Đến hẹn lại lên, các sân chơi tìm kiếm tài năng ca nhạc, như Tiếng ca học đường, Sao Mai, Ngôi sao tiếng hát truyền hình hay Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc VN) rục rịch thông báo tuyển sinh. Cảnh tượng “sĩ tử” ca hát dập dìu, háo hức đến với các cuộc thi định kỳ này phần nào làm cho hoạt động ca nhạc bắt đầu nóng trở lại.
Ca sĩ Hải Yến, chiến thắng cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2007
Không có giọng ca bất ngờ
Năm nào cũng có ít nhất 4-5 cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc được tổ chức rầm rộ thông qua phương tiện truyền hình. Điều đáng nói là các cuộc tranh tài này ngày càng tỏ ra “đuối”, chất lượng thí sinh mỗi năm mỗi giảm, người thắng cuộc không đủ sức thuyết phục. Khán giả quan tâm ngán ngẩm.
Tất nhiên, khi đã trải qua các vòng tranh tài và được một hội đồng giám khảo chuyên môn kiểm định, thí sinh chiến thắng không đến nỗi quá “bèo” so với mặt bằng chung của showbiz Việt hiện tại. Thế nhưng, điều làm cho khán giả chán ngán là vì thực chất số lượng thí sinh tham gia các cuộc thi không có gì mới so với những năm trước, thậm chí giữa cuộc thi này với cuộc thi kia.
Việc thí sinh không chiến thắng ở Vietnam Idol tiếp tục thi ở Ngôi sao tiếng hát truyền hình không phải chuyện hiếm gặp. Có thí sinh còn tuyên bố “thi đến khi nào giành giải cao nhất mới dừng chân”. Và đó chính là lý do vì sao nhiều thí sinh vừa dứt cuộc thi này với thứ hạng không thỏa mãn lại tiếp tục đăng ký thi cho cuộc thi khác.
Hẳn nhiên, tham vọng khẳng định bản thân của các thí sinh ở nhiều cuộc thi khác nhau là điều bình thường. Nhưng việc một giọng ca chỉ ở tầm trung bình khá, thua ở cuộc thi này nhưng thắng ở cuộc thi khác đã phần nào khiến cho một cuộc thi mang thông điệp tìm kiếm tài năng ca hát giảm sức hút. Thực tế, điều này đang tồn tại ở showbiz Việt.
Nhận giải và...biến mất!
Các cuộc tìm kiếm giọng ca hay ở thế giới luôn bổ sung một giọng ca mới, trẻ cho showbiz. Minh chứng rõ nét cho điều này là Susan Boyle, bước ra từ cuộc thi Britain’s got talent 2009, cô tự tin khẳng định một chiến lược phát triển nghiệp hát của mình khi nắm giữ trong tay bản hợp đồng ghi âm với Sony Picture dù cô không phải là người đứng đầu cuộc thi .
Adam Lambert, bước ra từ cuộc thi American Idol 2009, đang nhận được những lời mời ngọt ngào từ các hãng thu âm nhờ phong cách rock cá tính của mình. Còn Kris Allen, thí sinh chiến thắng cuộc thi này, cũng đang ráo riết chuẩn bị cho chuyến lưu diễn của Disney’s Hollywood Studios.
Trong khi đó, các cuộc tìm kiếm giọng ca tài năng của VN hoàn toàn ngược lại. Cuộc thi được quảng bá rầm rộ trước và trong khoảng thời gian diễn ra nhưng ngay khi kết thúc cũng đồng nghĩa thí sinh của cuộc thi đánh dấu chấm hết.
Nổi bật và được đánh giá cao trong 2 mùa Vietnam Idol vừa qua nhưng dường như Phương Vy không có những bước tiến nổi bật từ khi cuộc thi kết thúc, dù cô nhận được sự hỗ trợ của một công ty chuyên nghiệp là Music Face. Tất nhiên, sự nỗ lực của cô trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Nhưng sự thật Phương Vy chưa đủ sức tạo bứt phá hay đủ lực thay thế các ca sĩ đàn chị. Vì vậy, sau bao cố gắng, Phương Vy vẫn vậy, không khác mấy trong kỳ vọng của người hâm mộ.
Người chiến thắng của Vietnam Idol mùa giải thứ 2, Quốc Thiên, gần như biến mất. Không chỉ vậy, những giọng ca chiến thắng của nhiều cuộc thi khác, như Hạ Trâm, Hải Yến, Đỗ Tùng Lâm, Nguyễn Tỳ Triệu Lộc, Trần Hoàng Nghiệp, Đinh Mạnh Ninh,... cũng gần như “mất dấu” ngay sau khi cuộc thi kết thúc.
Thực chất, với đòi hỏi ngày càng cao của khán giả yêu ca nhạc hiện nay, việc đầu tư vào một giọng ca không có những tố chất riêng hay nổi bật là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm - đó là nhận định của nhiều nhà đầu tư. Chính vì vậy, mỗi năm, showbiz Việt xuất hiện khá nhiều những giọng ca được sàng lọc từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc mang tầm quốc gia nhưng giọng ca có triển vọng thành “sao” lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Vì vậy dẫu có nhiều cuộc thi nhưng chung quy cũng chỉ có giá trị như một chương trình ca nhạc truyền hình nhằm phục vụ cho nhu cầu giải trí của khán giả xem đài.
Ca sĩ Phương Vy, chiến thắng tại Vietnam Idol 2007