Sự nở rộ các chương trình trò chơi giải trí trên màn ảnh nhỏ đã phần nào lấn át các chuyên mục quen thuộc khác, nhưng có những chương trình không chỉ hấp dẫn người xem ở yếu tố giải trí mà còn ở ý nghĩa xã hội của nó.
Người đương thời: Sức sống bền bỉ
Theo nhà báo Bạch Mai (Báo Phụ Nữ TPHCM): “Chương trình Người đương thời với MC Tạ Bích Loan – người dẫn chương trình “líu lo” nhất hiện nay trên sóng truyền hình- đã làm say mê khán giả trong Nam, ngoài Bắc. Hầu như các nhân vật cùng các sự kiện thời sự hoặc vấn đề nổi bật, được nhiều người quan tâm, đều không tránh khỏi tầm ngắm của talk show này. Không chỉ được nghe cuộc chuyện trò đầy bất ngờ giữa nhân vật và MC, người xem của Người đương thời luôn được chứng kiến những khúc phim bên lề được thực hiện với nhiều tâm huyết, làm cuộc chuyện trò thêm sống động. Với lợi thế của truyền hình, nội dung được đề cập trong “bài báo” của Tạ Bích Loan sắc nét hơn bởi hình ảnh và giọng nói của nhân vật mà không một loại minh họa nào sánh bằng”.
Nhà báo Phan Ngọc Thường Đoan (Báo Văn Nghệ) cho rằng: “Nếu không có Tạ Bích Loan thì chương trình khó kéo dài một cách bền bỉ như thế. Qua chương trình này khán giả có thêm một kênh thông tin về những con người thành đạt, để soi rọi cho chính bản thân mình.
Chuyện nhỏ: Ý nghĩa không nhỏ
Nhà báo Bạch Mai cho rằng: Vui cùng Hugo chỉ là trò tiêu khiển thuần túy, không có bài học nào ở đây, trừ sự lanh tay, lanh mắt. Trong khi đó Chuyện nhỏ lại có sức hấp dẫn khác, người chơi là người lớn, còn trẻ em là “người phụ chơi”. Chương trình luôn có những điều bất ngờ thú vị từ cả hai phía. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để MC Thanh Bạch tung hoành sở trường dẫn dắt duyên dáng, ý nhị của mình. Qua game show Chuyện nhỏ người lớn có dịp nhìn lại mình và hiểu tâm lý trẻ em hơn. Những câu trả lời ngộ nghĩnh và rất ngây thơ của các cháu về những vấn đề được đặt ra đã tạo thành những tràng cười vui vẻ, thoải mái mà tiềm ẩn phía sau là những bài học nhẹ nhàng, bổ ích về cách giáo dục con cái trong gia đình và mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em”.
Nhà báo Hà Phương (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM) nhận xét thêm: “Chuyện nhỏ là game show mang tính giáo dục sâu sắc; giúp cho các bậc làm cha, làm mẹ hiểu biết và quan tâm đến con em mình hơn, thông qua những trắc nghiệm tâm lý vừa gần gũi với mọi nhà, mọi giới, lại đem đến tiếng cười thú vị cho các em”.
Nhận xét game show Trúc xanh, nhà báo Minh Tuyền (Báo Điện ảnh TPHCM) cho rằng: “Đa số những người lớn yêu thích kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam rất thích xem game show Trúc xanh. Tuy nhiên, có nhiều câu ca dao được sử dụng không phổ biến. Hình thức thể hiện cứ lặp đi lặp lại nên rất khó có thể sinh động, dù MC Đỗ Thụy đã có nhiều cố gắng để chương trình không bị “đông cứng”.
Vượt lên chính mình chiếm lợi thế
Nhà báo Bạch Mai phân tích: “Game show lấy nước mắt của người chơi lẫn người xem nhiều nhất là chương trình Vượt lên chính mình với MC Quyền Linh. Người chơi của chương trình này toàn là... khách mời đặc biệt. Họ là những người có hoàn cảnh khó khăn, mang công mắc nợ – chỉ 2, 3 triệu đồng mà mấy năm trời không trả nổi: Người đàn bà gánh muối; người thợ bẻ hoa sắt; người đàn ông bắt cua biển; đôi vợ chồng nghèo làm guốc vông... Mỗi chương trình là một sự chia sẻ hết sức cảm động: các nhà tài trợ giúp họ xóa nợ và còn giúp vốn để họ vượt lên khó khăn để ổn định cuộc sống. Chưa có game show nào mà tiền thưởng có giá trị nhân ái như Vượt lên chính mình. Nhìn những người chơi nghẹn ngào nói lời cám ơn, đôi mắt đỏ hoe khi ký tên xóa nợ ở ngân hàng mới thấy những game show mang trong lòng những cử chỉ nâng đỡ người nghèo khó, là thật đáng trân trọng.
Nhà báo Vũ Duy Giang (Chủ nhiệm CLB Phóng viên VHVN - Hội Nhà báo TPHCM) cũng đồng tình với nhà báo Bạch Mai: “Vượt lên chính mình đã thực sự gieo vào lòng người xem lòng nhân ái đối với những con người trong những hoàn cảnh khó khăn. Có điều, về lâu dài nếu không có cách thay đổi hình thức thể hiện thì Vượt lên chính mình sẽ... đuối dần”.