Được xem là “địa điểm hạnh phúc nhất Trái đất” nhưng đối với Liang Ning, nó chẳng khác gì cơn nhức đầu. Cách đây không lâu, kỹ sư này đưa gia đình từ Quảng Châu đến Disneyland Hồng Kông với hy vọng cả nhà cùng vui và được thư giãn thú vị. “Tôi muốn quên cả thế giới và có cảm giác như sống trong câu chuyện thần tiên” - Liang Ning kể. Tuy nhiên, “nó không lớn lắm và chẳng khác mấy so với những công viên chủ đề” tại Hoa lục.
CHƯA ĐỦ TẦM CỠ
Cây đũa thần đã không làm Disneyland Hồng Kông tỏa sáng. Công viên trị giá 1,8 tỉ USD – khai trương tháng 9-2005, từng được ban giám đốc điều hành Walt Disney đánh giá là nỗ lực lớn và táo bạo nhất trong chiến dịch xây dựng thương hiệu tại Trung Quốc – đã hứng chịu thất bại, ít nhất tại thời điểm này. Chính quyền Hồng Kông – từng mời mọc Walt Disney hết lời – hy vọng Disneyland Hồng Kông củng cố uy tín và tên tuổi Hồng Kông như một trong những địa điểm du lịch hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, sự triển khai cầm chừng của Disney cũng như đối tác Trung Quốc đã tạo ra một công viên chủ đề khá khiêm tốn, gây thất vọng cho du khách.
Disneyland Hồng Kông chỉ có 16 điểm giải trí so với 52 tại Disneyland Paris. Trong khi đó, cách quản lý – từ bán vé đến vấn đề quan hệ nhân viên – càng làm hoen ố hình ảnh Disney. Vấn đề là Disney không hiểu được tâm lý khách hàng địa phương – theo nhận xét của John Ap, giáo sư trợ giảng Trường Quản lý du lịch và khách sạn thuộc Đại học Hồng Kông.
Công ty mẹ Walt Disney đã đem đến Hồng Kông 18.000 cây thân gỗ và 1 triệu cây bụi để trồng tại Disneyland Hồng Kông. John Sorenson – một trong những kiến trúc sư chính phụ trách xây dựng cảnh trí cho Disneyland Hồng Kông – từng thuê xe đi đến nhiều miền quê tại Nam Trung Quốc và phác thảo thiết kế cũng như tìm kiếm loại cây thích hợp (sau nhiều lần thương lượng, Walt Disney đã bứng nhiều cây cổ thụ khổng lồ trong đó có cây cổ thụ cao 14 m hiện trồng tại Adventureland và đem về trồng nơi đây).
Tất nhiên Disneyland Hồng Kông có những nét truyền thống của Disneyland Mỹ, trong đó có lâu đài công chúa ngủ trong rừng, khu giải trí mạo hiểm Adventureland với màn trình diễn của vua sư tử... Có nhiều mô hình cũng như dấu ấn văn hóa Trung Quốc tại Disneyland Hồng Kông. Công ty Walt Disney từng lĩnh hội nhiều kinh nghiệm khi mở công viên chủ đề tại các địa điểm ngoài nước Mỹ. Năm 1992, khi khai trương Euro Disney (hiện được đổi thành Disneyland Paris), người ta chủ trương không bán rượu và điều này khiến truyền thống Pháp bị xúc phạm.
PHẢN TÁC DỤNG
Tại Trung Quốc, Walt Disney cũng từng nếm không ít thất bại cho chiến thuật mở rộng thị trường. Năm 1996, Chính phủ Trung Quốc đã cấm tất cả phim Walt Disney bởi công ty này ủng hộ bộ phim Kundun của đạo diễn Martin Scorsese (nói về Dalai Lama và Tây Tạng). Phim hoạt hình Hoa Mộc Lan của Walt Disney dù thành công tại thị trường phương Tây cũng từng thất bại tại Trung Quốc do bị Tây hóa. Do vậy, Walt Disney đã làm việc ngày đêm với đối tác Hồng Kông để tránh sai phạm văn hóa. Tại Disneyland Hồng Kông, không chỉ có chuột Mickey mà cả Hoa Mộc Lan. Nhà hàng Disneyland Hồng Kông cũng tập trung vào các món ăn châu Á, từ cà ri Ấn Độ đến sushi Nhật Bản. Walt Disney thậm chí chiều ý đối tác Hồng Kông khi cho rước thầy phong thủy khi xây nhiều hạng mục quan trọng (chính người này đã chọn ngày 12-9 để khai trương).
Thật tréo ngoe, chính sự địa phương hóa đã đem lại ảnh hưởng phản tác dụng. Việc bán xúp vi cá – món ăn truyền thống Trung Quốc – trong các nhà hàng Disneyland Hồng Kông đã gặp phản ứng gay gắt từ nhiều nhóm môi trường. Trong dịp mừng Tết cổ truyền vào tháng 1-2006, Disneyland Hồng Kông cũng không chuẩn bị chu đáo khiến nhiều người không có vé vào cửa. Chưa hết, Walt Disney còn vô tình tạo căng thẳng với các công ty du lịch sở tại.
Victor Yu Limin thuộc Công ty Du lịch CYTS Outbound Travel Service (Bắc Kinh) than phiền việc Disney yêu cầu thông báo trước vài tuần việc đặt chỗ, trong khi du khách Trung Quốc thường chỉ lên kế hoạch vài ngày trước khi lên đường. Vấn đề hoa hồng cho các công ty lữ hành Trung Quốc cũng không làm thỏa mãn. Công nhân đóng vai “thú chào” cũng bực bội bởi thời gian làm việc dài và gây mệt mỏi trong bộ áo thú nặng nề...
Trước hàng loạt thất bại khá nặng, Disney đang chấn chỉnh từng bước. Tháng 4-2006, Disneyland Hồng Kông tung chiến dịch miễn phí cho 50.000 tài xế taxi Hồng Kông với hy vọng họ có thể chia sẻ những thú vị tai nghe mắt thấy và Walt Disney vẫn kỳ vọng một sự thành công thật sự trong tương lai.