Cuốn tiểu thuyết ấy (NXB Đà Nẵng, 2005) đang bắt đầu được tìm đọc. Chúng tôi cũng đã tìm gặp Thuận, nhân dịp chị về Việt Nam để cho ra mắt cuốn sách của chị. Thuận mặc chiếc áo khoác may từ loại vải Trung Quốc chuyên làm vỏ chăn “con công” những năm xưa từng là mơ ước của nhiều cặp vợ chồng mới cưới, chiếc áo khoác y chang bức tranh bìa Phố Tàu mà chồng Thuận - họa sĩ Trần Trọng Vũ - đã chú tâm vẽ cho cuốn sách đầu nên của vợ in ở VN. Không thận trọng, cũng không xã giao, Thuận trò chuyện với TT&VH:
* Tại sao chị chỉ lấy một chữ Thuận để làm bút danh?
- Tôi từng viết một số truyện ngắn cách đây 10 năm, lấy bút danh Thuận Ánh - tên thật. Sau này tôi muốn người ta quên những gì mình đã viết trước đó, nên từ Made in Vietnam (một tiểu thuyết tôi viết bằng tiếng Việt in ở Pháp) tôi lấy tên là Thuận, đơn giản là một cái tên khác thôi mà.
* Đọc Phố Tàu có cảm giác từ ngữ của chị rất thuần Việt và đơn giản, nhưng câu văn thì ngắt rất nhanh, mạnh và lặp đi lặp lại. Đấy là chủ ý của chị để tạo ra phong cách Thuận?
- Văn chương là nghệ thuật của chữ nghĩa nên chữ nghĩa là điều tôi chú trọng nhất. Cái mà tôi tìm kiếm đầu tiên là sự chính xác, dễ hiểu. Tôi thích danh từ và động từ, không thích các tính từ và mỹ từ. Trong tiểu thuyết của tôi nhịp điệu cũng cực kỳ quan trọng, tác phẩm văn học không thể là những câu rời đứng cạnh nhau. Tôi chủ ý viết những câu ngắn, không xuống hàng. Những câu ngắn lặp lại nhau, như gối lên nhau. Liên tục tạo thành một nhịp điệu. Phố Tàu chỉ có một nhịp điệu, nhưng có 3 quãng khác nhau cắt ngang bởi 2 lần xuất hiện của một nhân vật không được giải thích lý do xuất hiện cũng như quan hệ với nhân vật chính và hệ thống nhân vật của tiểu thuyết-nhân vật I’m yellow. Tôi để cho người đọc tự do trôi theo dòng hồi tưởng miên man của nhân vật và muốn họ cảm giác được cái hùng hục của tôi khi viết.
* Trong tiểu thuyết, chị đã cố tình không cho nhân vật của mình đi đến phố Tàu - Chợ Lớn, nơi mà theo cô ta là khởi nguồn của mọi bi kịch trong cuộc đời cô ta, nơi cô ta đã mất tình yêu và có thể sẽ mất nốt cả linh hồn của đứa con trai. Chị cố ý như vậy hay vì chưa từng đến để có thể viết về nó, như chị đã Viết về phố Tàu ở Paris?
- Tôi đến phố Tàu - Chợ Lớn nhiều lần cũng đã đến phố Tàu ở nhiều thành phố Mỹ. Thực ra, mọi phố Tàu trên thế giới đều mang một tinh thần như nhau mà nói chính xác thì phố Tàu ở Paris ít chất Tàu hơn cả. Nhưng vấn đề không phải ở đó mà với tôi, phố Tàu chỉ là một cái cớ, nó là nỗi ám ảnh thì đúng hơn là một thực thể tồn tại - trong tiểu thuyết. Toàn bộ những gì diễn ra trong các phố Tàu ở cả Paris lẫn Chợ Lớn đều là do nhân vật chính tưởng tượng ra trong dòng hồi ức triền miên và có vẻ lộn xộn của cô ta.
* Chị có nhớ được nguyên văn câu đầu và câu cuối của tiểu thuyết không?
- Nhớ chứ. "Đồng hồ đeo tay chỉ số 10” và “đồng hồ đeo tay chỉ số 12”.
* Có nghĩa là...
- Câu chuyện của tiểu thuyết chỉ gói gọn trong 2 tiếng.
* Khi viết, chị hướng đến đối tượng độc giả cụ thể nào không?
- Tôi không hình dung ra chân dung cụ thể bạn đọc của mình, già trẻ, nam nữ, làm nghề gì, thành phần xã hội nào. Nhưng tôi chắc chắn là mình luôn hướng đến độc giả người Việt ở Việt Nam, những người nói tiếng Việt và đọc thông viết thạo chữ Việt. Chính vì thế mà tôi muốn bằng mọi cách để in được sách của mình ở VN.
* Nghề nghiệp của chị (giảng viên ngôn ngữ) có ảnh hưởng gì đến thói quen viết lách, hay nói văn chương là phong cách viết của chị không?
- Có chứ, tôi đã nói rồi mà, tôi thích sự đơn giản, rõ ràng, chính xác trong từng câu chữ.
* Chị đang mặc một chiếc áo rất giống bìa của phố Tàu.
- Vâng, đúng rồi, loại vải để làm vỏ chăn “con công”. Tôi thích nó.
* Chị thấy đời sống văn học ở VN khác với những nơi chị từng sống (Nga, Pháp...) như thế nào?
- Ở nước ngoài, nhà văn muốn được xã hội tiếp nhận phải có bề dày sáng tác nhiều hơn, ít nhất 4-5 tác phẩm (tiểu thuyết) đã in ra mới được công nhận. Còn ở VN, có thể chỉ 2 - 3 truyện ngắn đã được chào đón nồng nhiệt - như tôi đang được đón tiếp đây (cười). Nhưng về vật chất thì ở đâu cũng vậy thôi, một tác phẩm nổi tiếng ở Pháp, in ra, nhà văn được 5.000 FF, tương đương 750 euro, đủ để trả tiền nhà trong một tháng và ông ta đã phải lao động trong 2 năm (!). Nỗi buồn vì văn học không phải là hàng bán chạy là nỗi buồn chung của nhân loại rồi mà.