Theo thống kê của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), vòng khai mạc V-League 2019 đã thu hút tới 67.000 khán giả đến 7 sân để theo dõi 14 đội bóng tranh tài, tương đương 9.571 người/trận. Con số này vượt thời điểm mở màn giải năm ngoái tới 7.000 người và càng bất ngờ hơn khi so sánh với Thai-League 2019, chỉ có 53.852 khán giả đến theo dõi 8 trận đấu khai mạc, trung bình 6.732 người/trận và chỉ bằng 2/3 V-League. Vậy tại sao lại lo lắng người Thái Lan đang "rút ruột" V-League?
Lấy "đặc sản" của các nước
Ngay sau khi AFF Cup 2018 kết thúc với chức vô địch thuộc về đội tuyển Việt Nam, tiền vệ Lương Xuân Trường và thủ môn Đặng Văn Lâm đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch đến từ Buriram United và Muangthong United, hai đội bóng xếp nhất nhì Thai-League mùa trước. Những cuộc đàm phán liên tục được thực hiện và áp lực về khoản tiền chuyển nhượng khổng lồ, cùng mức lương 10.000 USD/tháng đã làm xiêu lòng Văn Lâm, Xuân Trường cũng như đơn vị chủ quản. Trong bối cảnh tài chính khó khăn, việc tạo điều kiện cho 1-2 ngôi sao ra đi để có kinh phí trang trải cho đội bóng là điều khó từ chối với Hải Phòng hay đặc biệt là HAGL, đội sẽ chỉ cho mượn thay vì bán đứt Xuân Trường.
Ngay sau khi thông tin công bố, những từ khóa "Thai-League", "Buriram United" hay "Muangthong United" nhận được hàng chục triệu lượt tìm kiếm trên trang Google. Các diễn đàn bóng đá trên Facebook liên tục bình luận, cập nhật mọi diễn biến thời sự nhất xung quanh 2 bản hợp đồng bom tấn của những ngôi sao bóng đá Việt Nam vừa trải qua 1 năm thi đấu rất thành công.
Không những vậy, BTC Thai-League còn nhanh chóng thông báo với các LĐBĐ trong Đông Nam Á cho phép các phóng viên Việt Nam cũng như quốc tế được đăng ký thẻ tác nghiệp tại giải đấu để có thể đưa tin, ghi hình về những ngôi sao bóng đá như Xuân Trường, Văn Lâm.
Chỉ bằng vài nước cờ chính xác, giải đấu của người Thái lập tức thể hiện vị thế số 1 Đông Nam Á. Trước đó chưa lâu, nhiều người còn chế giễu khi cho rằng Thai-League nhắm vào thị trường Đông Nam Á qua việc cho phép các CLB được phép sử dụng 3 cầu thủ Đông Nam Á trong đội hình là điều không tưởng. Tuy nhiên, việc một loạt ngôi sao của Myanmar, Lào, Campuchia, Malaysia được chiêu mộ trước Xuân Trường và Văn Lâm, rõ ràng những nhà tổ chức Thái Lan đã thành công trong việc lấy chính "đặc sản" của đối thủ, trong đó có V-League, để quảng bá sâu rộng Thai-League ra cả Đông Nam Á, qua đó tiếp tục thuyết phục các nhà đầu tư chi hàng triệu USD cho giải đấu vốn theo đuổi mô hình Giải Ngoại hạng Anh.
V-League còn loay hoay
Một tuần sau vòng khai mạc V-League, số lượng khán giả đến sân đã nhanh chóng lao dốc khi từ 67.000 khán giả chỉ còn hơn 50.000 người/7 trận. Trong khi đó, thống kê riêng trận đấu giữa Nakhon Ratchasima gặp Singha Chiangrai United đã thu hút 17.215 khán giả, tức chiếm 1/3 lượng khán giả ở vòng 2 V-League 2019. Các phóng viên Việt Nam trực tiếp có mặt để tác nghiệp tại Thai-League đều thừa nhận cách làm bóng đá chuyên nghiệp của các CLB quá hay, khiến ngay từ những buổi tập, giao lưu đội bóng với khán giả, sinh hoạt ngoại khóa của CLB... đều được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và luôn thu hút hàng ngàn CĐV tham dự cũng như chia sẻ trên mạng xã hội.
Đổi lại, các CLB kiếm được nguồn thu khổng lồ từ việc bán trang phục, bán vé và tiền từ những nhà đầu tư "khủng". Buriram United thu hơn 560 tỉ đồng trong năm 2018, còn Muangthong United tuy chỉ về nhì Thai-League lại thu hơn 630 tỉ đồng.
Trong khi đó, V-League vẫn đang loay hoay với chất lượng sân bãi, giải đấu thiếu tính cạnh tranh, chất lượng trọng tài bị nghi ngờ, tình trạng tài chính sa sút... Tất cả đã khiến giải đấu trở nên một màu, thiếu sức sống khi nỗ lực xây dựng hình ảnh đội bóng ít được quan tâm và phát triển.