Người con gái đất võ Bình Định Trần Thị Lâm Yến ngày xưa ấy bây giờ tuổi cũng đã ngoài 80 nhưng vẫn sống khỏe mạnh. Chỉ có điều, 3 năm trở lại đây, căn bệnh thấp khớp khiến bà đi lại rất khó khăn.
Trong những ngày đau buồn, bà không thôi nghĩ về ông, nghĩ về những ngày xa xưa khi ông bà mới quen nhau.
Bà Trần Thị Lâm Yến, vợ nhà thơ Tế Hanh, vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của chồng
Người đàn bà thứ hai trong đời nhà thơ Tế Hanh
Hồi đó, kháng chiến chống Pháp đang diễn ra sôi nổi trên cả nước. Chàng thanh niên Trần Tế Hanh (tên thật của nhà thơ Tế Hanh) hồ hởi từ miền quê Quảng Ngãi lên đường làm công tác văn nghệ thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Liên khu V, lúc đó đang sơ tán tại Bình Định. Còn cô gái Trần Thị Lâm Yến đang làm công tác dân vận ở Hội phụ nữ tỉnh nhà. Sau những buổi giao lưu giữa các đoàn thể với nhau, qua lời giới thiệu của lãnh đạo khu ủy, hai người dần dần quen nhau.
Do tính chất công việc, hai người phải thường xuyên gặp nhau để trao đổi, bàn bạc. Gặp nhau nhiều nhưng phải gần 2 năm sau, vào năm 1953, hai người mới chính thức trở thành vợ chồng.
Thực ra, trước đó nhà thơ Tế Hanh đã có một đời vợ, vì một lý do nào đó, hai người đã không đi được với nhau trên một con đường. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, bà trở về vùng bị chiếm, mang theo giọt máu của ông, mà lúc đó ông cũng không hề hay biết. Sau đó, bà đi bước nữa; còn nhà thơ Tế Hanh cũng may mắn gặp được người con gái đất võ hiểu và thông cảm được cho mình, nên đã kết duyên cùng nhau. Vào thời gian đó, bà Lâm Yến cũng biết mình là người thứ hai trong cuộc đời ông nhưng bà không nặng về chuyện này. Có lẽ vì đây là duyên số.
Duyên số đã cho bà gặp ông và bà vui vẻ đón nhận cái duyên nợ trời cho ấy. Cặp vợ chồng Tế Hanh – Lâm Yến cũng giống như bao cặp vợ chồng trong thời chiến, công việc luôn luôn phải đặt lên trên hạnh phúc riêng tư. Cưới nhau chưa được một tuần – quãng thời gian quá ngắn ngủi để “bén hơi” nhau, hai người đành phải xa nhau mỗi người đi mỗi ngả theo công tác được giao.
Bây giờ, tính ra họ đã có gần 60 năm chung sống bên nhau. Quãng thời gian ấy đủ nhiều để họ được chia ngọt sẻ bùi với nhau. Những kỷ niệm, những yêu thương cũng dày lên. Hòa bình lập lại, nhà thơ Tế Hanh về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, còn bà Lâm Yến về công tác Hội phụ nữ Việt Nam, sau đó làm Giám đốc trường Cán bộ phụ nữ. Đến năm 1986, bà nghỉ hưu, toàn tâm toàn ý lo cho chồng cho con.
10 năm lặng lẽ bên chồng
Thời gian nhà thơ Tế Hanh đổ bệnh là vào tháng 5 năm 1999, lúc đó đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm đường Trường Sơn. Đêm đó, ông có xin đi dự nhưng bà không đồng ý vì lý do sức khỏe ông yếu, lại mắt kém; đi chỉ thêm khổ cho mình và cho anh em. Nhà thơ Tế Hanh bảo: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm về Trường Sơn, anh em cũng đi rất đông mà lẽ nào tôi lại không đi. Bà cho tôi đi nhé!”. Trước lời thuyết phục của ông, bà đành đồng ý. Đêm đó, ông bảo bà tìm trong xấp tài liệu một bài thơ hay nhất viết về Trường Sơn để ông mang đi đọc trong buổi lễ. Sau khi được vợ đọc lại, nhà thơ Tế Hanh cảm thấy bài thơ đó hơi dài nên quyết định chỉ lấy một đoạn thơ.
Tối đó, ông còn nằm trên phản nhẩm lại đoạn thơ đã chọn đến mức thuộc làu. Đến chiều ngày hôm sau, nhà thơ Phạm Tiến Duật đến nhà đón. Và đến tầm 9 giờ, lúc nhà thơ Phạm Tiến Duật đang đọc thơ thì dưới hàng ghế đầu tiên, nhà thơ Tế Hanh gục xuống, đầu nghẻo sang một bên. Kể đến đây, đôi mắt bà Lâm Yến dõi nhìn xa xăm chừng như cố giấu đi những giọt nước mắt.
Nhưng bà cũng cho rằng, đó là số trời, không ai có thể cưỡng lại được. Bà nhớ như in lúc vào bệnh viện với ông, lúc đó ông vẫn còn tỉnh, ông dặn: “Trong túi tôi còn trăm bạc, bà giữ lại để lấy tiền mua thuốc nhỏ mắt”. Ông là vậy, lúc nào cũng nghĩ đến vợ con. Tấm lòng của ông không bộc lộ ra, hoặc đôi khi thể hiện ở những điều rất nhỏ nhưng bà là người hiểu hơn ai hết.
4 năm đầu, nhà thơ Tế Hanh vẫn còn tỉnh táo, tuy không nói được nhưng vẫn nhận biết mọi chuyện xung quanh. Thời gian về sau thì ông phải nằm bất động hoàn toàn.
Có thể nói, thời gian nghỉ hưu cũng là thời gian bà trở thành người thư ký tận tụy của ông. Ngoài công việc chăm sóc ông, chăm sóc việc nhà, bà còn ngồi bên cạnh đọc sách và ghi chép cho ông.
Thực ra trong nhà cũng có người giúp việc nhưng bà muốn được tự mình chăm sóc cho ông theo đúng chế độ ăn uống, tập luyện sức khỏe của ông.
10 năm chăm sóc ông trên giường bệnh, bà chưa khi nào phàn nàn cũng như cảm thấy mệt mỏi. Bà hiểu rằng, trách nhiệm và bổn phận của một người vợ là phải như thế. Tình nghĩa ấy khó lòng mà đong đếm được.
Tình nghĩa ấy cũng chỉ đối đãi được bằng tình nghĩa mà thôi. Và nhà thơ Tế Hanh đã dùng những câu thơ để tặng người vợ hiền của mình: “Anh trong đau ốm gặp em/Em ơi! Đối xử dịu hiền với anh/Ngày mai bệnh khỏi. Trời xanh/Câu thơ đẹp nhất anh dành tặng em”. (Anh trong đau ốm gặp em).
Nhà thơ Tế Hanh
Yêu cái nết hiền lành của chồng
Con người Tế Hanh ngoài đời và con người trong thơ dường như không có khoảng cách. Bà Lâm Yến cho biết, trong gần 60 năm chung sống, nhà thơ Tế Hanh chưa bao giờ cáu gắt, tiếng nặng tiếng nhẹ với vợ con.
Lâu nay, người ta vẫn bảo cuộc sống vợ chồng không thể tránh những lúc “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” nhưng trong ngôi nhà tầng 2 đơn sơ ở khu tập thể trên đường Nguyễn Thượng Hiền, mấy chục năm qua, chưa bao giờ có tiếng cãi cọ, giận hờn.
Cũng có đôi lúc, đi làm về thấy nhà cửa bề bộn, bực mình bà chỉ nói một vài câu. Những lúc như vậy, ông luôn luôn “bỏ ngoài tai” bằng cách xách túi ra hồ đi dạo, hoặc đến nhà bạn. Một lúc sau mới trở về nhà. Có thể, đó cũng là một cách giữ lửa của nhà thơ Tế Hanh, cho ngôi nhà luôn luôn đầm ấm, yên vui.
Bà Lâm Yến tâm sự: “Ông nhà tôi hiền lành lắm, cuộc đời của ông đều dành cho vợ cho con. Dù đã từng đi công tác nhiều lần ở miền Nam, cũng hay đi ra đi vào Trường Sơn nhưng việc nhà thì ông nhà tôi vụng lắm! Hầu như không giúp được vợ con việc gì mà chỉ chăm lo đến việc học tập của con như đi họp phụ huynh, liên hệ nhà trường, thầy cô giáo…”
Cái sự vụng của ông thì nhiều vô kể, để mỗi lần nhắc lại bà cũng như các con đều cảm thấy thương ông nhiều hơn. Như lần bà đi sơ tán, hai cô con gái lớn đi học xa, chỉ còn nhà thơ Tế Hanh và cậu con trai út ở nhà. Đến giờ nấu cơm, ông phân công cậu con trai đi vo gạo còn mình thì nấu cơm. Nồi cơm đã có, hai bố con ông mang đống báo với giấy loại… ra đun. Hết đống giấy báo mà nồi cơm vẫn chưa sôi, ông đành tặc lưỡi nói với con: “Như thế này thì chết, không có cơm ăn rồi Việt ơi!”.
Lần khác, khi mọi người trong nhà đi vắng, ông ở nhà có nhiệm vụ hâm lại nồi thịt kho đã có sẵn. Đến khi nồi thịt hâm xong, ông không biết cách để tắt bếp, cũng không nghĩ ra là bắc nồi thịt xuống mà ra ngõ ngồi đợi con về. Khi mọi người trở về nhà thì nồi thịt đã cháy khét.
Lần khác nữa, ông được “giao nhiệm vụ” ở nhà ru cháu. Cháu nằm ngủ trên võng, ông chỉ ngồi đưa qua đưa lại. Lúc đó, có lẽ một tứ thơ bay qua, ông cứ ngồi đưa võng như vậy mà chẳng hề hay biết cháu đã rơi xuống từ lúc nào và đang nằm ngủ ngon lành dưới gầm giường. Đến khi sực tỉnh thì không thấy cháu đâu liền vội vàng gọi điện cho con gái về nhà. “Ông ấy là vậy đó”- Bà Yến nói trong hạnh phúc.
Ước vọng không thành
Trong tuyển tập thơ Tế Hanh được xuất bản mới đây, không thể không kể tới công lao của bà Lâm Yến, người đã tỉ mẩn giúp chồng cất giữ từng bài thơ, kể cả những bài được đánh máy cẩn thận hay viết tay đã phai màu mực.
Nhà thơ Tế Hanh có thói quen làm thơ ở tất cả mọi nơi, mọi lúc. Trong túi ông không khi nào thiếu được chiếc bút và tờ giấy. Tờ giấy ông dùng để sáng tác thơ cũng không giống với bất kỳ một nhà thơ nào khác, tiện cái gì ông đều lấy cái đó để viết vào. Có khi là tờ lịch, lúc là tờ giấy loại bé bằng bàn tay… Bà Lâm Yến đã cẩn thận cất giữ không sót một mảnh giấy. Ý thức này cũng xuất phát từ lòng thương yêu, tôn trọng chồng của bà.
Bà bảo: “Hồi ông Tế Hanh chưa ốm, ông có hai ước vọng mà chưa thực hiện được. Ông muốn khi 80 tuổi, sẽ tự mình làm một tuyển tập mà không phải nhờ đến ai. Nhưng ước vọng chưa thực hiện được thì ông đã bị bệnh trước một năm. Còn ước vọng thứ hai là được về quê chơi một chuyến cuối cùng. Trong Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng đã có lời mời và họ cũng rất mong nhưng rồi cũng không thể thực hiện được”.
Nói đến đây đôi mắt bà cay xè, mấy giọt nước mắt chậm rãi lăn trên má. Bà cũng cho hay, bà cảm thấy tiếc khi nhà thơ Tế Hanh ốm đột ngột, không dặn dò gì lại được nên bà cũng không biết được ước vọng cuối đời của ông, cũng không biết tài liệu của ông như thế nào. Mặc dù bà đã chuẩn bị để sau này thu xếp cho ông nhưng rồi đã không làm được.
Trong một lần, bà theo ông về thăm quê chồng, bà Lâm Yến ra giếng nước đầu làng gội đầu; hình ảnh ấy đã tạo cảm hứng để nhà thơ Tế Hanh sáng tác bài thơ “Vườn xưa” – bài thơ sau này được nhạc sĩ Thế Bảo phổ nhạc. Trong đó có một câu hỏi mà bây giờ bà không thể thực hiện được: Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?