Bộ Y tế cho biết theo báo cáo sơ bộ ở nhiều quốc gia, có khoảng 10% trong tổng số ca mắc Covid-19 là nhân viên y tế. Hiện nay, bệnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều biến chủng có khả năng lây nhiễm cao, số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 nhập viện ngày càng tăng khiến nhiều bệnh viện trở nên quá tải, nguy cơ nhân viên y tế phơi nhiễm với SARS-CoV-2 ngày càng cao.
Các thông tin và báo cáo khoa học mới nhất về Covid-19 cho thấy lây truyền SARS-CoV-2 giữa người với người xảy ra thường xuyên qua các hoạt động tiếp xúc gần với người đã mắc Covid-19.
Nhân viên y tế không chỉ là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao mà khi đã nhiễm bệnh, họ còn có thể là nguồn phát tán bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, duy trì nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch nói riêng và công tác khám chữa bệnh nói chung, mọi cơ sở khám, chữa bệnh cần xây dựng và triển khai các biện pháp phòng ngừa phù hợp với nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 theo từng khu vực, từng đối tượng nhân viên y tế; chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm để quản lý, cách ly kịp thời nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Để phòng ngừa lây nhiễm, nhân viên y tế phải thực hiện nghiêm quy định 5K trong cơ sở khám, chữa bệnh và ngoài cộng đồng, tuân thủ các quy định về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2. Tiêm phòng đầy đủ vắc-xin Covid-19 cho nhân viên y tế.
Bộ Y tế lưu ý, nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc và phục vụ người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải được đào tạo và thực hành thành thạo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Không bố trí nhân viên y tế mắc các bệnh lý nền, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nhân viên y tế chưa được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin Covid-19 vào làm nhiệm vụ này. Đánh giá nguy cơ lây nhiễm nhân viên y tế phải được thực hiện hằng ngày, sau các ca làm việc
Trên cơ sở đánh giá nguy cơ lây nhiễm đối với nhân viên y tế, Bộ Y tế phân loại thành 2 nhóm "nguy cơ lây nhiễm thấp" và "nguy cơ lây nhiễm cao".
Với nhóm "nguy cơ lây nhiễm thấp", nhân viên y tế vẫn tiếp tục làm việc và sinh hoạt bình thường, không phải cách ly hoặc làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 ; tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xét nghiệm sàng lọc định kỳ theo quy định của cơ sở khám, chữa bệnh.
Nhân viên y tế tự theo dõi y tế hàng ngày nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu chỉ điểm bệnh Covid-19. Nếu có triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng... cần tự cách ly và báo ngay cho người phụ trách đơn vị, tiểu ban chuyên môn để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp.
Khi ở ngoài cơ sở khám, chữa bệnh, nhân viên y tế cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng.
Với nhóm "nguy cơ lây nhiễm cao", nhân viên y tế ngừng làm việc, không tiếp xúc với người bệnh và nhân viên y tế khác; lấy mẫu bệnh phẩm hô hấp xét nghiệm xác định SARS-CoV-2; thực hiện cách ly y tế theo quy định.
Tuy nhiên, ưu tiên bố trí cách ly y tế tại nhà (nếu nhà ở của nhân viên y tế đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế) hoặc tại khu vực cách ly do cơ sở khám, chữa bệnh bố trí.
Trong thời gian cách ly, nhân viên y tế được tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định đối với người cách ly Covid-19; được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý và được hưởng nguyên lương cũng như các chế độ phòng chống dịch khác theo quy định.
Việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm nhân viên y tế phải được thực hiện hằng ngày, sau các ca làm việc bằng phiếu đánh giá. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao, nhân viên y tế cần ngừng làm việc, không tiếp xúc với người bệnh và nhân viên y tế khác; xét nghiệm sàng lọc Covid-19 và thực hiện cách ly theo quy định chung.