĩa, Quỳnh Phượng, Quốc Thuận (chương trình Cười chút chơi - HTV), Xuân Bắc, Văn Hiệp (chương trình Cười từ trong nhà ra ngoài ngõ - VTV), Mai Dũng, Vũ Thanh (chương trình Mắc mớ chi cười – HGRTV)... là những gương mặt điển hình của diễn viên hài từ màn ảnh bước ra đời thường. Bởi, sau nhiều tập được phát sóng, khi đi ra phố khán giả đã kêu tên nhân vật họ thể hiện, ví dụ bộ ba: Đại Nghĩa, Quỳnh Phượng, Quốc Thuận được khán giả gọi: anh Vui, chị Là, anh Chính hoặc “bác Tư của Trung Dân”.... Điều này phản ánh một thực tế: Khi tiếng cười được khai thác từ cuộc sống lại trở về với cuộc sống thì sức lan tỏa bền bỉ của nó giúp cho diễn viên thêm tự tin vào diễn xuất của mình.
Tất cả các chuyên mục vừa kể trên, diễn viên dù ở vai trò MC, người dẫn chuyện hoặc nhân vật đều trở nên sinh động, vấn đề là họ biết mở rộng sự ứng biến, cập nhật thông tin từ báo chí, truyền hình để đưa vào nội dung diễn xuất. Những vai diễn từ màn ảnh này được khán giả yêu thích vì họ không thấy diễn viên sử dụng hình thể lố bịch, không kệch cỡm, mà đi sâu vào vấn đề phê phán, cần châm biếm, đưa nội dung cần tuyên truyền qua lăng kính tiếng cười để đi thẳng đến sự cảm nhận của người xem. đó là sự động não cần thiết để bật tiếng cười mà diễn viên hài thời nay cần phải xác định khi làm nghề.