Vào thế kỷ thứ XIV, ở hai châu lục Á - Âu xảy ra một trận đại dịch mà theo ước tính đã giết đến 60% dân số châu Âu (tương đương 50 triệu người vào thời điểm đó). Trận đại dịch này được cho là bắt nguồn từ sự bùng phát của bệnh dịch hạch. Hơn 600 năm sau, nhà văn Anbe Camuy (Albert Camus) đã “mang” trận đại dịch này về thế kỷ XX trong cuốn tiểu thuyết “Dịch hạch” (tên gốc: “La peste”; NXB Văn học).
Thảm họa nhân loại
Cuốn tiểu thuyết được trình bày như một thiên ký sự ghi lại những thời khắc lịch sử khi thành phố Oran bên bờ biển gánh chịu nạn dịch hạch. Để từ đó hiển lộ ra tất cả những phi lý của cuộc đời, sự xa lạ của tha nhân và sự dũng cảm của con người dấn thân đối diện với cái phi lý.
Không phi lý sao được, khi một ngày không xác định của một năm thuộc thập niên 1940, một thành phố của Algérie bùng phát dịch hạch. Đầu tiên là những con chuột chết, sự biến mất của mèo, cuối cùng là những con người hoang mang tìm lối thoát khỏi đại dịch. Albert Camsus trình bày kịch bản hoàn thiện về thảm họa sinh học. Đầu tiên là những dấu hiệu, những dự cảm mơ hồ, dần trở thành xác tín. Các cư dân của Oran lúng túng trong việc ứng phó để rồi đi đến quyết định đóng cửa cái thành phố bên bờ Địa Trung Hải này nhằm ngăn chặn nạn dịch lây lan.
Ở thành phố Oran trong cơn đại dịch, lần lượt những khuôn mặt người xuất hiện: nhà báo Raymond Rambert đến từ Paris; Jean Tarrou một "chiến sĩ" xuất hiện bí ẩn ở Oran; cha xứ Paneloux; kẻ cơ hội Cottard. Nhưng nổi bật lên trên nhân quần đó là bác sĩ Bernard Rieux, trung tâm của cuộc chiến chống lại bệnh dịch hạch.
Rieux là người đầu tiên tiếp nhận những dấu hiệu của nạn dịch. Ông cũng là người thuyết phục nhà chức trách có biện pháp cần thiết để ngăn chặn lây lan. Thoạt tiên, tiếng nói lẻ loi của ông chìm khuất trong nỗi hoài nghi, trước sự thờ ơ, vô cạn, trước sự lãng tránh không chịu nhìn nhận vấn đề. Một mình ông phải chống chọi với dịch bệnh vì ông không cho mình cái quyền chạy trốn. Tuy vậy, Camus khước từ khắc họa Rieux như một anh hùng lãng mạn, ông chỉ là con người bình thường bị đẩy vào một trạng huống dị thường.
Cho đến cuối, tác giả vẫn không cho biết nguyên nhân trận dịch lại xảy ra ở Oran chứ không phải một thành phố nào khác. Khi sự việc xảy ra, cư dân của thành phố bắt đầu nảy ra câu hỏi với hư vô: tại sao lại là họ. Cái chết diễn ra, thành phố cô lập, tại sao không phải ai khác, mà là họ rơi vào trạng huống phi lý này.
Cha xứ Paneloux trả lời câu hỏi đó bằng thuyết định mệnh. Trong Kinh Thánh, 2 thành phố Sodom và Gomorrah phải bị hủy diệt vì sự bại hoại của mình. Oran cũng sẽ bị hủy diệt vì tội lỗi của nó, một tội lỗi mà Cha xứ không nói rõ là tội gì. Lối giải thích của Cha Paneloux đưa vấn đề quay về "Huyền thoại Sisyphe", đời sống phi lý của Sisyphe là sự trừng phạt của thần linh, là định mệnh, tất yếu và không cần kiến giải. Chỉ cần hứng chịu và đừng mong vượt thoát.
Mang tính tiên tri
"Dịch hạch" thường được phân tích như là ngụ ngôn ám chỉ "bệnh dịch" của Chủ nghĩa phát-xít. Chính Hitler trong Thế chiến thứ hai đã chọn "thiên mệnh" để lý giải hành động tàn ác của mình và xem đó là sứ mạng được thánh thần giao phó để sắp xếp lại trật tự thế giới. Camus thông qua nhân vật Rieux đã chống lại điều này. Chính sự bàng quan, đứng ngoài cuộc của nhiều nước lớn (giống như nhân vật phóng viên Rambert lúc trước) đầu thế chiến đã làm cho Chủ nghĩa phát-xít bùng phát trên toàn thế giới.
Trong "Dịch hạch" bằng hành động trực tiếp, Rieux đã lay chuyển được những người như Rambert hay Cha Paneloux tham gia cuộc chiến chống lại đại dịch với mình. Cuối cùng, sự kiên trì của con người được đền đáp, thành Oran trở lại cuộc sống như trước.
Albert Camus qua đời năm 1960. Sáu mươi năm sau, những lời cảnh báo của ông vẫn còn nguyên giá trị, cái nhìn tiên tri của ông vào thế giới phi lý của con người đã ứng nghiệm khi chúng ta ngày hôm nay cũng đang đương đầu với một đại dịch toàn cầu. Cũng có sự xuất hiện những kẻ cơ hội Cottard vui sướng trước đau khổ của đồng loại và hưởng lợi từ nạn dịch. Nhưng còn có những người như bác sĩ Rieux kiên quyết không từ bỏ, dẫu khi dịch bệnh kết thúc, ông nhận tin vợ mình vừa qua đời. Bằng lương tri của mình, ông thức tỉnh nhân loại đang u mê trong vòng xoáy của danh lợi, buông xuôi, tuân theo định mệnh và từ chối chiến đấu với cái xấu, cái ác khi bản thân có khả năng.