. Phóng viên: Sau thành công của vở Kim Vân Kiều và hiện nay là vở Chiếc áo thiên nga, chị là người có công mang lại sắc thái mới cho sân khấu cải lương thời hội nhập. Chị là người thích thử thách. Cái giá của thử thách sau hai chương trình Hội ngộ tài năng là gì?
- Đạo diễn Hoa Hạ: Có nhiều lúc tôi thấy mình mệt mỏi. Ông bà xưa nói “gieo tính cách gặt số phận” quả đúng. Cái giá của thử thách trong công việc có nặng nhưng trả được nếu mình biết vay đúng chỗ, đúng người, còn cái giá thử thách trong cuộc sống rất khó trả. Sau hai chương trình Hội ngộ tài năng, tôi mang ơn tất cả các nghệ sĩ cải lương đã cùng tôi tham gia, góp ý, động viên. Họ đều nhận thấy món nợ với tổ nghiệp quá lớn đã đến lúc phải trả. Nghĩa là cải lương đang cần một lối đi mới, mô hình mở, để báo công với tổ nghiệp rằng con cháu đã làm sáng sủa hơn chữ nghề. Nếu không có tập thể, không có sự chung sức, tôi không thể lao vào thử thách.
. Cá tính của chị vốn mạnh mẽ nhưng trong nghệ thuật, chị lại chọn những kịch bản giàu tính trữ tình, kịch bản Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga là ví dụ?
- Khối thép cứng chắc trước khi được đưa vào công trình xây dựng vẫn là một dòng chảy cực nóng đó thôi. Lửa yêu nghề, lửa đam mê đã đốt tôi chảy như thép để cảm và yêu những trường đoạn trữ tình. Tôi tiếp thu tất cả những góp ý của báo chí, nhà phê bình và giới chuyên môn, để nhận ra những khó khăn của mình. Tôi không thuộc loại đạo diễn cứ nghe khen thì vơ tất cả vào mình. Tôi là người cầu thị, biết lắng nghe, thậm chí tranh luận nhưng trên tinh thần vì cái chung chứ không vì lợi ích cá nhân. Lần đầu thực hiện vở Kim Vân Kiều, gần đến phút chót không tìm được nhà tài trợ, tôi xuất tiền túi để lo chu toàn những thứ đang thiếu. Lần này cũng vất vả không kém chúng tôi mới tìm được một nhà tài trợ ủng hộ 800 triệu đồng. Ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, đã từng khóc như mưa khi kể lại chuyện ông đi tiếp thị vé Kim Vân Kiều, nhà doanh nghiệp bảo “Thương anh thì mua vậy chứ tôi không xem cải lương”. Chúng tôi đã đốt cháy những tự ái, những rào cản với những quan niệm cũ rích để lao tới...
. Và con đường khám phá nào cũng lắm gian nan. Chị muốn được là người mở đường?
- Không. Người mở đường chính là khán giả. Họ quay lưng với sân khấu cải lương chính vì một số người hoạt động nghệ thuật cải lương đã vô trách nhiệm với nghề. Họ đòi hỏi cái mới, hình thức mới, buộc chúng tôi lao theo. Qua hai suất diễn Kim Vân Kiều và ba suất diễn Chiếc áo thiên nga, tôi tri ân từng tấm vé. Họ - những khán giả của Hội ngộ tài năng - chính là những người mở đường.
. Trong những buổi họp báo về vở diễn Chiếc áo thiên nga, chị đã tuyên bố nhiều ý tưởng sẽ thực hiện: cảnh xây thành Cổ Loa, cảnh suy thành và chiếc cầu người thiên nga... nhưng rồi ý tưởng đó chưa thực hiện được?
- Kinh phí là điều quyết định. Chỉ mới dừng lại việc xây thành bằng ba tấm phông lớn, dùng ròng rọc kéo lên kết nối thành mặt tiền thành Cổ Loa thì đã nâng kinh phí lên 2,7 tỉ đồng. Nếu thực hiện đúng ý tưởng ráp từng mảnh thành Cổ Loa, rồi sau đó để chúng phút chốc tan tành thì kinh phí đội lên không biết bao nhiêu, trong khi nhà hát chạy vạy từng đồng, chắt chiu từng khoản chi để hoàn thành tác phẩm. Khó khăn chồng chất, chi phí thì hạn hẹp. Nhưng tôi mừng vì lòng người đã thông, mọi nghệ sĩ tham gia vở Chiếc áo thiên nga đều hướng về một mục đích: Góp phần khẳng định sự thể nghiệm của Nhà hát Trần Hữu Trang trong việc đưa cải lương ra sân khấu quảng trường là đúng, tạo nét mới cho sân khấu cải lương trong thời kỳ hội nhập.
. Chị đúc kết được điều gì sau thành công của hai tác phẩm hoành tráng này?
- Tôi đúc kết được nhiều yếu tố: Phương pháp dàn dựng đã có được sự kết hợp đồng bộ để các bộ môn nghệ thuật khác như: múa, xiếc, võ thuật, giao hưởng, hợp xướng... thật sự phục vụ diễn xuất của cải lương; khâu kịch bản văn học quyết định chất lượng nghệ thuật, nếu không có cái “chìa khóa” này thì không thể xác định hướng thể nghiệm cần thiết; cảnh trí ở quảng trường phải mang tính khái quát; phục trang được thiết kế cho đúng trước khi nghĩ đến đẹp. Trước đây, vở Kim Vân Kiều gặp phải một hạn chế là phải chia lớp diễn cho nhiều đôi nghệ sĩ thể hiện nhân vật chính, nên âm nhạc chưa quyện lắm. Lần này kịch bản xuyên suốt, tuyến nhân vật xoay quanh 15 diễn viên nên âm nhạc “đo ni đóng giày”. Cuối cùng là phần diễn xuất ở sân khấu lớn. Tôi yêu tất cả những diễn viên của vở Chiếc áo thiên nga, họ đã thật sự làm tôi hài lòng trước nỗ lực rất lớn để đúc kết thêm kinh nghiệm cho cải lương thời hội nhập.
. Làm tiếp, đi tới vẫn là chủ trương của chị?
- Tôi có bao giờ dừng lại? Dù bị bệnh suy tim, bác sĩ cảnh báo có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào, nhưng tôi vẫn lao tới. Hiện nay kịch bản Hoàng đế Quang Trung đã được hình thành, sẽ diễn ra vào mùa xuân 2009 trong chương trình Hội ngộ tài năng lần 3. Tham vọng của chúng tôi là sau ba chương trình này sẽ đúc kết đề án Đưa cải lương ra sân khấu quảng trường, cần và đòi hỏi những yếu tố gì trong dàn dựng bằng một hội thảo mang tính học thuật sẽ được Sở VHTT TPHCM và Hội Sân khấu TPHCM tổ chức.
. Mang quá nhiều khát vọng nhưng cũng có lúc chị bảo rằng mình mệt mỏi. Sự nghiệp nghệ thuật của chị chắc cũng ở trong trạng thái như vậy?
- Số tôi nói theo tâm linh là “tiền hung hậu kiết”. Tôi gặp trắc trở nhiều nhưng rồi vẫn vượt qua. Trạng thái chung nhất chính là làm xong rồi quên, tiếp tục làm cái mới. Tôi không thích cứ mãi ôm ấp thành công cũ. Và tôi cảm ơn sự mệt mỏi để luôn được bồi thêm sức.
. Hoài bão lớn nhất của chị?
- Thầy tôi – đạo diễn NSƯT Đoàn Bá - có nói: “Hãy biết trân trọng hoài bão nhỏ để làm nên hoài bão lớn”. Tôi ăn cơm cải lương, phải làm những việc có ích cho ngành nghề này. Điều gì trái lại với lợi ích đó, tôi tránh xa. Do vậy tôi chúa ghét sự gian dối, ăn xén, chà đạp đồng nghiệp, nhất là xử ép những nghệ sĩ, công nhân hậu đài, nhạc công... Những gì được tôn vinh sau thành quả của vở Chiếc áo thiên nga, tôi xin dành hết cho họ.