Trên địa bàn TP HCM có tổng cộng 128 bệnh viện đang hoạt động, với chỉ số giường bệnh là 42 giường/10.000 dân. Nếu so với nhu cầu khám chữa bệnh trong khu vực và so sánh với chỉ số giường bệnh tại các nước phát triển thì chỉ số giường bệnh của TP HCM còn thấp.
Người bệnh chen chúc, chờ đợi
Đáng lưu ý, một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố gặp khó khăn trong phát triển thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu do cơ sở hạ tầng quá chật hẹp, xuống cấp, kinh phí hạn hẹp.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 tuyến cuối tại phía Nam về chấn thương chỉnh hình, chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị chấn thương chi, cột sống, xương khớp…
Tuy nhiên, tại đây, tình trạng người bệnh, nhân viên y tế phải chen chúc trong không gian nhỏ khiến ai nấy cũng đều mệt mỏi. Bởi bệnh viện không có cổng vào khám bệnh riêng, cổng cấp cứu cũng là cổng để bệnh nhân vào khám bệnh. Bên cạnh đó, chỉ có một lối đi là hành lang nhỏ vừa là nơi di chuyển cấp cứu, lấy số thứ tự khám bệnh, nhà thuốc, khu vực ngồi chờ khám.
Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực khám ngoại trú của bệnh viện, nhiều bệnh nhân không có ghế phải ngồi lên bậc tam cấp chờ khám. Thậm chí, nhiều người đứng chờ khám ở khu vực hành lang phải tìm cách tránh né mỗi khi có băng ca đẩy bệnh đi qua.
Đứng chờ đến lượt khám bệnh tại hành lang, anh N.V.N (ngụ Long An) cho biết chân bị chấn thương do tai nạn giao thông nên sau khi phẫu thuật xuất viện, anh đến để tái khám. "Nằm viện cũng khổ mà đi tái khám cũng khổ. Bệnh viện cũ kỹ, chen chúc chật chội, chân thì đau nên cứ sợ đông quá người ta đụng trúng thì vết thương tái phát" - anh T. lo lắng.
Còn tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cảnh bệnh nhân vạ vật chờ đợi đến lượt khám bệnh vẫn tồn tại nhiều năm qua. Dậy từ 2 giờ để kịp chuyến xe từ Bình Phước đến TP HCM khám bệnh, bà D.T.H (50 tuổi) mệt mỏi chia sẻ: "Để kịp giờ lên khám bệnh rồi về trong ngày, tôi phải dậy từ 2 giờ, đi xe khách đến bệnh viện. Vào bốc số từ 6 giờ nhưng phải đến gần 9 giờ tôi mới được vào phòng khám. Giờ ngồi chờ kết quả xét nghiệm, mong là có sớm để chiều kịp bắt chuyến xe cuối về nhà" - bà H. nói.
Theo bà H., bệnh viện tuyến cuối có nhiều bác sĩ giỏi nên đông là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nhiều năm tới lui bệnh viện thăm khám, bà cũng vẫn phải chờ đợi. Nếu vào bệnh viện tư thăm khám thì nhanh hơn, thuận tiện hơn, cơ sở vật chất tốt hơn nhưng chi phí cao khiến bà cũng như nhiều người có chung hoàn cảnh e ngại…
Lãng phí khi không tận dụng y tế tư nhân
Trước thực trạng trên, mới đây, Sở Y tế TP HCM có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố trong lĩnh vực y tế. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách cho TP HCM giao đất để hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng thêm các bệnh viện mới. Đặc biệt, ưu tiên cho các chuyên khoa hiện quá tải tại các bệnh viện công lập như chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, thần kinh, mắt, tai mũi họng... với quy mô từ 300 - 500 giường/bệnh viện.
Thực tế hiện nay, so với y tế công lập thì khoảng cách về quy mô của y tế tư nhân ở Việt Nam còn rất cách biệt.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Hành nghề y tư nhân TP HCM, cho biết hiện TP HCM có trên 300 phòng khám đa khoa, trên 50 bệnh viện tư nhân, nguồn nhân lực rất lớn nhưng không vận dụng được hoặc vận dụng chưa triệt để, gây ra lãng phí.
"Nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế ở các cơ sở y tế tư nhân cũng là tài nguyên của xã hội. Nếu nhà nước quan tâm, hãy quan tâm công bằng, đối xử với nguồn lực y tế công lập như thế nào thì hãy đối xử với nguồn lực tư nhân như vậy về những chính sách đãi ngộ, ví dụ như tăng phụ cấp rủi ro hành nghề cho nhân viên y tế. Như vậy, hai mảng công - tư trong hệ thống y tế sẽ phát triển đồng đều và bổ trợ cho nhau" - bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng nói thêm.
Bên cạnh đó, trong một buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, đại diện Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho rằng nên có điều luật quy định cụ thể bệnh viện tư nhân được phép quyết định giá khám dịch vụ nhưng phải thực hiện việc kê khai đăng ký và niêm yết giá theo đúng quy định của pháp luật về giá. Có nhiều bệnh nhân đến bệnh viện khám và thắc mắc tại sao cùng một dịch vụ khi ở các bệnh viện công lấy giá khác, bệnh viện tư lấy giá khác.
Ngoài ra, việc xây dựng chính sách đã được cải thiện nhưng y tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử. Một số địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ cho bệnh viện công mà không có chính sách cho bệnh viện tư. Việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho bác sĩ ở bệnh viện tư là do chủ bệnh viện, phòng khám đảm nhiệm.
Hiện tại, chất lượng đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế ở các bệnh viện tư, phòng khám chưa đồng đều. Đội ngũ gián tiếp khám chữa bệnh như pháp chế, truyền thông, hành chính… còn bị bỏ ngỏ, chưa được coi trọng đúng mức.
"Việc đào tạo nhân lực y tế ở y tế tư nhân cũng phải trả chi phí cao hơn y tế công lập. Ví dụ, một bác sĩ ở bệnh viện công đi học nâng cao tay nghề thì chỉ mất khoảng 10 triệu đồng nhưng ở bệnh viện tư thì bác sĩ đó phải mất 40 triệu đồng. Thời gian vừa qua, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã kiến nghị nhiều nơi, cuối cùng đã có công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá đào tạo giống nhau. Đây là dấu hiệu đáng mừng để thay đổi nhiều chính sách liên quan đến y tế tư nhân" - ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, thông tin.
Kỳ tới: Đến lúc phải kết hợp y tế công - tư