Sau ngày thi ít hôm, chị Hai của cậu thí sinh Xoàn lại mượn chiếc xuồng chèo chở cậu ra Cà Mau xem kết quả. Hai chị em hồi hộp từng phút lắng nghe thầy giám thị đọc tên những người trúng tuyển. Khi nghe đến tên Phan Văn Xoàn, chị Hai mừng quá nhưng không biết làm gì, bèn dẫn em mình ra ngoài mua hai cái bánh bò để thưởng cho em. Có lẽ, hai cái bánh bò và hai củ khoai lang mà chị Hai đã mua cho bằng những đồng xu ứng trước tiền công ở đợ đã đi theo cậu bé suốt đời.
Cái bằng tiểu học chẳng làm được việc gì, chỉ đem về cất trong căn nhà đổ nát. Nhưng phải thừa nhận rằng, so với trình độ dân trí của một đất nước tối tăm trong những đêm dài nô lệ thì nó có giá trị lớn lao. Với tuổi mười ba, suốt ngày chỉ lặn hụp dưới đồng sâu bắt ốc, mò cua, câu cá, hái rau nuôi mẹ nhưng chữ nghĩa đã nung nấu trong ông Xoàn thuở đó một ước mơ lớn, rằng mình phải làm một cái gì đó để giúp mẹ hết nghèo hết khổ, các chị thôi ở đợ. Rồi thời gian trôi qua, có một mơ ước hình thành: Phan Văn Xoàn mơ trở thành kép hát, hát để được rày đây mai đó, để được đứng trên sân khấu trước sự ngưỡng mộ của mọi người, hát để có tiền nuôi mẹ và chuộc ba người chị ra khỏi kiếp tôi đòi. Nhiều đêm ông ngồi ngoài sân nhà ông hương quản Diệu để nghe lén những bài ca cổ phát ra từ máy đĩa mà thêu dệt ước mơ.
Cứ thế, ông vừa nghe lóm vừa lẩm bẩm ca theo cho đến thuộc lòng. Ông ca suốt ngày, ở đâu cũng ca, từ nấu cơm trong bếp đến câu cá ngoài đồng. Nhưng ca một mình hoài cũng chán, ông tìm đến những người biết đờn ca trong xã và các vùng lân cận để tập hợp thành một nhóm đờn ca tài tử. Tất cả gồm sáu người: Tư Ngự đờn cò, Năm Bính và Tám Rồ đờn kìm, Tư Sa và Út Quang đờn ghita. Ông Xoàn là giọng ca chính. Ban ngày họ lao vào cuộc mưu sinh trên đồng ruộng, ban đêm họp lại đờn ca. Những bài ca: Mỗi độ thu về, Văng vẳng tiếng chuông chùa, Dạ cổ hoài lang…. được nhóm phục vụ mỗi đêm. Tiếng lành đồn xa, dần dần nhóm của ông được các đám cưới trong vùng mời đến giúp vui. Chẳng bao lâu, giọng ca của ông nổi tiếng, làm rung động không biết bao nhiêu trái tim thiếu nữ trong làng. Nhưng chính điều đó lại càng làm cho chàng thanh niên Xoàn khổ tâm: Anh lẩn trốn tất cả các thiếu nữ chỉ vì mình không có bộ quần áo nào cho ra hồn để mặc ngoài manh khố dệt bằng bố tời.
Năm 1938, Mặt trận Bình dân công khai diễn thuyết ở Tân Hưng và nhiều vùng nông thôn khác ở Cà Mau, ông Xoàn cảm thấy đây chính là con đường đổi đời thực sự cho gia đình mình chứ không phải là ánh đèn sân khấu. Thế là, ông quên mất giấc mơ trở thành kép hát để gia nhập phong trào thanh niên phản đế. “Trong một đoạn hồi ký, ông viết: Năm 1940, tôi được giao nhiệm vụ cùng một số đồng chí khác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Tôi bỏ việc nhà và khẩn trương đi tập hợp quần chúng để chuẩn bị làm một cuộc bạo động ở xã, vạch kế hoạch bắt bọn hội tề và xáp chiến với lính khố xanh từ thị xã Cà Mau vào đàn áp. Không biết công việc có thành công hay không nhưng ai cũng nghĩ rằng mình làm việc này vì chân lý, là dũng cảm, là thay trời đổi đất, chấm dứt lầm than cơ cực cho người nghèo. Tất cả chúng tôi đều không có súng ống gì cả, chỉ bí mật rèn kiếm, dao găm và phi tiêu để tự vệ và chiến đấu.
Đêm ấy, trước khi lên đường, tôi bí mật lội sông và lẻn qua vườn chuối để vào nhà thăm mẹ vì tôi nghĩ rằng đây là cuộc chiến đấu một mất một còn, biết đâu mình không còn gặp mẹ.Vừa bước vào nhà, mẹ tôi đã ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Tôi chỉ kịp giải thích đôi điều rồi vội vã ra đi, mẹ vừa níu áo tôi vừa nói: “Mẹ không cho con đi đâu cả, bọn lính đang rình rập dữ lắm, nếu lỡ tụi nó bắt con thì mẹ biết làm sao?” Tôi biết tình thế này không thể khuyên can được nên giật mạnh vạt áo mà mẹ tôi đang nắm chặt rồi chạy thẳng ra vườn. Đi một đoạn, tôi dừng lại và núp bên bụi chuối nhìn vào nhà, mẹ tôi vừa khóc thút thít vừa thắp nhang lên bàn thờ ba tôi. Tôi kiên quyết ra đi mà ngậm ngùi rơi nước mắt”.
Tháng 6 năm 1940, cũng tại vườn chuối sau nhà ấy, trong một đêm tối trời, ông Phan Văn Xoàn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm ấy ông vừa tròn mười tám tuổi.
(Còn tiếp)
Võ Đắc Danh
Kỳ tới: Tình đầu