Thế nhưng cho đến nay, ngoài sân khấu múa rối nước Rồng Vàng (thuộc Công ty TNHH Giải trí Thái Dương – phối hợp với Cung Văn hóa Lao động TPHCM tổ chức), còn lại các dự án của sân khấu du lịch vẫn nằm trên giấy.
Thử nghiệm một suất... rồi “cất kho”
Chương trình Sân khấu Du lịch do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM tổ chức đã chính thức ra mắt du khách tại rạp Hưng Đạo cách đây 2 năm. Chương trình đã phục vụ hơn 500 du khách nước ngoài và các chuyên viên thuộc 70 công ty du lịch lữ hành trong và ngoài TPHCM. Qua đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã thực hiện buổi biểu diễn đầu tiên.
Tuy nhiên, chỉ sau suất diễn thử nghiệm đó, đến nay chương trình này vẫn chưa được diễn lại, vì không tìm được đối tác để ký kết hợp đồng biểu diễn. Bên cạnh đó, rạp Hưng Đạo đã xuống cấp trầm trọng (hệ thống máy lạnh hư, chuột chạy ngời ngời dưới chân khán giả, muỗi kêu vo vo bên tai).
Điều đáng nói hơn, bố cục của chương trình không ấn tượng. Chị Kim Lan (Giám đốc cơ sở lữ hành Dạ Lan – Gia Lai) nhận xét: “Các trích đoạn cải lương nổi tiếng như: Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, Thiếu phụ Nam Xương, Dạ cổ hoài lang... với sự tham gia của các diễn viên có khả năng ca diễn rất hay, nhưng tiết mục nào cũng buồn, than khóc và tiếng nhạc quá lớn, át cả tiếng ca của nghệ sĩ. Chưa kể việc nghệ sĩ hát nhép gây phản cảm với du khách”.
Trong chương trình này, phần giới thiệu những nét độc đáo của nhạc cụ dân tộc VN như: tranh, sáo, bầu, kìm, guitare phím lõm... là được nhất. Vì du khách nước ngoài được lên sân khấu cùng đàn với dàn nhạc trong không khí giao lưu văn hóa rất thú vị, nhưng theo nhận xét của anh Lương Minh Tú (Giám đốc Công ty Lữ hành Tây Nguyên): “Du khách thích, nhưng sao lại để tiết mục này vào lúc kết thúc. Phần giao lưu với du khách trong các show diễn nghệ thuật rất quan trọng. Tôi nghĩ đây là yếu tố lôi kéo khán giả đến với sân khấu truyền thống của chúng ta.
Ở Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan..., ngành du lịch của họ đã gắn rất chặt với sân khấu dân tộc như một ngành công nghệ khép kín. Người ta dàn dựng múa với ngôn ngữ hình thể nhiều hơn hát. Các tiết mục biểu diễn rất tươi tắn, gây hưng phấn, chứ không bi lụy, mệt mỏi như chúng ta đã làm. Chúng tôi đã nhiều lần góp ý nên có sự phối hợp kỹ hơn để có được nhiều sân khấu du lịch, nhưng rồi đề án đó vẫn nằm trên giấy cho đến hôm nay”.
Cần được Nhà nước hỗ trợ
Không thể chờ đợi việc sẽ bố trí một điểm diễn chuyên phục vụ du khách, một số đơn vị tư nhân đã tự thân vận động, tổ chức các chương trình hướng đến du khách nước ngoài. Sau chương trình nghệ thuật dân tộc cổ truyền của họa sĩ Sĩ Hoàng, ca diễn cải lương kết hợp với biểu diễn thời trang áo dài (hiện đang xây dựng một nhà hát mini trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất), một dự án mới vừa được Kịch Phú Nhuận triển khai, nhằm tạo tiền đề cho việc đưa kịch tiếng Anh vào phục vụ du khách.
NSƯT Hồng Vân cho biết đó là hai vở kịch dân gian Chuyện cái bồ và Người ngựa – ngựa người đã đưa lên sàn tập. Thế nhưng vở diễn này đã bị ách lại, vì khâu dàn dựng chưa bảo đảm tiến độ. Hai kịch bản này đã được dịch giả Nguyễn Bá Trung dịch sang tiếng Anh, đạo diễn Đức Thịnh sẽ dàn dựng để đưa vào biểu diễn. Tuy nhiên, NSƯT Hồng Vân cho biết vốn đầu tư quá lớn, để diễn kịch nước ngoài cần có những trang thiết bị chuyên dụng như máy phóng màn ảnh, máy phone đeo tai để có thể phiên dịch theo kiểu điện đàm phục vụ cho du khách quốc tế.
Trên sàn diễn, diễn viên thoại tiếng Anh, nhưng phải có bản dịch Nhật, Đức, Pháp... để bộ phận thông dịch thuyết minh ngay thông qua máy điện đàm đeo tai. NSƯT Hồng Vân kiến nghị: “Để làm được sân khấu du lịch, các đơn vị xã hội hóa của chúng tôi rất cần được Nhà nước hỗ trợ vốn. Vì nếu không đầu tư đúng mức, du khách xem xong một lần rồi sẽ không quay lại và cũng không hứng thú để giới thiệu cho người khác”.