Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 19 (diễn ra đến ngày 5-12) đã khai mạc vào tối qua, 1-12, tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM. Đêm khai mạc đã quy tụ hàng trăm nghệ sĩ điện ảnh nhiều thế hệ trong Nam ngoài Bắc đến dự. Có thể nói, LHP lần thứ 19 thật sự đã thành ngày hội của những người làm điện ảnh. Với số lượng, chất lượng phim được đánh giá cao và nhiều hoạt động được công chúng ủng hộ, Ban Tổ chức (BTC) LHP Việt Nam lần thứ 19 tự tin: “Chúng tôi thấy được thành công của LHP lần này”.
Phim đoạt giải sẽ xứng đáng
Trong buổi họp báo tổ chức sáng 1-12 tại TP HCM, một lần nữa, sức nóng của LHP lại tăng lên khi nhiều vấn đề tiếp tục được báo giới đặt ra. Có 20 phim truyện nhựa, 6 phim truyện video, 6 phim tài liệu nhựa, 27 phim tài liệu video, 23 phim hoạt hình, 10 phim khoa học sẽ dự tranh các giải thưởng Bông sen vàng, Bông sen bạc và bằng khen ở các hạng mục. Tất nhiên, hạng mục “Phim truyện điện ảnh” bao giờ cũng được quan tâm nhiều nhất.
Đã qua rồi thời LHP “ăn đong” vì số lượng phim tham gia tranh giải quá ít. Năm nay, với số lượng đăng ký gần 40 phim, BTC phải thành lập hẳn một hội đồng tuyển chọn, sàng lọc. Vì vậy, năm nay không còn nhan nhản phim “thảm họa” như những kỳ liên hoan trước.
Theo đánh giá của bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, chất lượng 20 phim dự thi đã được nâng cao và tương đối đồng đều hơn. Loại bỏ “hài nhảm” sẽ khiến các thành viên ban giám khảo không phải mệt mỏi khi xem phim nhưng lại khá đau đầu trong việc cân nhắc, đánh giá giữa những tác phẩm có chất lượng gần như ngang nhau.
NSƯT - đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Ban Giám khảo phim truyện điện ảnh, cho biết chưa bao giờ ông cảm thấy thú vị và làm việc vất vả như năm nay, khi 20 phim rất phong phú, đa dạng về “mác” tư nhân, nhà nước; nội dung đề tài, cách thể hiện. “Với 50% phim nhà nước là một tín hiệu đáng mừng, tạo ra sự cạnh tranh ngang bằng với các phim tư nhân. Các phim đặt ra vấn đề nghiêm túc, giải quyết hấp dẫn, hạn chế lỗi phi logic thường thấy trong phim Việt” - đạo diễn Vũ Xuân Hưng nhận xét.
Đạo diễn Lê Cung Bắc, thành viên ban giám khảo, hào hứng: “Chúng tôi đã rất khó khăn trong quá trình chấm chọn vì rất nhiều phim chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của LHP năm nay”.
Theo những người trong giới, nếu rà soát kỹ lại thì chỉ khoảng 10 phim thật sự chất lượng, có khả năng cạnh tranh giải. Ở dòng phim nhà nước, “Những đứa con của làng”, “Cuộc đời của Yến”, “Người trở về”... được đánh giá cao. Ở dòng phim tư nhân, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (do 3 hãng phim tư nhân đầu tư sản xuất, nhà nước tài trợ 25% kinh phí), “Trúng số”, “Chàng trai năm ấy”, “Scandal - Hào quang trở lại”, “Hương Ga”, “Lạc giới”... có phần nổi bật hơn. Các phim còn lại (cả tư nhân lẫn nhà nước) như “Lật mặt”, “Bước khẽ tới hạnh phúc”, “Bộ ba rắc rối”, “Mỹ nhân”...khó có thể tạo bất ngờ vì chất lượng kém hơn và hiệu ứng khán giả cũng không cao.
Theo đạo diễn Vũ Xuân Hưng, kết quả sẽ có nhiều thay đổi, hứa hẹn sự bứt phá. Bởi lẽ, tiêu chí chấm giải năm nay mới hơn khi đặt yếu tố dân tộc lên hàng đầu (thay vì yếu tố nhân văn như mọi năm). “Kết quả có thể sẽ không làm hài lòng hết mọi người nhưng tôi tin rằng sẽ nhận được sự đồng thuận của đa số khán giả” - ông bày tỏ. Về ứng viên sáng giá nhất, đạo diễn Vũ Xuân Hưng cho rằng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đang nằm trong tầm ngắm của phim đoạt giải vì hội tụ đủ 4 yếu tố: dân tộc - nhân văn - sáng tạo - hội nhập.
Đổi mới để hội nhập
Với mục đích “điện ảnh hướng tới công chúng”, trong suốt quá trình diễn ra LHP sẽ có nhiều hoạt động bên lề. Hoạt động đầu tiên đã mang lại những kết quả ngoài sức mong đợi: Chương trình chiếu phim miễn phí tại các cụm rạp ở TP HCM thu hút được sự quan tâm của khán giả. Bà Ngô Phương Lan phấn khởi: “Đó là thành công bước đầu của LHP vì người xem là khán giả thực sự chứ không phải ảo”.
Quan sát tại các rạp chiếu trong ngày đầu tiên cho thấy đa phần khán giả đăng ký nhận vé đều đến rạp xem phim, các rạp luôn lấp đầy khán giả. Giải khán giả bình chọn cho phim dự thi và phim chiếu toàn cảnh cũng là một cách để khán giả góp tiếng nói của mình với điện ảnh nước nhà.
LHP còn có các hoạt động bên lề khác như: Hội thảo “Xây dựng thương hiệu, vị thế của phim Việt (ngày 2-12), “Chính sách hỗ trợ và biện pháp ưu đãi nhằm phát triển nền công nghiệp điện ảnh trong xu hướng toàn cầu hóa” (3-12) diễn ra tại khách sạn Rex; triển lãm “Điện ảnh Việt Nam đồng hành cùng đất nước” tại Nhà hát TP HCM (1-12). Bên cạnh đó là các buổi giao lưu: “Nghệ sĩ điện ảnh với học sinh, sinh viên” tại Nhà Văn hóa Thanh niên (ngày 2-12); “Nghệ sĩ điện ảnh với lực lượng vũ trang” tại Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 (Củ Chi, ngày 3-12); “Gặp gỡ nghệ sĩ tham gia trong các tác phẩm điện ảnh chủ đề giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” tại Nhà hát TP (4-12). Đặc biệt, trước các buổi chiếu phim tại rạp, các đoàn phim sẽ ra mắt, giao lưu với khán giả. Theo BTC, đây là lần đầu tiên LHP tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động xuyên suốt để khán giả có cơ hội tiếp cận, giao lưu với nghệ sĩ...
Những lo ngại về sự cũ kỹ, nhàm chán thường thấy trong lễ bế mạc và trao giải (diễn ra lúc 20 giờ ngày 5-12, truyền hình trực tiếp trên VTV6, HTV9) phần nào được xua tan khi bà Ngô Phương Lan cho biết các khâu được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Dù kinh phí ít ỏi nhưng BTC sẽ cố gắng thực hiện lễ khai mạc cũng như bế mạc hoành tráng, sang trọng, ý nghĩa. Về nhược điểm thường thấy trong lễ bế mạc của các LHP Việt Nam trước đây như: tiết mục văn nghệ kém hấp dẫn, MC tẻ nhạt, người trao giải phát biểu dông dài..., ban tổ chức cho biết sẽ cố gắng khắc phục để làm nên chương trình bế mạc và trao giải ấn tượng.
Bà Ngô Phương Lan kỳ vọng LHP quốc gia có bề dày lâu năm lần này sẽ là sự kiện văn hóa quy mô, có sức ảnh hưởng lớn, thắp lên tình yêu điện ảnh và mang lại niềm vui lớn cho nghệ sĩ, công chúng cả nước, đúng như ý nghĩa của từ “liên hoan”.