Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Vũ Kim Dũng, Chủ nhiệm Quỹ Hỗ trợ Phát triển khoa học giả tưởng VN (VFSF), nhân dịp ra đời quỹ hỗ trợ.
. Phóng viên: Xin ông cho biết từ đâu mà Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ VN (VAYSE) lại cho thành lập VFSF, trong đó có văn học giả tưởng?
- Nhà văn Vũ Kim Dũng: Trong thời đại hiện nay, vấn đề tri thức là một vấn đề cực kỳ quan trọng, trong đó trí thức trẻ là nhân tố không những ở hiện tại mà trong tương lai đóng góp một phần không nhỏ. Xuất phát từ đó, chúng tôi nghĩ cần phải có một hoạt động tích cực để tài trợ cho việc phát triển, giúp đỡ thế hệ tri thức trẻ để có những suy nghĩ, ước mơ, hoài bão.
Khoa học giả tưởng là một lĩnh vực rất quan trọng. Đối với người đọc, truyện khoa học giả tưởng sẽ kích thích thế hệ trẻ ước mơ, hoài bão về khoa học công nghệ trong tương lai. Nếu có một quỹ hỗ trợ cho những người viết tài năng và các hoạt động phát triển khoa học giả tưởng chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho đội ngũ trí thức trẻ trong tương lai.
. Như vậy, hoạt động của VFSF sẽ như thế nào, thưa ông?
- Bắt đầu từ tháng 7-2008 có quyết định chính thức thành lập VFSF. Hoạt động của VFSF sẽ phát triển trên ba lĩnh vực: Thứ nhất, in các tác phẩm khoa học giả tưởng của các tác giả VN và các tác phẩm dịch của các tác giả trên thế giới. Tới đây, chúng tôi sẽ cho in tác phẩm đầu tiên, tuyển tập các truyện ngắn về khoa học giả tưởng. Thứ hai, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức các cuộc thi về khoa học giả tưởng. Khởi đầu, sẽ có cuộc thi tìm hiểu về khoa học giả tưởng. Chúng tôi sẽ tổ chức trên website của VFSF. Hiện, chúng tôi đang đăng ký tên miền của website này. Sau đó, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác truyện, kịch bản trên quy mô toàn quốc về khoa học giả tưởng. Lĩnh vực thứ ba chính là hỗ trợ cho các sáng tác về nghệ thuật khác như phim hoạt hình, phim truyện, kịch về khoa học giả tưởng...
Chúng tôi cũng định phối hợp với các đơn vị để sản xuất game về khoa học giả tưởng. Thực tế, có nhiều game đã được lấy từ các phim khoa học giả tưởng như người nhện, siêu nhân... Mặt khác, không riêng gì giới trẻ của VN mà giới trẻ trên thế giới đều rất thích chơi game.
. Theo ông, văn học giả tưởng đã có chỗ đứng trong đời sống văn học nước nhà hay chưa?
- Hiện nay trên thế giới có một hiệp hội khoa học giả tưởng quốc tế, có quy mô lớn. Hằng năm có các cuộc họp. Nó phát triển rất mạnh và đã tạo được chỗ đứng trong nền văn học của thế giới. Còn ở nước mình, truyện khoa học giả tưởng đang có một chỗ đứng khá khiêm tốn.
. Hằng năm, Hội Nhà văn hầu như không xét giải cho thể loại văn học giả tưởng. Mới đây, NXB Kim Đồng kết hợp với Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức cuộc thi viết truyện giả tưởng theo chủ đề “Một ngày kỳ lạ”. Theo tôi được biết, cuộc thi diễn ra trong thời gian một năm nhưng số lượng bản thảo tham dự lại khá khiêm tốn. Là người đứng mũi chịu sào của VFSF, ông nhận thấy những tiềm năng văn học giả tưởng ở nước ta như thế nào?
- Nếu nói về xa xưa thì có truyện Lưu Nguyễn nhập thiên thai, tuy là một truyện cổ nhưng nó cũng là một gợi ý khá thú vị về truyện khoa học giả tưởng. Trước kia có tác giả Phạm Cao Củng với tác phẩm Ai giết bác sĩ Mai Anh. Sau Cách mạng Tháng 8, phải kể đến nhà văn Viết Linh viết tương đối nhiều về khoa học giả tưởng. Một số tác phẩm đáng chú ý như: Quả trứng vuông, Hành tinh kỳ lạ. Nhà văn Lưu Văn Khuê viết Hành tinh màu da cam, Phạm Ngọc Toàn với Chiếc áo của người sung sướng. Đó là những nền tảng để văn học giả tưởng có thể phát triển. Và hiện nay, đội ngũ trí thức trẻ rất nhiều, có nhiều người viết văn cũng rất hay. Tuy nhiên, lại chưa có một định hướng để viết truyện khoa học giả tưởng. Bởi thế, nếu bây giờ chúng tôi định hướng, tổ chức các cuộc thi thì sẽ tạo nên cú hích đối với đội ngũ tác giả trẻ này.
. Truyện khoa học giả tưởng có một sức hút kỳ lạ với giới trẻ nhưng thật khó khăn để “điểm danh” một nhà văn trẻ có tác phẩm thuộc thể loại này. Theo ông, lý do vì sao?
- Như kinh nghiệm của tôi và một số đồng nghiệp khác, trong quá trình sáng tác, phần lớn người ta chỉ viết về lịch sử hoặc các đề tài quen thuộc. Để viết được những tác phẩm về khoa học giả tưởng thì phải hiểu biết về khoa học, nắm vững được ngôn ngữ văn học. Số người có cả hai điều kiện ấy thì không nhiều. Ngay cả tôi, bản thân cũng xuất thân là một nhà khoa học viết văn nhưng khi viết về khoa học giả tưởng cũng không dễ dàng. Truyện khoa học giả tưởng đòi hỏi phải có trí tưởng tượng cao. Đối với các đề tài khác thì chỉ cần có khả năng về văn chương là có thể đã viết được rồi. Muốn viết về khoa học, người ta phải hiểu khá sâu rộng về khoa học. Tôi nghĩ, đó là một khó khăn của các nhà văn.
Hơn nữa, theo tôi thấy hiện nay chưa có một tổ chức để tập hợp những người viết hoặc người dịch lại để có thể phát triển về văn học khoa học giả tưởng. Nếu không có gì “kích” khoa học giả tưởng lên thì lại càng khó phát triển. VFSF ra đời với mong muốn trở thành động lực cho sự phát triển của truyện khoa học giả tưởng.
. Bản thân ông cũng là một nhà văn có nhiều tác phẩm giả tưởng được bạn đọc yêu mến. Vậy xin ông có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm viết truyện giả tưởng của mình?
- Theo tôi, để viết được truyện khoa học giả tưởng trước hết cần phải yêu thích khoa học đã. Sau đó cần phải có sự tích lũy hiểu biết khá sâu rộng về khoa học tự nhiên và xã hội, cần có trí tưởng tượng phong phú và táo bạo kết hợp với khả năng văn học để thể hiện ý tưởng của mình. Trên cơ sở đó các bạn sẽ tập dượt viết truyện ngắn trước rồi viết truyện dài hoặc tiểu thuyết khoa học giả tưởng sau.