Trong cuộc sống thường xuất hiện những nghịch lý mà suy ngẫm để tìm ra cái chân lý ẩn bên trong nó có thể giúp chúng ta tránh được nhiều nhận thức hời hợt, máy móc, nhờ đó hiểu biết thực tế đúng đắn hơn.
Những nghịch lý lớn
Nhìn lại lịch sử hình thành tầng lớp trí thức Việt Nam qua các thế hệ, tôi vẫn băn khoăn một câu hỏi lớn: Tại sao trong hơn 80 năm qua, hình như ta chưa có thế hệ trí thức nào vượt qua được về tài năng, trí tuệ và cả phẩm chất nhân cách thế hệ trí thức những năm 30-45 thế kỷ trước - thời kỳ Tự lực Văn đoàn, trào lưu Thơ mới với các nhạc sĩ Văn Cao, Đặng Thế Phong; các nhà khoa học, văn hóa, giáo dục Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo... Hầu hết những trí thức này đều học trường Pháp ra mà sao tinh thần dân tộc rất cao và vào năm 1945, tuyệt đại bộ phận họ đều đi theo cách mạng chống lại thực dân Pháp. Điều đó tựa hồ mâu thuẫn với quan niệm phổ biến xưa nay là nhà trường thực dân chỉ cốt đào tạo ra những người làm tay sai cho thực dân.
Trong khi đó, các thế hệ trí thức sau này được đào tạo một cách bài bản, hằng ngày được gián tiếp hay trực tiếp bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu lao động, ghét áp bức bóc lột... mà sao có vẻ như phẩm chất không được như ta kỳ vọng. Dường như có cái gì chưa ổn lắm, cho nên gặp hoàn cảnh không thuận lợi thì bộc lộ nhiều nhược điểm. Chúng ta có biết bao tiến sĩ, giáo sư, viện sĩ, rồi lại có cả những “bộ óc vĩ đại thế kỷ XXI”, những “nhân vật xuất chúng trong năm” của thế giới (do các tổ chức “nghiên cứu tiểu sử” ở nước ngoài bầu chọn), đến nỗi nếu phải xây một Văn Miếu hiện đại chắc phải to rộng lắm mới đủ chỗ vinh danh bấy nhiêu bậc đại trí. Thế nhưng, ai biết trong cái gia tài trí thức lớn ấy có bao nhiêu giá trị thật sẽ còn lại?
Đó là cái nghịch lý lớn cần phân tích và lý giải khi bàn chuyện chấn hưng giáo dục.
Tôi nghĩ cốt lõi vấn đề là ở sự khác nhau giữa hai hướng triết lý giáo dục.
Trong giai đoạn trước đây, khi cả dân tộc đang phải chiến đấu giành lại độc lập, tự do từ tay bọn thực dân, dễ hiểu giáo dục cũng như mọi ngành hoạt động xã hội khác phải dồn sức phục vụ mục tiêu tối thượng đó, cho nên phải tạm thời gác lại nhiều điều tuy rất cơ bản về lâu dài nhưng chưa thật sự cấp bách để tập trung vào những cái khác tuy không cơ bản nhưng có tác dụng trực tiếp ngay. Không may chiến tranh kéo dài, đất nước ngày càng bị cô lập với thế giới, cái không bình thường trong cuộc sống biến thành bình thường, thói quen chỉ nhìn thiển cận trở thành một thứ bản chất, thì giáo dục cũng không thể khác được. Trong lúc ấy, thế giới đã thay đổi tận gốc. Văn hóa Pháp mà thế hệ trí thức tiền bối 1930-1945 đã được hưởng dựa trên một triết lý khác. Tuy được thực hiện dưới chế độ thực dân nhưng bản chất nó không có tính chất thực dân. Cái phần thực dân trong nền giáo dục ấy chỉ là cái vỏ ngoài do bọn thực dân áp đặt ở thuộc địa mà cũng chỉ có tác dụng rất hạn chế; còn cái phần nhân văn, cái phần văn hóa cơ bản, cái phần thật sự là tinh túy trong triết lý của nó lúc đó thì ai tiếp thu được đều tốt cho họ, cho đất nước họ, cho nhân dân họ, không cứ là cho người Pháp, cho nước Pháp. Có lẽ chính vì nhìn thấy rõ điều ấy mà Phan Chu Trinh đã sáng suốt đề ra đường lối giải phóng đất nước: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Giờ đây, khi giáo dục đã nhiều năm lệch quá xa với thế giới càng thấy rõ con đường chấn hưng đất nước phải bắt đầu bằng việc nhận thức lại cho đúng cái chân lý sâu xa ẩn trong cái điều có vẻ nghịch lý như trên.
Thật may, sau nhiều năm loay hoay với những cải cách vụn vặt, triền miên nhưng vô hiệu, vừa qua giáo dục đã bắt đầu giác ngộ vấn đề cốt lõi là phải thay đổi là triết lý giáo dục. Đây là một bước tiến đáng kể, một bước ngoặt hứa hẹn sự lột xác tốt đẹp của giáo dục, cho dù phần lớn công việc đổi mới đang còn ở phía trước và phải nói thật là còn rất gay go.
Hai câu chuyện gây tranh luận
Nhân nói về triết lý đằng sau các nghịch lý giáo dục, tưởng cũng nên nhắc lại hai sự kiện đã gây những luồng ý kiến ngược chiều trong dư luận xã hội đối với các thành tích giáo dục của Việt Nam so với thế giới trong một số lĩnh vực.
Giữa lúc dư luận xã hội đang rất bức xúc với yếu kém triền miên của giáo dục thì cách đây chừng 10 năm xuất hiện một tin vui bất ngờ: Theo công bố trên một tạp chí Đức, trình độ học vấn của học sinh tiểu học ở Hà Nội cao hơn ở Munich - nơi chất lượng giáo dục được đánh giá vào loại cao nhất nước Đức lúc bấy giờ. Đó không phải là nhận xét hời hợt của một nhà báo mà là kết luận nghiêm túc do hai nhà nghiên cứu Đức rút ra từ cuộc điều tra và phân tích khách quan ở 54 lớp tiểu học ở Munich và 20 lớp tiểu học ở Hà Nội.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu này, “học sinh Đức có phần thông minh hơn nhưng khả năng tập trung chú ý thì học sinh Việt Nam vượt trội. Đặc biệt, học sinh Việt Nam vượt trội hơn hẳn về môn toán, kể cả khi làm các bài toán khó cần có tư duy... Học sinh Việt Nam có tinh thần kỷ luật cao, tuyệt đối kính trọng thầy cô, thân ái đoàn kết với nhau, coi học tập là niềm vui”.
Ngay khi biết được kết luận ấy, khá đông người đã mừng rỡ reo lên: Hóa ra giáo dục của ta vượt cả Đức chứ đâu phải yếu kém như những lời phàn nàn, chỉ trích vô căn cứ của dư luận xã hội!
Tuy chưa rõ điều kiện khảo sát của nhóm nghiên cứu Đức khách quan đến đâu nhưng cũng không thể phủ nhận họ đã làm việc vô tư, nghiêm túc. Mặt khác, rất khó tưởng tượng học sinh của ta thật sự giỏi hơn Đức. Vậy ở đây có điều gì khó hiểu?
Trước hết, cần khẳng định những ưu điểm kể trên của trẻ em ta là có thật. Và công bằng mà nói, giáo dục tiểu học của ta, ít nhất ở Hà Nội và các thành phố lớn, vẫn còn nề nếp, kỷ cương, ít lạc hậu với thế giới hơn các cấp từ THPT trở lên, nhất là đại học. Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mà chất lượng tiểu học được như thế cũng đã là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu bình tâm suy xét sẽ thấy rằng: Người Đức không có gì phải lo lắng vì những đánh giá trên nhưng người Việt thì không thể quá vui mừng, càng không nên yên tâm.
Tại sao và điều gì khiến chúng ta phải lo lắng? Vấn đề là ở chỗ phải xét xem học sinh ta hơn hay kém ở những điểm gì và cần tìm nguyên nhân tại sao như vậy. Trẻ em ta có vẻ hơn ở những điểm không cơ bản lắm: chăm chỉ, kỷ luật, ngoan ngoãn, biết tập trung chú ý và khá toán nhưng có vẻ kém ở một điểm rất cơ bản là thông minh, trí tuệ. Mà nên nhớ rằng trong thế giới ngày nay, trí tuệ mới thật sự là chủ bài cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Nói rõ hơn, những đức tính mà trẻ em ta vượt trội thì ở các nước phát triển người ta không đặt yêu cầu quá cao ở lứa tuổi tiểu học. Họ khuyến khích trẻ em chăm học bằng cách tạo hứng thú học tập chứ không phải ép buộc học thêm lu bù như ta.
Tôi vẫn tin rằng trẻ em sinh ra dù thuộc dân tộc nào và tầng lớp nào cũng thông minh gần như nhau, trừ những ngoại lệ. Những nghiên cứu ở Mỹ đã từng xác nhận điều đó khi họ so sánh trẻ em da đen và da trắng. Sự khác biệt trong phát triển trí tuệ phụ thuộc chủ yếu vào môi trường giáo dục chứ không phải nguồn gốc dân tộc hay giai tầng xã hội. Vậy khi trẻ em Đức được đánh giá có phần thông minh hơn trẻ em Việt Nam, điều đó chứng tỏ giáo dục của ta chưa chú ý đầy đủ việc phát triển trí tuệ mà còn nặng nhồi nhét kiến thức, gò bó cá tính, ít khuyến khích tính độc lập, năng động, sáng tạo.
Gần đây, những thành tích cao của học sinh ta trong cuộc thi PISA cũng là đề tài bàn luận sôi nổi. Cần biết rằng PISA ban đầu và chủ yếu là sân chơi của các nước khối OECD để kiểm tra trình độ, kiến thức và kỹ năng của thiếu niên ở lứa tuổi 15-16 là lứa tuổi ở các nước đó phải có học vấn phổ thông bắt buộc. Họ chỉ quan tâm kiến thức và kỹ năng, vì về các mặt khác, họ khá đồng nhất với nhau về quan niệm tuy có khác nhau về chi tiết. Với mục tiêu như vậy thì nội dung và tổ chức phương pháp đánh giá của PISA là phù hợp.
Vậy các kết quả thi PISA của Việt Nam như đã công bố có thể tin cậy được, không thể nói là tào lao. Điều quan trọng là cần hiểu đúng ý nghĩa hạn chế của những kết quả đó khi sử dụng để đánh giá chất lượng giáo dục của các nước tham gia.
Nên chú ý rằng PISA chỉ kiểm tra về kiến thức và kỹ năng ở ba môn: toán, đọc hiểu, khoa học. Nhưng đánh giá chất lượng giáo dục đâu chỉ có mấy chuyện đó. Còn nhiều mặt quan trọng nữa, ngay cả về mặt trí tuệ. Hiển nhiên là khá về mấy chuyện đó ở cấp THCS cũng tốt rồi nhưng chưa cơ bản. Hơn nữa, từ cấp THPT trở lên, học sinh ta chắc sẽ bê bết hơn nhiều. Thực tế là giáo dục của ta ở bậc THCS ít lạc hậu so với thế giới hơn ở các bậc THPT và cao hơn. Cho nên, tôi không ngạc nhiên lắm về kết quả thi PISA của học sinh ta và thật tình vẫn thấy xót cho cái giá quá đắt để tham gia PISA (ngay từ đầu phải nộp 160.000 euro, chưa kể các chi phí khác).
Dù sao, thật là không may nếu chỉ dựa vào những kết quả thi PISA vừa qua mà tin rằng có thể yên tâm về chất lượng giáo dục Việt Nam. Còn nếu biết khai thác những khía cạnh tích cực của nó, hiểu cho tường những chân lý ẩn trong từng nghịch lý của nó thì cũng đáng cái giá phải trả.