Năm 2001, "Đời cười 3" của anh do đạo diễn NSƯT Lê Hùng dàn dựng cho Nhà hát Tuổi Trẻ (HN) đã gây cơn sốt "cháy vé". Năm nay, chương trình "Internet về làng" của anh (cũng tại Nhà hát Tuổi Trẻ) từ 4 Tết Bính Tuất do NSƯT Chí Trung đạo diễn, cũng luôn đầy khách.
.Anh có hài lòng với phần dàn dựng của nghệ sĩ hài có tiếng, nhưng lần đầu làm đạo diễn - Chí Trung?
- Nhìn chung, tôi hài lòng. Chí Trung tỏ ra là đạo diễn thông minh, có bản lĩnh, có duyên.
Sau khi duyệt, có một số chỗ tôi đề nghị cắt bỏ hoặc nâng lên, đạo diễn cũng đồng ý nhưng chưa xử lý được, chủ yếu do thời gian từ lúc duyệt đến lúc công diễn quá ngắn vì vở phải được đưa ra vào đúng dịp Tết.
Đạo diễn và diễn viên trung thành đến trên 90% kịch bản. Một số chỗ thêm vào có tính chất "trò ngoài tích" và phần nào cợt nhả, nhưng tôi cũng không phản đối vì đó là sản phẩm ngẫu hứng của các nghệ sĩ hài. Trên thực tế, công chúng cũng chấp nhận, thậm chí hứng thú với những chỗ ngẫu hứng này.
."Internet về làng" có gì giống và khác với "Đời cười 3"?
- Cả hai chương trình đều có chung một thông điệp văn hoá của tiếng cười xây dựng được công chúng chấp nhận và chia sẻ. Đó đều là cái hài của tình huống và tính cách, cái hài hồn nhiên gần gũi trong cuộc sống.
Nhưng "Đời cười 3" đi sâu vào quan hệ gia đình thời đổi mới với những đổ vỡ rạn nứt thế hệ khi lối sống mới xâm nhập vào từng mái nhà, "Internet về làng" lại hướng vào việc mổ xẻ những căn bệnh mới ngoài xã hội như thói đua đòi sĩ diện, thói chuộng hình thức, thói vọng ngoại, sính ngoại, làm ăn chụp giựt... nảy sinh trong bối cảnh bùng nổ những nhu cầu mới, những dịch vụ mới, những quan hệ quốc tế mới. Người ta lãng quên hay coi rẻ những cái đẹp, cái thông minh hồn hậu vốn có của người nông dân để chạy theo những cái lai căng, hợm hĩnh, đổi mới nửa mùa của những trọc phú thời nay.
.Qua báo chí, khán giả thấy anh luôn bận rộn với những dự án làm phim lớn, rồi còn vẽ tranh triển lãm. Vậy những kịch bản hài cho "Đời cười 3" và "Internet về làng", anh viết lúc nào?
- Tôi viết từ năm 2001. Sau thắng lợi của "Đời cười 3", đạo diễn Lê Hùng định dựng tiếp chương trình "Đời cười 4" từ các kịch bản này của tôi, nhưng lúc đó tôi bận đi Mỹ hơn nửa năm, không bổ sung sửa chữa kịch bản được theo yêu cầu của nhà hát, nên gác lại.
Tôi vẫn còn nhiều kịch bản hài, cả ngắn và dài in ra cũng dăm bảy trăm trang. Như kịch bản dài "Nghệ thuật chổng mông", nói về chuyện một anh chàng bị lôi vào dự án triển lãm hình xăm vì trước đó anh ta đã bị một đại ca nổi hứng sáng tác xăm hình người yêu lên mông khi ở trong tù, Đoàn kịch Hà Nội rất thích nhưng vì lý do gì đó nên chưa dựng. Hay kịch bản "Lũ trẻ vàng", nói về chuyện của làng ăn mày, làng ăn cắp và làng gái goá do nghệ sĩ Phước Sang đặt...
.Vậy là anh thường viết kịch bản sân khấu theo đơn đặt hàng?
- Không hẳn thế. Chủ yếu là viết theo hứng, viết khi chợt nảy ra một cái tứ nào đó. Viết xong rồi mới đưa cả mớ cho nhà hát chọn. Tôi viết kịch bản sân khấu cũng như vẽ vậy, cứ có hứng là làm, chẳng quan tâm đến chuyện có bán được không.
.Anh làm hài luôn ăn khách, sao không viết những kịch bản kiểu trai bầu, trai giả gái để làm các phim nhựa ăn khách như hiện nay các hãng Thiên Ngân và Phước Sang... đang làm?
- Trai giả gái tôi đã làm hai lần rồi, một lần trong phim "Thằng Cuội" (năm 1989), chú Cuội mặc váy chít khăn mỏ quạ giả gái để trốn lính bị một lính nhà vua thò tay nặn... oản phát hiện ra ngực Cuội độn bằng vỏ bưởi, Cuội phải nhảy xuống sông chạy trốn; lần thứ hai trong phim "Công ty co dãn mênh mông" (1998) anh Vân vẩu ở quê ra phải giả gái đi làm Oshin.
Trai bầu thì năm 1994 tôi đã viết trong kịch bản "Chuyện ở làng đông con" để đưa Uỷ ban Kế hoạch hoá gia đình đầu tư làm phim nhựa, việc đã triển khai được bước đầu, nhưng sau đó bị trục trặc chưa làm được.
Tôi biết cái duyên thị trường của tôi luôn gắn với tiếng cười và tôi cũng có nhiều ý tưởng làm phim hài mới, nhưng hiện đang dồn thời gian và tâm trí cho những dự án lớn nên chưa viết được.