Không trông chờ vào tài trợ của nhà nước, nhiều cá nhân đã đầu tư nhân lực, tài lực tạo ra những dự án nghệ thuật mới, lạ, khẳng định được tâm và tầm, đưa đến cho công chúng những “món ăn” tinh thần đẳng cấp quốc tế.
Những dấu ấn nghệ thuật
Là một trong hai chương trình biểu diễn mở đầu Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 3 đang diễn ra tại Hà Nội, “Ionah show” đã để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ với khán giả trong nước mà còn với nghệ sĩ quốc tế đến tham dự liên hoan.
“Ionah show” nổi bật trong số các chương trình nghệ thuật đa phương tiện (bao gồm múa, xiếc, nhạc, kịch, nghệ thuật thị giác) được trình diễn thường xuyên mỗi tuần 3 tối tại Hà Nội, vừa có tính giải trí mạnh mẽ vừa đạt đẳng cấp quốc tế. Khách mua vé đến xem “Ionah show” thường là người nước ngoài, một phần do giá vé hơi cao so với người Việt, phần nữa là vì sau khi hoạt động liên tục hơn một năm nay, “Ionah show” bắt đầu được các trang web hướng dẫn du lịch quốc tế xem như một điểm đến thú vị.
Chương trình là những màn biểu diễn đặc sắc, mới lạ, song hành cùng cuộc chơi đẳng cấp của âm thanh và ánh sáng, được coi là bữa tiệc nghệ thuật đương đại. “Ionah show” hội tụ ê-kíp sáng tạo bao gồm những gương mặt gạo cội hàng đầu của làng giải trí Việt như đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Quốc Trung, biên đạo - NSƯT Trần Ly Ly, nhà thiết kế thời trang Công Trí... Ngoài ra, còn có sự tham gia của chuyên gia kỹ xảo phim 3D đến từ Ý, đạo diễn Fernando Toma. “Khán giả rất thích thú với tính giải trí của sô diễn, trẻ em thích đã đành mà bố mẹ cũng xem được, khán giả cao tuổi càng say mê hơn vì đối tượng này có rất ít món ăn tinh thần phù hợp” - biên đạo múa, NSƯT Trần Ly Ly cho biết.
Nhà hát TP HCM mấy năm nay cũng thường xuyên sáng đèn với “À ố show” có lịch diễn dài hạn cả năm liền. Vở xiếc tre “À ố” là một bản hòa âm điền dã của đồng quê Việt pha trộn cùng hợp âm nhộn nhạo trẻ trung rất đời của Việt Nam đô thị hóa. Chương trình sử dụng nhiều loại hình như nghệ thuật xiếc tre, nhào lộn, nhảy đương đại cùng hòa quyện vào nhau, vẽ lại sống động những câu chuyện và mảng màu mà ta bắt gặp đâu đó trong cuộc sống, từ thành thị đến thôn quê. Âm thanh trong vở diễn được sáng tác riêng và diễn tấu sống từ hơn 17 loại nhạc cụ dân tộc và hiện đại. Chỉ đạo âm thanh bởi nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý, biên đạo Tấn Lộc, đều là những nghệ sĩ dày dạn trong nghề.
“À ố show” thu hút chính bởi cách kể câu chuyện hấp dẫn, thú vị, bay bổng nhẹ nhàng nhưng không kém phần bí ẩn, là món ăn nghệ thuật xứng tầm đẳng cấp thế giới, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa của cả khách du lịch tới Việt Nam lẫn người Việt Nam từ các nơi khác đến thăm TP HCM.
Cách đây hơn 10 năm, lần đầu tiên khán giả ấn tượng mạnh về một sô nghệ thuật đương đại gây bất ngờ, khiến người xem sững sờ và dù khen hay chê nhưng chắc chắn nhận ra ngay chân dung Việt Nam - đó là vở múa đương đại “Hạn hán và cơn mưa”. Ở thời điểm đó, việc biên đạo Ea Sola đã không mời các diễn viên chuyên nghiệp mà đưa lên sân khấu những diễn viên vô danh, những phụ nữ cao tuổi tới từ nông thôn, đã gây nhiều tranh luận. Chỉ mãi đến sau này, khán giả mới hiểu được những tìm tòi nghệ thuật khi điệu múa “kỳ lạ” được đi lưu diễn vòng quanh thế giới suốt cả chục năm liền.
Gian nan và chịu lỗ
Hồi thực hiện phần 1 của “Hạn hán và cơn mưa”, Ea Sola đã mất 4 năm lặn lội về quê lúa Thái Bình chung sống và tìm hiểu về những gì mà người dân nông thôn phải trải qua trong 2 cuộc chiến tranh, ghi nhận những giá trị văn hóa sáng lên giữa bộn bề hồi ức lịch sử và tìm hiểu những di sản hành vi của nền văn hóa nông thôn Việt Nam - đó là những điệu múa mà các cụ bà Thái Bình múa suốt từ thời con gái.
Còn biên đạo khó tính, NSƯT Trần Ly Ly kể về cách dẫn dắt kỹ thuật để “Ionah show” có thể làm thay đổi bộ mặt giải trí ở thủ đô: “Vở diễn có sự tham gia của nhiều diễn viên xiếc. Để các diễn viên xiếc biết diễn xuất, biết trình diễn đúng nhạc… đã là cả một sự vất vả lớn. Chúng tôi đã tập luyện ròng rã suốt 4 tháng rất khổ cực nhưng không ai bỏ cuộc. Dàn dựng một vở diễn tổng hợp khó hơn nhiều lần dàn dựng một vở múa. Chúng tôi phải quyết định bao nhiêu phần trăm là xiếc, bao nhiêu phần trăm múa. Cuối cùng, diễn viên múa phải thực hiện được rất nhiều kỹ năng biểu diễn xiếc, ngược lại, diễn viên xiếc phải biết múa”.
Đưa được những sô diễn đạt tầm quốc tế ra sân khấu nhưng cân đối giữa mức độ đầu tư và giá vé luôn là bài toán nhức đầu. Ba mức vé được nhà sản xuất “Ionah show” đưa ra là 800.000 đồng, 600.000 đồng và 500.000 đồng là một thách thức lớn cho ê-kíp sản xuất để thu hồi vốn. Giá vé từ 600.000 đồng đến cả triệu đồng/vé của “À ố show” cũng tương tự, chỉ phù hợp với khách du lịch nước ngoài còn khán giả Việt luôn khó quyết định móc hầu bao. Khi được hỏi về chuyện giảm giá vé, đại diện đơn vị tổ chức “À ố show” cho biết chỉ riêng tiền thuê địa điểm biểu diễn là Nhà hát TP HCM họ đã phải trả 6 tỉ đồng/năm, cho nên nếu hạ giá vé xuống thì sẽ không đủ kinh phí trả tiền thuê nhà hát và tiền cát-sê diễn viên.
Ông Võ Thành Trung - Tổng Giám đốc Square Group, chủ đầu tư của chương trình nghệ thuật “À ố show” - cho biết: “Chúng tôi đầu tư “À ố” hết 1 triệu USD và trong năm đầu tiên tiến hành xây dựng chương trình, công ty đã chịu lỗ 6 tỉ đồng. Để có thể sống được, “À ố” phải đi lưu diễn mỗi năm 6 tháng ở châu Âu và các nước trên thế giới. Bán vé ở châu Âu khá thành công nên chúng tôi có lịch diễn ổn định và trả được cát-sê cho diễn viên”.
“Chúng tôi sẵn sàng dành mỗi ngày một suất diễn cho riêng khán giả Việt với mức giá thấp hơn hẳn từ 40%-50% mức vé đang bán cho du khách hiện nay. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm như vậy trong thời gian không xa” - ông Võ Thành Trung nói.
Bà Hà Nguyên Hương, Giám đốc sản xuất “Ionah show”, cho biết: “Tổng đầu tư cho “Ionah show” rất cao, vì ngoài đầu tư cho sô diễn, chúng tôi còn xây cả một nhà hát, khả năng thu hồi vốn trong vòng 2 năm là không thể xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định “Ionah show” là con đường dài. Chúng tôi đã có những chương trình khuyến mãi về giá dành cho người Việt Nam tiếp cận nghệ thuật đương đại. Hiện tại “Ionah show” đang giảm giá cho tất cả khán giả Việt xem show vào ngày thứ ba hằng tuần, chỉ còn 285.000 đồng/vé”.