"Huế - Sài Gòn - Hà Nội" (Trịnh Công Sơn), MV phiên bản rapper Hà Lê, vừa ra mắt hôm 30-4 vừa qua đã trở thành một hiện tượng âm nhạc đúng nghĩa với khán giả.
Sáng tạo và mới mẻ
Phần thể hiện ca khúc quá đỗi quen thuộc này khiến người xem bất ngờ và xúc động trước niềm cảm hứng về đất nước, dân tộc trong giọng hát của một nghệ sĩ trẻ, cũng như sự mới mẻ anh đem lại cho ca khúc này. Ca khúc "Huế - Sài Gòn - Hà Nội" lại được giới thiệu vào đúng thời điểm cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang rất cần những động viên, khích lệ nên ít nhiều mang đến cảm xúc hân hoan cho công chúng sau những tháng ngày kiên cường chống dịch.
Trong thời buổi khan hiếm ca khúc hay như hiện tại, cover được xem là giải pháp tạo nên ấn tượng riêng. Thông qua dự án Trịnh Contemporary, Hà Lê đã thành công với việc cách tân nhạc xưa khi sáng tác thêm phần lời (đọc rap) và pha trộn những phong cách, loại hình nghệ thuật thời thượng vào ca khúc quen thuộc. Thành công với nhạc Trịnh, Hà Lê đang lên kế hoạch làm mới những ca khúc xưa.
"Trong tương lai, tôi còn muốn tìm những cách khác để kể, bằng âm nhạc của nhiều nhạc sĩ hay nhạc do chính tôi viết. Nếu tiếp tục với nhạc Trịnh thì đó phải là một hành trình khác nữa. Dù thế nào, những gì tôi đã làm với nhạc Trịnh sẽ luôn luôn là nền tảng để tôi dựa vào mà phát triển thêm các dự án sau này" - anh cho biết thêm.
Không chỉ có Hà Lê thành công với hướng đi trên. Producer Touliver từng khiến khán giả thú vị khi mang đến ca khúc "Hương ngọc lan" đầy mới mẻ bằng sắc màu R&B tươi trẻ. Nếu nghe "Chú voi con ở bản Đôn" của ACC Band, hẳn người nghe sẽ phải thốt lên "quá tuyệt vời" với một cách thể hiện hoàn toàn khác trước và cả lời ca được viết thêm với câu chuyện nhiều diễn tiến cùng thông điệp ý nghĩa.
Không phải đường dài
Tất nhiên, không phải ai cũng có thể tạo nên những giá trị riêng cho chính mình khi tham gia con đường cover. Dù vậy, ngay cả việc chọn giải pháp dễ nhất là cover nhạc Hoa, nhiều giọng ca trẻ cũng cho thấy họ nghiêm túc khi viết lại lời ca mới cho một ca khúc cũ để đến gần hơn với người nghe đương đại. Mới đây, Dương Edward (còn được gọi là "Hoàng tử cover") đã khẳng định chất riêng của mình với dự án âm nhạc "Khúc họa tình", gồm 15 bài cover. Dự án được bắt đầu với bài "Dáng em" và "Ánh trăng tình ái" vừa lên sóng đã tạo được sự chú ý của khán giả yêu âm nhạc. Trên trang YouTube của nam ca sĩ, ca khúc đã đạt được hơn 500.000 lượt nghe chỉ sau chưa đầy 3 ngày phát hành.
Từ đầu năm đến nay, trên các bảng xếp hạng âm nhạc hoặc mạng xã hội xuất hiện nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt (viết lại lời Việt dựa trên giai điệu có sẵn từ nhạc Hoa), được thể hiện bởi các ca sĩ trẻ như Juky San, Tăng Phúc, Trần Quang Đăng...Các ca khúc "Cô độc vương" của Thiên Tú, "Chỉ muốn bên em lúc này" của Huy Vạc và JikiX, "Chỉ là không cùng nhau" của Tăng Phúc - Trương Thảo Nhi, "Vĩnh biệt màu xanh" của Phương Phương Thảo... trở thành những bản hit được yêu thích. Trong đó, "Cô độc vương" đạt 25 triệu lượt nghe chỉ sau 1 tháng phát hành trên Zing MP3, "Chỉ muốn bên em lúc này" của Huy Vạc và JikiX thu hút 36 triệu lượt nghe sau 2 tháng ra mắt.
Trong những show âm nhạc, truyền hình thực tế gần đây, nhạc Hoa lời Việt cũng được nhiều ca sĩ thể hiện. Ca khúc "Biệt khúc chờ nhau" phiên bản 2021, nhạc phim "Tân dòng sông ly biệt" được các giọng ca Văn Mai Hương, Hòa Minzy, Bùi Công Nam, Anh Tú hát trong chương trình "Xuân Hạ Thu Đông, rồi lại Xuân" đã gây bão mạng xã hội.
Cover (dù có viết lại lời) không phải là con đường dài ở một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp. Dù vậy, việc sử dụng âm nhạc và tư tưởng nhạc xưa rồi kể câu chuyện của ngôn ngữ chính mình là một sáng tạo ấn tượng và đáng ghi nhận ở thời điểm hiện tại. Kể nhạc xưa bằng một câu chuyện, hơi thở của đương đại để có thể đối thoại được với thế hệ trẻ hiện nay tạo nên những thú vị nhất định.