1.
Trung thu ở quê ngày xưa trẻ em không có bánh nướng, bánh dẻo hình mặt trăng, cá chép; không có lồng đèn lung linh các kiểu; càng không có tiếng trống cắc tùng đệm những bước nhảy của chú lân oai vệ. Trung thu hồi tôi còn là một cô bé, chỉ có trăng và những cái bánh, viên kẹo, loại rẻ tiền. Nhưng vui, rất vui. Vì dù thiếu thốn, sơ sài nhưng vầng trăng ngự trên đầu vẫn lung linh, vành vạnh.
Như một sự bù đắp cho những thiếu hụt về vật chất, những người được lớn lên từ quê tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp quyến rũ của trăng thu. Như vậy đã quá đủ đầy. Nên tôi chưa bao giờ thấy tuổi thơ mình thiệt thòi vì Trung thu thiếu lân, thiếu bánh.
2.
Ngay từ những ngày đầu tháng, khi những vầng sáng còn mong manh thì lũ trẻ quê đã rủ nhau chơi trăng chứ không đợi đến rằm. Thỏa thê dưới trăng, chúng tôi la hét đến khản tiếng. Từ trò năm mười, kéo co đến nhảy dây, u quạ, món gì bày ra cũng được cả bọn chơi nhiệt tình, sôi nổi. Trò chơi rất cũ nhưng đem ra chơi dưới trăng thì hấp dẫn lạ lùng. Chơi tới chừng mệt đứt hơi mới thở dốc, kéo nhau về rất rôm rả.
Trung thu, trăng lênh láng trước nhà sau ngõ. Còn bánh? Niềm vui to bự là nỗi vui mừng, hồi hộp được nhận quà. Có năm tập trung về sân bãi trước ủy ban xã, có năm trẻ thôn nào tập trung về thôn ấy. Lần nào cũng y chang cảm giác, thấp thỏm chờ đợi, hy vọng phần quà năm nay sẽ to hơn năm trước, dù biết sẽ chẳng thể nhiều hơn vài chiếc bánh bích quy rẻ tiền và ít viên kẹo chanh. Quà nhỏ, tượng trưng cho lòng nhân ái, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương đối với thiếu nhi.
Trước Trung thu hớn hở vui chơi, tưng bừng đi nhận bánh. Đêm Trung thu, đi chơi trăng với bạn rồi về ngắm trăng cùng gia đình. Tối hôm đó, khi trăng lên cao sáng ngời, mẹ sẽ quét sân, trải chiếu. Sau đó, ba mẹ và bốn chị em tôi nằm thứ tự từ lớn đến bé để bắt đầu bữa tiệc trăng. Dưới trăng thu lộng lẫy, mấy chị em thủ thỉ hết chuyện trường lớp đến kể chuyện đêm khuya. Chơi tới chừng "ba nàng tiên nhỏ" ngáy khò khò thì ba sẽ nhẹ nhàng bồng từng đứa vào giường. Trung thu ấm áp là vậy!
3.
Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã chuẩn bị tới kỳ trăng được trẻ con trông đợi nhất nhưng không khí vẫn yên ắng lạ. Như mọi năm, thời điểm này phố phường đã bày bán những chiếc đầu lân, mặt nạ và bánh Trung thu đủ kiểu. Tất cả đều sặc sỡ, thơm tho. Người lớn đi đường cũng phải ngoái nhìn chứ nói gì trẻ con. Chúng không kìm được tiếng la khoái chí khi thấy những món "đặc sản" của Tết thiếu nhi. Đương nhiên rồi, đứa trẻ nào chẳng mong được nhận quà, đặc biệt là quà Trung thu.
Trung thu đã rất gần, trẻ con tiếc nuối một mùa Tết bị Covid-19 quấy rối. Mẹ không đi chợ mua lồng đèn, bánh Trung thu, các đoàn lân không thể múa rộn ràng trên phố và càng không có đoàn lân nào về xóm làng, đã không còn nghe tiếng cắc tùng. Bé cháu tôi gọi điện than "Dì ơi, hai chị em con mất Trung thu rồi". Trời đất, làm sao mất được. Có Covid-19 thì Trung thu vẫn còn, trăng vẫn sáng, có khi còn đẹp hơn. Và yên tâm, dì cá là Trung thu của các cháu sẽ ấm áp hơn những năm trước.
Vâng, tôi tin là như vậy, năm nay, không vì Covid-19 mà người lớn quên cái Tết đặc biệt này. Tôi thấy hai nhà hàng xóm có 4 đứa trẻ, từ hôm qua các ông bố đã ngồi trước hè cặm cụi làm lồng đèn, còn mẹ tự chế tác một cái đầu lân mini cho các bé yêu. Hạnh phúc là đây. Trung thu này, các bé sẽ được "bù đắp" cho sự thiếu hụt vì Covid-19 bằng sự nồng ấm trọn vẹn trong vòng tay ba mẹ.
Còn tôi, con trai đã qua tuổi nhận quà nhưng vẫn thấy rộn ràng khi mùa trăng đang tới gần. Trung thu này tôi không còn niềm vui tự làm lồng đèn, đầu lân cho con nhưng sẽ làm sống lại ký ức của con bằng cách ôn lại kỷ niệm những mùa Trung thu đã qua, để con hiểu rằng dù đời mẹ từng gió dập sóng vùi thì con cũng đã có những mùa Trung thu hạnh phúc...