Đã một thời muối và người dân Long Điền, Bạc Liêu gắn bó với nhau như “máu với thịt”. Muối là cứu cánh ban đầu giúp họ sinh cơ lập nghiệp. Muối làm cho họ nên nhà nên cửa, ăn no mặc ấm. Muối đưa họ lên đến đỉnh giàu sang. Rồi cũng chính muối khiến cho nhiều người phải lao đao lận đận. Khi giá muối liên tục rơi rớt như vài năm trở lại đây, nhất là năm nay chỉ còn từ 3.500 đồng - 4.500 đồng/giạ muối đen và từ 6.000 đồng - 7.000 đồng/giạ muối trắng thì nhiều người tỏ ra nghi ngờ: Tình cảm keo sơn giữa người và muối liệu có bền chặt trước tác động nghiệt ngã của thị trường ?
Bán muối non.- Trước đây, khi muối ở thời kỳ hoàng kim, một số diện tích đất lâm nghiệp bị lấn thành đất diêm nghiệp. Nay, chuyện xưa lập lại nhưng vị trí có thay đổi. Đó là đất diêm nghiệp lại bị biến thành đất nuôi trồng thủy sản. Năm 2001, tỉnh Bạc Liêu có gần 3.200 ha đất sản xuất muối thì đến năm 2004, diện tích này chỉ còn hơn 1.700 ha. Riêng đối với Long Điền Tây thì vụ mùa năm nay, 150 ha đất diêm nghiệp “được” người dân chuyển sang nuôi tôm mặc dù tỉnh đã có quy hoạch vùng sản xuất muối bằng dự án “xây dựng mô hình kinh tế - xã hội nông thôn vùng muối Long Điền Tây”. Chị Trần Hồng Sương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Mặc dù xã đã cố gắng giải thích cho bà con hiểu là đất này trong vùng dự án (600 ha) nhưng vẫn không thể giữ lại được vì giá muối quá thấp, sản xuất không có lãi.
Gần 30 năm gắn bó với đồng muối Long Điền, năm nay chú Trần Phi Hùng phải ngậm ngùi chia tay với nghề truyền thống này. Những tu muối chứa hàng ngàn giạ vẫn nằm trên sân để... đợi giá. Dù biết rằng nuôi tôm lãi nhiều nhưng rủi ro cũng lớn nhưng chú vẫn quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng cho mô hình nuôi tôm công nghiệp, bởi theo chú: “Nuôi tôm có cơ may làm giàu hơn chứ giá muối kiểu này thì chịu chết!”.
Sẽ chẳng có gì đáng kêu ca nếu diêm dân nơi đây có điều kiện dự trữ muối chờ khi có giá, có vốn để tái sản xuất hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp và hiệu quả. Trong số gần 900 hộ làm muối ở Long Điền Tây thì vẫn còn rất nhiều hộ thiếu đất, thiếu vốn sản xuất. Thiếu đất thì họ vào tập đoàn để cùng nhau làm muối và chia theo sản phẩm, ngày công lao động. Vì hầu hết các tập đoàn này chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được ngân hàng đầu tư vốn. Thiếu vốn, diêm dân phải bán “muối non” để có tiền tái sản xuất và nuôi sống gia đình. Nghĩa là từ đầu vụ, họ phải hỏi tiền của chủ vựa trước và đồng ý bán muối với giá của chủ nợ này quy định khi thu hoạch (thường là thấp hơn so với giá thị trường). Đến cuối vụ, trừ nợ, trừ chi phí đầu tư, tiền thuê mướn nhân công, nhiều diêm dân gần như trắng tay. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Kiều Trang, xã viên của một tập đoàn ở ấp Doanh Điền, nói trong nước mắt: “Muối rớt giá hoài làm không đủ sống. Cuối mùa phải đi làm mướn. Con thì bữa học bữa nghỉ vì không có điều kiện đến lớp. Thiệt tình, tôi chưa biết tính làm sao...”. Sản xuất muối dẫn đến lỗ vốn, trắng tay. Muốn nuôi tôm thì lại không có vốn. Ở ấp này, trường hợp của chị Trang không phải là duy nhất.
Phận người, phận muối.- Ông Đặng Văn Ưu, năm nay 71 tuổi, làm muối đã 51 năm giờ đây cũng cảm thấy bùi ngùi khi nghĩ về phận người, phận muối. Dù không còn sức lao động nhưng ông vẫn thấy yêu da diết cái nghề này. Những hạt muối trắng lấp lánh như kim cương dưới ánh nắng mặt trời là thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người. Cũng như ông không thể thiếu nó suốt mấy chục năm qua để vợ chồng ông gắng sức nuôi con khôn lớn. Ông nhớ đến mùa nắng, không ngày nào ông vắng mặt ở ngoài đồng. Khi thì đào đất, làm sân. Lúc thì lấy nước, lóng trong, rồi truyền từ mẫu này sang mẫu nọ. Đến lúc nước mặn như thể không còn mặn hơn được nữa, ông thầm mong trời nắng thật to để nước biển mau kết tinh thành muối. Những ngày tháng lao động miệt mài, vất vả, đã làm nước da ông đen sạm. Đôi bàn tay, bàn chân hằn lên những đường gân guốc, chai sạn đi. Vậy mà ông thấy vui. Còn bây giờ, tuy nhàn rỗi hơn trước nhưng ông lại nghe buồn trong dạ: “Tôi thấy tiếc. Nếu cứ đà này, e rằng rồi đây không còn đất để làm muối”.
Trầm mình dưới cái nắng 36oC ở vùng ven biển này, trong tôi cứ len lỏi ý nghĩ: Phải chăng nghề làm muối là nghề của nắng? Trời nắng là diêm dân ra đồng. Lúc thu hoạch, khi đẩy, lúc cào, rồi khuân, vác. Những giọt mồ hôi pha lẫn nước biển mặn cứ thánh thót rơi trên ruộng muối. Thỉnh thoảng họ phải ngâm mình xuống dòng kinh hoặc xối nước ngọt lên người cho đỡ xót và rít. Và đâu chỉ có vậy. Đôi khi những hạt muối có sắc cạnh khiến cho đôi chân trần hay đôi vai gầy phải rướm máu. Một phụ nữ ở ấp Bình Điền bùi ngùi kể: “Trước đây phụ nữ cũng tham gia vác muối. Nhưng hai tháng trước tai nạn không ngờ đã xảy ra. Một chị trong khi vác mướn đã đột ngột ngã quỵ trên sân muối, “ra đi” không lời từ biệt. Bà con lối xóm quyên góp tiền để anh chồng đưa chị về quê. Thương lắm! Rồi từ đó nhiều chị em không dám liều mạng mình để vác muối nữa”. Tôi chợt nghe mắt mình cay cay. Muối không chỉ được đổi bằng sức lao động, bằng mồ hôi, nước mắt mà đôi khi còn có cả máu và sinh mạng con người !
Cũng như những nơi khác, mỗi vụ muối ở Long Điền Tây thường có sự tham gia khá đông của lực lượng những người chuyên làm thuê. Họ là người địa phương, cũng có khi từ nơi khác kéo về. Mấy năm trước, khi muối có giá, mức thuê nhân công cũng tạm gọi là “sống được” (từ 5 triệu - 6 triệu đồng/vụ).Vài năm nay muối rẻ như bèo kéo theo việc thuê người cũng rẻ hơn. Lau vội những giọt mồ hôi tuôn chảy nơi khóe mắt, anh Phạm Văn Quẩn, quê ở xã Long Điền Đông đi làm mướn đã 10 năm nay, mong mỏi: “Đi làm 2 năm nay không nuôi nổi gia đình. Ước gì giá muối nhỉnh lên chút đỉnh thì mình và diêm dân nơi đây đỡ khổ”.
Một bức tranh buồn.- Nắng chiều đã “quét” những vệt vàng trên đồng muối. Những diêm dân, những nhân công vẫn hối hả cào, vác muối lên sân. Và trong mắt tôi, bức tranh đồng muối ở Long Điền Tây dù đang chất chứa một yếu tố nghệ thuật (đối với những nhà nhiếp ảnh, quay phim) nhưng dường như nó vẫn thiếu đi sinh khí vui tươi, tiếng cười giòn giã của ngày mùa. Bức tranh ấy sẽ buồn biết nhường nào nếu như tôi không gặp được ông- một triệu phú thành công nhờ mô hình muối- tôm kết hợp. Ông tên là Trịnh Văn Thanh ở ấp Bình Điền. Ông có 4 ha đất. Nhờ chịu thương, chịu khó, cần cù lao động và biết tích lũy nên đồng vốn trong tay ông không ngừng tăng. Có vốn, nếu muối không có giá thì ông dự trữ lại chờ khi có giá mới bán ra. Sau vụ muối, ông cải tạo đất để nuôi tôm. Ba năm nay, trừ chi phí đầu tư, mô hình này mỗi năm cho ông lời từ 80 triệu đến 100 triệu đồng. Những căn nhà tường khang trang, đẹp mắt cứ thay phiên mọc bên ruộng muối. Nhưng trong ấp này, những người như ông Thanh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Góp phần vào sự thành công đó một phần do ông nhanh nhạy nắm bắt thị trường, phần do ông có vốn trong tay nên chủ động trong sản xuất. Cũng như những người dân nơi đây, ông mong muốn bằng cách nào đó Nhà nước giúp dân tìm đầu ra cho muối để bà con bớt phần chật vật.
Vẫn giậm chân tại chỗ.- Theo tính toán của ông Thanh, nếu muối lên được 9.000 - 10.000 đồng/giạ thì cũng cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Nhưng điều này dường như nằm ngoài tầm tay của xã và huyện vì chính quyền địa phương cũng đang trông chờ vào sự khả thi của dự án “xây dựng mô hình kinh tế - xã hội nông thôn vùng muối Long Điền Tây”. Đây là dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư có tổng kinh phí gần 25 tỉ đồng, trong đó vốn của Trung ương rót xuống là 14 tỉ đồng với thời gian thực hiện là 3 năm. Nếu các công trình hạng mục như thủy lợi, trạm bơm, cấp nước sạch phục vụ cho sản xuất muối, kho dự trữ muối và nhà máy chế biến với công suất 30 tấn/năm... được hoàn thành thì sẽ góp phần đắc lực trong việc giúp diêm dân xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định và phát triển vùng muối Long Điền Tây. Thế nhưng đã hơn 2 năm trôi qua mà đến nay, các công trình vẫn giậm chân tại chỗ. Lý do: Nguồn vốn Trung ương mới chỉ cấp 1,8 tỉ đồng, công trình thủy lợi đang thi công phải bỏ dở nửa chừng, mặc cho phù sa bồi đắp. Theo lời của Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển muối Bạc Liêu Trần Trung Hiếu thì hiện nay Tổng Công ty Muối VN đang có kế hoạch xây dựng đồng muối xuất khẩu có diện tích 400 ha trên khu vực đất thuộc dự án ở Long Điền Tây. Và Ban Quản lý dự án đã có tờ trình lên UBND tỉnh giao toàn bộ dự án muối cho Tổng Công ty Muối VN làm chủ đầu tư. Nếu được như vậy thì việc thực hiện dự án muối sẽ thuận lợi hơn.
Vụ mùa năm nay, sản lượng muối của Bạc Liêu ước đạt gần 100.000 tấn. Trong số này, muối ở Long Điền Tây chiếm khoảng 80%. Trong khi đó, Công ty Muối Bạc Liêu mới chỉ thu mua chưa tới 10.000 tấn muối trắng. Vẫn còn đó hàng trăm ngàn tấn muối tồn đọng trong dân. Trước tình trạng không mấy lạc quan này thì câu trả lời của Giám đốc Ban Quản lý dự án muối Bạc Liêu vẫn có thể thắp lên trong lòng diêm dân Long Điền Tây một tia hy vọng. Sản xuất muối chất lượng cao hay tìm hướng ra cho nghề muối Bạc Liêu vốn được xem là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Nhưng những diêm dân vẫn không ngừng trông đợi vào những giải pháp khả thi.
Tháng năm! Trong cái nắng như rực lửa kia thi thoảng đã xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa. Một vụ muối lại sắp kết thúc nhưng lại khởi đầu cho những mảnh đời diêm dân sống bấp bênh vì giá muối ! Một vụ muối sắp kết thúc, nghĩa là đồng muối khởi đầu một trận khủng hoảng thừa. Nhưng cớ sao con người vẫn cứ âm thầm làm ra hạt muối? Phải chăng cái vũ khúc ấy đã trở thành nghiệp chướng đeo mang !?
Bạc Liêu, tháng 5 năm 2004