Với họ, không gian yên ắng của khu nhà tập thể, dẫu có bị ông phá vỡ bởi những lời thơ da diết của Nguyễn Trãi từ biệt cha ở Đông Quan, hoặc những câu hát của gã Phaunhin than thân trách phận trong vở Xâm lược vẫn còn đỡ buồn hơn. Ông vui mừng đón chúng tôi, những người khách miền Nam ra thăm, mang tặng ông vài chiếc đĩa cải lương với giọng ca ông mê đắm: Sầu nữ Út Bạch Lan. Ông hỏi: “Này, sao biết tôi mê giọng ca cô ấy mà mang ra hả?”.
. Phóng viên: Trong một bài báo do soạn giả Năm Châu viết về ông, chẳng phải ông đã từng mơ được song diễn với “sầu nữ”?
- NSND Đào Mộng Long: Vậy mới sướng! Gã Năm Châu trong ấy hồi còn sống và tôi vẫn thường viết thư thăm hỏi nhau. Gã bảo miền Nam sinh Năm Châu sao còn sinh Đào Mộng Long ở đất Bắc. Sao không sinh chúng tôi một nơi để có dịp hát ca, sum vầy. Cải lương Bắc có cái hay nhưng cái nhược cũng nhiều. Hát Nam Ai, Nam Xuân đố sao bằng dân cải lương Nam kỳ. Học trò của Năm Châu, Phùng Há có nhiều người là danh ca. Họ đi lên từ đời gạo chợ nước sông, nay hát cho vua xem, mai lại xắn quần hát cho bà con nông dân vừa rời đồng áng. Làn hơi cứ thế căng đầy nhựa sống của một đời nông dân lam lũ nhưng chất phác. Ấy vậy mới có được một thế hệ vàng như: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Thanh Tòng, Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu... Tôi yêu tất những giọng ca ấy.
. Nhưng theo ông, vì sao cải lương ngày nay không theo kịp thời đại, phải chăng khán giả trẻ chẳng tìm được gì thích thú ở cải lương nên không thèm tới rạp?
- Trong Nam, ngoài Bắc đều có chung một nguyên tắc. Trào lưu nào cũng có một thời. Nhạc trẻ đang lên ngôi rồi cũng sẽ bão hòa, nhường lối cho một bộ môn khác. Cải lương cũng thế, chẳng trách khán giả trẻ không nhìn thấy họ trong các vở cải lương, bởi một số vở cứ rề rà, đi theo mô típ cũ. Lại hỏng ở chỗ chở quá nặng tính tư tưởng. Nào là chỉ thị, chủ trương, nào là vấn đề xã hội. Cải lương xưa ăn khách bởi cứ một đường mà đi: tôn vinh trung, hiếu, tiết, nghĩa. Thế là đủ... Người xem hiểu được những điều cải lương nói ắt sẽ điều chỉnh để sống đẹp. Chở nặng nhiều thứ quá, “thuyền cải lương” khẳm là tất yếu. Xem một số vở cải lương hay xưa trong Nam được VTV 1 tái dựng, lại càng tức khi thấy đạo diễn quá tùy tiện phân vai. Ê-kíp, bè phái nên 6 bỏ làm 10, nên một số vai bị gãy... Khán giả cả nước nhìn vào thấy cải lương miền Nam – nơi được xem là đại bản doanh của sân khấu cải lương dân tộc, cảm thấy buồn...
. Ông nổi danh với nhiều vai diễn phụ. Người xem kịch và cải lương vẫn không quên những số phận ngắn ngủi nhưng cực kỳ nổi tiếng của ông như: Phaunhin (Xâm lược), ông Thiện (Lửa hậu cung), Gơ-ô-a-đi-linh (Khúc thứ ba bi tráng), cụ Ba Bơ (Bão biển), ông Xẳm (Âm mưu và hậu quả)... Ông có cho rằng diễn vai phụ khó hơn vai chính?
- Với tôi diễn vai phụ cực kỳ khó. Vì số phận vai phụ mong manh, ngắn ngủi, nên diễn viên phải tự chọn cho mình chỗ đứng phù hợp, nếu chông chênh sẽ ngã ngay như đi trên dây xiếc. Diễn vai phụ, tôi nghĩ mình đánh đu với sự sống còn của nhân vật. Vì người diễn vai phụ chỉ được phép bùng nổ sáng tạo trong một khoảng không gian rất hẹp, nếu làm lạc đề, không phục vụ cho tư tưởng vở thì coi như vứt bỏ. Người tôi thấp bé, có diễn vai chính cũng chẳng xuất sắc, chi bằng cứ diễn vai phụ. Tôi là giọt màu điểm xuyến cho bức tranh hoàn thiện của vở diễn. Cái khó là hiểu được mình là giọt màu trong cái mênh mông của bức tranh lập thể... Tôi phục Ngọc Giàu khi xem cô ấy diễn vai Bảy Cán Vá (Đời cô Lựu), tôi phục Thanh Tòng khi anh diễn vai Nguyễn Địa Lô (Bức ngôn đồ Đại Việt), lại còn sầu nữ Út Bạch Lan sao lại giàu nghị lực khi đời thường đầy nước mắt hơn cả số phận cô Hằng (Con gái chị Hằng)...
. Ông nhận xét thế nào về đời sống sân khấu thời “xã hội hóa”?
- Xem sàn diễn là hàng hóa thì cũng tốt. Người xem bỏ tiền mua sản phẩm họ phải được chọn lựa. Thế nhưng hàng quốc doanh đại diện cho Nhà nước, cho quốc gia cần phải được trang bị và trợ giá để có tác phẩm đỉnh cao. Lần đó, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM ra Bắc diễn vở Dạ cổ hoài lang, tôi đi xem mê mẩn đến vãn hát về lạc đường... “Xã hội hóa” khoác lên mình sân khấu Việt nhiều màu sắc, nhưng hãy cảnh giác sự “tham sân si” trong con người diễn viên, đạo diễn, tác giả. Họ chạy theo tiền ắt sẽ có khả năng làm ẩu...
. Ở tuổi 93, ông có là người luôn sống trong hoài niệm?
- Chị Bảy Phùng Há trong Nam qua báo đài vẫn hay thường xuyên đi làm từ thiện cứu trợ đồng bào nghèo. Gớm, 96 tuổi, hơn tôi đến 3 mùa xuân mà vẫn còn sức. Già này thì yếu lắm rồi, chỉ độc thoại và sáng tác kịch bản. Mà chỉnh sửa thì nhiều hơn vì công việc đó không mất nhiều sức khỏe. Tuần qua, tôi vừa gửi vào Nam cho Thanh Tòng 2 kịch bản: Nghĩa và tình, Tiếng kêu. Nghe đâu Tòng sẽ dựng cho HTV và Đài Phát thanh Truyền hình Cần Thơ. Nghe tin đã thấy sướng, tuồng của tôi sẽ được các danh ca miền Nam hát. Tôi không thích hoài niệm, vì thế mà cứ chỉnh sửa mãi những bản thảo để kịch bản mình viết thích hợp với đời sống hôm nay.
. Nếu có một lời nhắn nhủ dành cho lớp diễn viên trẻ của sân khấu hôm nay, ông sẽ nói gì?
- Hãy yêu thương sàn diễn như yêu thương ngôi nhà của mình. Ngày nào vẫn còn ai đó xem cái tôi của mình lớn hơn vận mệnh chung của sân khấu Việt, thì ngày đó sàn diễn vẫn còn tối đen như trời chẳng có sao. Thời nay “sao” tự mọc nhiều lắm, nó kéo một vệt từ sàn diễn đến màn ảnh, song lại mất hút ánh hào quang vì nó “tự sinh, tự hủy”. Tôi khuyên các diễn viên hãy lo trui rèn nghề nghiệp, đến khi xu hướng chuộng sân khấu quay lại thì sân khấu sẽ có những tài năng đích thực. Hãy tin tôi...