Ông bà ở đây đã hơn một tháng. Một cơn đột quỵ quật ngã người đàn ông 65 tuổi cường tráng cả đời chưa một lần cần đến bác sĩ và thuốc men. Xe cấp cứu chuyển ông lên thành phố không kịp trong khung giờ vàng nhưng bệnh viện này đã cứu ông khỏi lưỡi hái Thần Chết. Những liều thuốc đặc trị giúp ông hồi phục một cách kỳ diệu, giờ ông nói khó nghe vì líu lưỡi, lệch một bên vai và chân trái bước đi không vững. Quá tuổi lục tuần, ông bắt đầu tập nói, tập đi trở lại.
Bệnh nhân mới cùng phòng là cô giáo tiểu học, người Nam lấy chồng miền Trung lập nghiệp ở Bình Dương. Hằng ngày, anh thay vợ gọi điện thoại nhắc đứa con út học trực tuyến đúng giờ, chỉ đứa lớn cách kho thịt, nấu canh, thỉnh thoảng đưa điện thoại để con nói chuyện an ủi mẹ.
Có người phụ nữ, bà vui chuyện nhiều hơn, bù lại mấy tuần lặng lẽ với người chồng nói năng không tròn tiếng. Cô giáo kể "nhà con ở dưới Giồng Trôm, chúng con trên này không ai giúp đỡ, ảnh phải nghỉ việc ở công ty để lo cho con". Bà mừng, "cô cũng người Bến Tre nè, lấy chú người Cà Mau. Mà ở quê mình có nhiều người miền Trung hồi xưa theo ghe thuyền trôi dạt vô lắm".
Cô giáo bị bệnh đau xương gần năm nay, đầu gối cứng đơ, hai chân như hai khúc cây khô. Chồng đưa vợ chạy thầy chạy thuốc khắp nơi mà không thuyên giảm. Dịch Covid-19 phần nào lắng xuống, nay mới dám vô bệnh viện tuyến trên. Lại khám sàng lọc rồi chụp MRI và làm một chuỗi xét nghiệm. Lại tiếp tục những ngày chờ đợi trong hồi hộp, lo âu, căng thẳng. Thương cô giáo tuổi đời suýt soát đứa con gái bị thất lạc của bà, bà an ủi: "Con cứ bình tâm, vào đây tinh thần mình quan trọng lắm. Con cần gì, cứ nói cô giúp, đừng ngại".
Thật là tình cảnh tréo ngoe, mỗi ngày bà dìu ông ra toilet tắm rửa, còn chồng cô giáo thì bế cô ra làm vệ sinh. Bà nghĩ hồi trước ở nhà, mình đâu hiểu rằng một ngày sống mà không phải vô bệnh viện là một ngày may mắn trong đời.
2. Là chủ một xưởng gỗ đang ăn nên làm ra, ông bận bịu suốt ngày, tối về uống vài lon bia rồi ngủ, chẳng ưu tư gì về thời cuộc, tương lai hay quá khứ. Vào đây, ông mới có thời gian nghĩ lại đời mình, nhớ đến người cha theo bạn nghề lặn lội từ Huế vào miền Tây làm thuê, rồi kết duyên với người con gái nết na vùng đất này và truyền nghề lại cho con. Tay nghề không bằng cha, ông thừa kế xưởng gỗ và giữ được hoạt động bền vững của nó, tuy chưa tạo được truyền nhân cho cái nghề thiêng liêng từ quê xứ thần kinh.
Hôm đó là thứ bảy, ngày phát lương cho thợ. Quê nhà xôn xao với đoàn người từ thành phố về tránh dịch, mấy người thợ xin nghỉ phép ngắn ngày. Ông hơi lo lắng nhưng lại có nỗi mừng bù lại: con gái ở thành phố báo tin chồng nó vừa âm tính sau 3 tuần nằm bệnh viện dã chiến, còn mẹ con nó xét nghiệm vẫn an toàn. Sẵn còn thùng bia, ông bảo cô kế toán đi mua đồ nhậu và mời quản đốc với người bảo vệ cụng ly. Hình như ông uống hơi nhiều hơn mọi bữa, trong toilet ông luống cuống không kịp kéo dây khóa làm nước tiểu ướt quần, dáng đi lảo đảo rồi ngã quỵ.
Trên xe cấp cứu, ông nằm thiêm thiếp, run run cào bàn tay bà như bày tỏ nỗi ân hận muộn màng trong cơn mê.
Sống với nhau hơn một phần ba thế kỷ, cháu nội, cháu ngoại đề huề, ông bà chưa một lần nặng lời hay to tiếng với nhau. Có chút máu gia trưởng từ cha, ông giành quyền định đoạt những việc lớn trong nhà, đôi khi bất bình bà cũng không cự cãi, ông cằn nhằn chuyện gì bà cũng chỉ cười. Có phải vì đó là tính nết nhu mì bà thừa hưởng từ mẹ hay vì cái ơn bà chịu của ông quá lớn.
Sau cơn sốt cấp tính vì viêm tai giữa, hai tai bà gần như điếc đặc, ông mua cho bà một bộ máy trợ thính nhưng bà chỉ dùng lúc xem ti-vi và khi nhà có khách. Ở nhà, cơm tối xong, bà thích xem phim bộ, còn ông mở ra-đi-ô nghe vài bài vọng cổ trước khi đi ngủ.
Từ hôm ngã bệnh, ông lành tính hẳn. Có bữa đi ứng tiền viện phí về, bà thấy ông ngồi sắp xếp gọn gàng các hộp sữa, hộp bánh, chai nước, lọ dầu trên bàn đầu giường, tỉ mẩn buộc những vỉ thuốc đã qua sử dụng bằng dây thun rồi bỏ vào bao ni-lông.
Nhỏ hơn ông 7 tuổi, thân hình thấp đậm, trắng trẻo của bà còn căng mẩy, nhưng từ khi mãn kinh, bà không còn ham muốn chăn gối nữa. Bà biết ông thất vọng vì không được đáp ứng. Từng đêm lên giường, bà chỉ chiều ông một điều duy nhất, bà cho ông áp mặt vào bầu ngực của bà trước khi chìm vào giấc ngủ. Thỉnh thoảng bà cũng thoáng nghi ngờ ông đầu tư ngoài luồng đâu đó để tìm sự đền bù. Nhưng lòng bà không gợn chút ghen tuông. Dẫu sao bà cũng có lỗi. Bà chỉ mong ông bớt bia rượu và không dính vào mối quan hệ gieo mầm bệnh.
Vào bệnh viện, những tuần đầu căng thẳng, nhờ viên thuốc ngủ uống lúc 9 giờ, ông quên thói quen cũ. Một tuần nay, sức khỏe dần phục hồi, đòi hỏi cũ thức dậy, ông ra hiệu cho bà. Thương ông, bà muốn chiều ông, lại e ngại trong cảnh chật chội này không giấu được người lạ. Cô giáo giường bên sợ bóng tối, cứ bảo chồng bật bóng đèn đầu giường suốt đêm. Hai người thầm thì đến khuya, khi tiếng ngáy ông rõ to và bà lặng lẽ nằm xuống giường nuôi bệnh, kín đáo đeo cái tai nghe vào, tò mò lắng nghe cuộc chuyện trò để biết thêm về hoàn cảnh, thân phận của họ.
Đêm nay, trời đổ mưa lớn, tiếng mưa thuận lợi để cho bà chiều ông. Những hạt mưa quất mạnh vào cửa kính. Nhìn từ tầng 14, thành phố buồn hiu hắt trong những ngọn đèn tù mù bên dưới, tiếng xe cấp cứu kéo còi trên các ngả đường. Nghe tiếng ông trăn qua trở lại, bà khe khẽ kéo tấm màn bao quanh giường; ông quay lại, bà cởi nút áo và đứng nghiêng xuống người ông, đưa vú vào đôi môi háo hức của ông. Hơi thở ông gấp gáp. Một tay bà nâng đầu ông, tay kia vỗ nhẹ lưng ông khuyến khích.
Một tiếng rên khẽ của ông cùng lúc với tiếng gọi của cô giáo "Anh ơi". Bà bấm nhẹ vào cánh tay ông và từ từ rời ra, trở lại chiếc giường xếp của mình.
- "Em chết, anh nhớ tìm giùm cha mẹ ruột của em để con mình biết bên ngoại nghe anh".
- "Anh hứa rồi. Em khỏe lại sẽ được gặp gia đình mà".
- "Rồi anh cứ lấy vợ nhưng đừng đi nhậu anh nhé".
- "Anh hứa không lấy vợ, không đi nhậu".
- "Anh lấy vợ cho có người đỡ đần, chứ anh đi nhậu về khuya, lỡ có chuyện gì ai lo cho hai đứa nhỏ".
- "Mà sao em cứ làm anh rối trí, làm sao anh bình tĩnh lo cho em được".
- "Em biết bệnh em mà, mình chạy hết thầy hết thuốc rồi, ở đâu cũng không tìm ra bệnh".
- "Thì bệnh viện này đang xét nghiệm, sẽ tìm ra nguyên nhân".
- "Nhưng bệnh này thuốc đắt tiền lắm, nhà mình làm sao chịu nổi".
- "Anh sẽ bán nhà lo cho em".
- "Rồi mình ở đâu. Tiền đâu lo cho hai đứa nhỏ ăn học. Cưới vợ cho hai đứa nữa".
- "Trời ơi, em lo chi mà lo xa dữ vậy. Thôi, khuya rồi, ngủ đi em, để cho hai cô chú bên cạnh ngủ nữa".
- "Họ ngủ rồi mà. Em uống thuốc ngủ đúng giờ mà sao không muốn ngủ".
Cơn mưa đêm đã tạnh. Bà nhẹ nhàng gỡ tai nghe. Không còn tiếng ngáy của ông, tiếng thầm thì của vợ chồng cô gái. Bốn con người chia nhau hít thở khoảng không gian nhỏ hẹp của phòng bệnh. Cuộc đời ở đây chật chội, người người sát bên nhau; cuộc đời bên ngoài thì xa xôi, người bỏ đi một lần là mất hút.
Nếu con gái đầu của bà được nuôi dưỡng tử tế, nay cũng gần bằng tuổi cô giáo. Bà có thai với một tên sở khanh cùng làng, nó quất ngựa truy phong, bà trốn lên thành phố sinh con và đành lòng cho đứa con gái bé bỏng vào nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi của một ngôi chùa trước khi trở về Chợ Lách để tránh miệng tiếng thế gian. Ông theo cha đến quê bà làm nghề mộc khi bà mới sinh xong, xanh xao sầu muộn. Gặp ông vài lần, bà thú nhận tất cả. Ông yêu bà một tình yêu độ lượng.
Về sau, khi đã có hai mặt con, đôi lần ông nói sẽ giúp bà đi tìm đứa con lưu lạc. Bà nhìn ông đầy ơn nghĩa, nhưng chưa tỏ ra ưng thuận. Bà sợ phá vỡ đời sống yên ổn bao năm tạo dựng. Sợ hai đứa con bị sốc. Nhất là sợ sự thật tàn nhẫn bị phơi bày. Lòng bà vẫn nuôi hy vọng đứa con gái gặp người bảo trợ nhân đức, có cuộc đời may mắn. Nhưng ai biết điều gì đã xảy ra 40 năm qua.
3. Khi biết bác sĩ cho xuất viện, ông ngọng nghịu nói:
- "Mình ở nhà con Ba vài ngày rồi thuê xe về Cà Mau nghe bà".
- "Đâu được, ông phải ở đây một tháng tập vật lý trị liệu rồi tái khám nữa".
- "Cuối năm đơn hàng nhiều, ở xưởng tụi nó lúng túng không giải quyết kịp công việc".
- "Ông nói giỡn à. Ông làm lụng cực nhọc cả đời rồi, bây giờ đau nửa mạng, cứ để mọi việc cho quản đốc với kế toán lo, lo không nổi thì từ chối đơn hàng. Tiền bạc đã có thằng Hai nhà mình tính toán".
- "Vả lại, con Ba còn phải lo cho chồng con nó, mình ở lâu làm khổ nó".
- "À, mà mấy hôm nay ông không vô mạng nên không biết tỉnh mình số ca nhiễm mới mỗi ngày đã hơn 300 rồi. Ông và tui mới tiêm một mũi, về dưới mà dính Covid-19 là hết đường đó".
Bà vừa nói đến đây thì hai cô y tá đẩy xe thuốc đến. "Ở đây cô bác nào đến kỳ tiêm mũi hai vắc-xin thì tụi con tiêm cho". "Mừng quá, vợ chồng tui tiêm mũi một được 8 tuần rồi, giấy chứng nhận đây nè cô". Bệnh viện này thật là tử tế, bà nhắn tin liền cho thằng Hai, con Ba nó mừng.
Trước giờ xuất viện, bà xin cô giáo số điện thoại, linh cảm sẽ còn liên lạc với vợ chồng cô. Theo sau xe đẩy đưa ông qua hành lang ra thang máy, bà gặp chồng cô đang hớt hải đi ngược chiều, mắt đỏ hoe, tay cầm xấp giấy. Thấy ông bà, anh dừng lại: "Cô ơi, vợ con mắc bệnh nặng quá cô". Bà đi chậm lại, bàng hoàng đọc ba chữ "Đa - u - tủy" trên tờ giấy xét nghiệm. Nghe tiếng ông giục, bà chỉ kịp nói: "Con bình tĩnh, khoan vô phòng đã, đừng nói gì với vợ. Về tới nhà, cô sẽ gọi nghe con".