Sau một hai phim phát hành đầu năm 2019 thắng lớn về doanh thu, những phim Việt ra rạp thời gian qua hầu hết rơi vào tình trạng lỗ nặng. Kỳ nghỉ dài ngày dịp lễ 2-9 cũng không còn là "mùa vàng" cho phim Việt.
Phim hè ảm đạm
Những con số doanh thu hàng trăm tỉ đồng đưa ra từ nhà sản xuất, nhà phát hành của phim "Hai Phượng", "Cua lại vợ bầu", "Lật mặt 4: Nhà có khách", "Trạng Quỳnh" của những tháng đầu năm nay chưa phải là dấu hiệu tích cực. Dù doanh thu được công bố vượt trội nhưng những phim này vẫn chưa phải là tác phẩm xuất sắc. Một số phim đông khán giả nhờ yếu tố diễn viên, đạo diễn tên tuổi, nhà sản xuất uy tín, còn số khác nhờ may mắn, ra rạp đúng dịp Tết nguyên đán.
Suốt mùa hè qua và đến nay, phim Việt có 15 tác phẩm ra rạp nhưng phần lớn thua lỗ, chỉ có "Anh thầy ngôi sao" hòa vốn - theo công bố của nhà sản xuất. Nguyên nhân của sự thất bại này được nhiều người trong giới nhận định do kịch bản thiếu sáng tạo, tình tiết thiếu hợp lý, nhiều lỗ hổng trong đường dây; một số tác phẩm chất lượng tệ dẫn đến mất khán giả. Kịch bản vẫn là khâu mà điện ảnh Việt chưa thể cải thiện nên khi thiếu diễn viên tên tuổi, ra rạp không đúng thời điểm thuận lợi về khán giả là trở lại tình trạng doanh thu ảm đạm. Các phim độc lập như: "Tháng 5 để dành", "Thưa mẹ con đi", "Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi" thuộc đề tài kén khán giả nhưng thông tin quảng bá lại ít ỏi đến mức khán giả chỉ biết đến phim khi đạo diễn viết tâm thư cầu cứu trên mạng xã hội. Phim "Ước hẹn mùa thu", "Thật tuyệt vời khi ở bên em" là các tác phẩm ngôn tình không thành công do nhiều tình tiết vô lý, thiếu cao trào, nhiều tình huống gượng ép. Các phim: "Tìm chồng cho mẹ", "Cà chớn, anh đừng đi", "Cậu chủ ma cà rồng", "Người lạ ơi" chất lượng đều tệ.
Khán giả cần vị ngon, lạ
"Tôi xem những đoạn quảng cáo của các phim trên mạng mà thấy suốt mùa phim hè qua chẳng có tác phẩm nào tạo được hứng thú để ra rạp. Tôi muốn ủng hộ phim Việt nhưng các phim đều nhàn nhạt, nội dung nhàm chán, sáo mòn. Tôi thấy nhà làm phim chọn lựa sự an toàn trong kinh doanh, không dám thử thách; biên kịch cũng được đặt hàng như thế nên chẳng còn sự mới lạ để cạnh tranh với các phim ngoại cùng thời điểm" - biên kịch Thanh Hương nhận định.
Theo biên kịch Châu Thổ: "Khán giả Việt hiện nay rất tinh tế, phim phải chất lượng mới có sức lan tỏa. Những phim mang thông điệp nhân văn, câu chuyện sâu sắc, tạo cảm xúc chạm được trái tim khán giả mới mong được đón nhận nhiệt tình. Phim "Ký sinh trùng" (đạo diễn: Bong Joon-ho) tưởng kén người xem Việt Nam nhưng lại đầy ắp khán giả mỗi suất chiếu. Những phim chủ đề gia đình như "Điều cha mẹ không kể" (đạo diễn: Lee Chang-geun) cũng đầy khán giả lớn lẫn trẻ tuổi. Họ thưởng thức nghiêm túc và khóc cười cùng nhân vật". Biên kịch Châu Thổ tin rằng hầu hết khán giả Việt rất yêu điện ảnh nước nhà, vì họ ủng hộ nhiều đến mức bộ phim dù chưa phải là xuất sắc, chỉ cần có điểm nổi bật, cũng đã đủ để thắng doanh thu so với các phim ngoại chiếu cùng thời điểm. Khi có vị lạ, dù có điểm trừ thì phim Việt vẫn khiến khán giả thích thú như trường hợp phim "Hai Phượng", ghi điểm với các cảnh hành động chân thật, người làm có tâm và quảng bá tốt. Vì thế, phim Việt cần phải ngày càng nâng cao chất lượng, nhất là khâu kịch bản, mới có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả". Theo bà, dù khán giả có thích xem phim Việt đến mấy mà nhà làm phim cứ cho ra tác phẩm kém chất lượng thì tình cảm của họ dành cho phim Việt cũng sẽ mất dần. Có khi khán giả Việt chỉ cần một tác phẩm có câu chuyện thuyết phục với cách kể độc đáo, gần gũi; không cần phải đầy ắp kỹ xảo làm thỏa mãn trí tưởng tượng bay bổng với kinh phí làm phim hàng trăm triệu USD như "bom tấn" Hollywood. Phim "Ký sinh trùng" của Hàn Quốc là một ví dụ.