Nhiều người cho rằng gốc gác tiền cát-sê của nghệ sĩ (NS) đến từ khán giả. Thù lao của NS tùy thuộc vào mức độ được khán giả yêu thương. Những NS được nổi tiếng là vì có nhiều khán giả chấp nhận và cái danh tiếng lớn hay nhỏ, có tồn tại được không cũng tùy thuộc vào mức độ yêu thương của khán giả. Nhờ cái tầm quan trọng mà khán giả cho, danh tiếng đó được nhiều người biết đến, được mời đi diễn nhiều hơn, cát-sê cũng tăng, rồi tiền tài và vinh quang kéo theo. Vì vậy, có thể nói mất khán giả là mất tất cả.
Khán giả là người quyết định
Thế thì nói khán giả nuôi NS có gì sai? Bởi không có khán giả thì không có NS và ngành nghệ thuật đó sẽ không thể tồn tại. Khán giả là người quyết định số phận bất tử của tác phẩm, sự giàu sang, nổi tiếng của NS thì đương nhiên NS phải mang ơn khán giả. Và chính những cái mà khán giả quyết định đó, cũng là cái mà khán giả đáp lại sự lao động nghệ thuật của NS, thể hiện sự trân trọng đối với NS.
Trong quan hệ mua bán, không có sự ủng hộ của khách hàng thì "dẹp tiệm". Người bán biết ơn người mua là chuyện thường tình. Từ người bán tạp hóa chợ quê đến người bán hàng xa xỉ ở các khu thương mại cao cấp, họ đều nói "cảm ơn" với khách hàng. Từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn đều tổ chức lễ tri ân khách hàng. Tập đoàn mang ơn khách hàng vì đã chọn sản phẩm của mình chứ không chọn của người khác. Bước vào nhà hàng Nhật Bản, chúng ta thấy từ sếp tới nhân viên họ nghiêng mình cảm ơn khách như thế nào. Ở siêu thị Hàn Quốc cứ định kỳ phát loa kêu nhân viên các quầy hàng đứng nghiêm chỉnh cúi đầu cảm ơn khách hàng. Bởi vậy, nếu xem quan hệ NS - khán giả là quan hệ bán - mua thì NS mang ơn khán giả cũng là đương nhiên.
Tuy nhiên, quan hệ NS - khán giả không đơn thuần là bán - mua, bởi sản phẩm nghệ thuật không như các sản phẩm khác. Một sản phẩm nghệ thuật càng có nhiều khán giả ủng hộ thì người làm ra nó càng kiếm được nhiều tiền. Không chỉ có tiền (lợi), mà kèm theo đó là danh. Đôi khi, khán giả ủng hộ một tác phẩm không phải vì tác phẩm đó tuyệt vời, mà là vì khán giả là người hâm mộ của NS, tức là yêu thương NS đó hết mực, theo kiểu "yêu ai yêu cả đường đi lối về". Do đó, người NS đương nhiên phải mang ơn khán giả vì trong vô số NS mà khán giả lại chọn ta.
Một tác phẩm làm ra hạnh phúc nhất là có người chịu xem. Có người chịu xem đã quý, có người chịu thưởng thức càng quý hơn. Tìm được sự đồng cảm, tìm được bạn tri âm thật ra là điều sung sướng nhất, là mục tiêu lớn nhất của người làm nghệ thuật. Đổi lại, khán giả cũng nhờ NS để được giải trí, hay cao hơn là để được thỏa mãn đam mê và được nuôi dưỡng tâm hồn. Như vậy, ở đây là quan hệ NS - khán giả là quan hệ tri âm tri kỉ, khán giả và NS nuôi dưỡng tâm hồn lẫn nhau. Mối quan hệ cao quý này là vô giá!
Đừng bao giờ tự đại
NS được gọi là nổi tiếng là vì có nhiều khán giả ủng hộ. NS quan trọng tới đâu là dựa vào mức độ được khán giả ủng hộ. Bởi vậy, người NS nên tự đặt mình dưới khán giả, đừng bao giờ tự đại đứng trên khán giả. Người ta nói làm nghệ thuật là để "phục vụ cho đời", chớ không nói "làm ơn cho đời".
Các NS, soạn giả tiền bối hay nói "mang/biết ơn vì khán giả đã thương", "tôi viết ra bài đó thu đĩa may mắn được khán giả thương". Đấy không phải chỉ cảm ơn vì khán giả đã chịu bỏ tiền ra mua đĩa, mua vé, mà quan trọng hơn là cảm ơn khán giả đã thương, đã chia sẻ được cảm xúc của người NS. Và người xưa xem chuyện được khán giả thương là một điều ơn nghĩa. Ngoài chuyện ơn nghĩa, người xưa còn cho thấy một lối cư xử rất khiêm cung, có trước có sau, khán giả thưởng thức NS và NS mang ơn khán giả. NS khiêm cung, tự xem mình thấp mà tư cách lại được nâng cao, tự xem mình nhỏ mà giá trị lại trở nên lớn...
Gần đây, hồi ký NS Mỹ Châu đề tựa "Chút tạ tình tri âm". Ở đây sử dụng từ "chút", tức là tình khán giả lớn lắm trả sao cho hết, nên chỉ là một chút để tỏ lòng mà thôi. Đó là một sự khiêm cung tiếp bước của tiền nhân đáng quý. Những NS thâm niên, khi làm live show thì luôn trân trọng nhắc tới nhắc lui là "nhờ khán giả thương" nên mới được làm nghề, giữ tiếng lâu như vậy! Chưa từng thấy có live show nào (cả NS trẻ) mà không thấy NS xuất hiện trang trọng thể hiện lòng tri ân khán giả.
Có thể thấy, người đời trước không lạc hậu, họ đã thể hiện trình độ ứng xử rất trọng tình trọng nghĩa. Khán giả và NS nuôi dưỡng tâm hồn lẫn nhau nhưng khán giả nuôi NS về vật chất thông qua những tấm vé với tư cách là khách hàng. Với vai trò là người bán, NS cần khách hàng và khi có khách hàng chịu ủng hộ thì phải tri ân họ. Với tư cách là người làm nghệ thuật, NS cần người đồng cảm, người chịu thưởng thức và khi tìm được thì cũng phải biết ơn. Với tư cách khách hàng, khán giả là người bỏ tiền ra mua sản phẩm. Nhưng với nghệ thuật, khán giả không chỉ bỏ tiền mà quan trọng hơn là bỏ ra cả tình thương.
Và một điều cuối cùng, đừng xem quan hệ NS - khán giả đơn thuần là bán - mua, vì như thế là đang hạ thấp giá trị của mối quan hệ tri âm tri kỷ cao quý này, đang tầm thường hóa nghệ thuật...