Tết là thời khắc thiêng liêng khiến lòng người không nguôi nhớ về quê cha đất tổ, nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Là nghệ sĩ định cư tại Mỹ trước khi quay về Việt Nam tham gia hoạt động nghệ thuật và được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, danh hài Hoài Linh đã có những tâm sự về ngày Tết Nguyên đán.
"Ngày Tết thường là dịp những người con xa xứ trở về, để được đắm chìm trong hồn quê, để được thỏa lòng ngắm nhìn và cầm trong tay những thứ nơi trời Tây không bao giờ có. Hơn 20 năm ăn Tết xa quê, tôi hiểu bà con kiều bào mình ở Mỹ rất nỗ lực trong việc cố gắng giữ gìn nét văn hóa xưa của ông cha, họ vẫn giữ phong tục tổ chức cúng giao thừa, cúng cơm rước ông bà về cùng ăn Tết. Rồi họp mặt đầu năm vào ngày mùng 1 Tết, mừng tuổi cả nhà. Thời đó, tôi đi làm công nhân hãng xưởng, ngày Tết đầu tiên xa xứ vẫn phải đi làm ở một công ty đông lạnh, khiêng những gói hàng lạnh cóng từ kho ra giao cho khách. Tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy một gia đình người Việt chở trên xe cành mai vàng giả. Vì tháng Tết ta ở Mỹ thường rơi vào tháng 2, 3 của dương lịch, cho nên cành mai mang đều là hoa vải hoặc nhựa. Nhưng tôi đã đứng nhìn cành mai đó thật lâu, rồi lau nước mắt" – danh hài Hoài Linh kể.
NSƯT Hoài Linh cho biết những buổi sáng của ngày Tết, anh mở cánh cửa thò đầu nhìn ra đường xem có gì khác hơn, nhưng tất cả đều lạnh buốt một màu trắng, có khác chăng là mùi hương thơm từ nén nhang ba của anh cắm lên bàn Phật.
Ngày Tết ở gia đình NSƯT Hoài Linh thường vẫn ăn món cháo gạo đỏ với cá kho, dưa giá, thịt kho, bánh chưng, bánh tét.
"Vừa nhô đầu ra khỏi cửa ngày mùng 1 Tết năm đó, tôi đụng độ nụ cười của thằng em út Dương Triệu Vũ, năm nào nó cũng đòi tôi lì xì ngày mùng 1 Tết. Ngoài công việc làm hãng xưởng, ngày Tết tôi nhận ra chợ người Việt bán rau cải, khoai môn, ớt, mướp đắng... phụ những người chị thân quen trong xưởng. Không phải để tìm thêm thu nhập vì mấy ngày bán cũng chẳng được tiền lương bao nhiêu, nhưng ít ra cũng có bao lì xì nặng nặng cho các em tôi. Hơn nữa, tôi được sờ, nắn, nâng niu những thứ rau củ của quê nhà để cho đỡ nhớ cái Tết xa xứ. Một lần tôi mua hai bó môn, loại có nhiều cây môn tím gấp lại, buộc bằng lạt tre, tôi thấy đẹp, nhớ bát canh môn lá lốt của mẹ tôi, mang về làm dưa. Mấy anh em la tôi: "Làm dưa, Bốn lại bày việc nữa rồi, để thời gian mà đi chơi Tết, khu chợ Việt bán đầy". Nhưng tôi cứ làm, vì đó là không khí ngày Tết" – Hoài Linh kể trong xúc động.
Hương vị Tết quê nhà trong lòng anh cứ làm cho anh nôn nao được quay về. Hơn nữa, trong anh vẫn còn vang câu vè của cha mỗi khi gần Tết: "Hai mươi làm tốt, hai mốt xỏ tai, hăm hai đeo hoa, hăm ba đưa về (ngày ông Táo về Trời)" và trong anh cứ tưởng mình nghe tiếng của ba trong nhà ngay con hẻm nhỏ thân quen. Thời đó, cứ đến gần ngày đưa ông Táo, Hoài Linh được ba đưa tiền chạy ù ra chợ để mua một xấp giấy vàng bạc, năm xấp giấy áo quan và thêm món nữa...
Rồi anh hí hửng đem giấy vàng giấy bạc vào nhà, soạn ra, thấy giấy bạc in hình trự tiền mộc bản, giấy vàng in thỏi vàng, nền là giấy dó, áo quan giấy lụa mỏng, màu đẹp nhã nhặn phảng phất khói hương của những căn nhà xưa. Anh thích thú nhìn và nghĩ, hóa ra người cõi âm có khiếu thẩm mỹ hơn người dương gian.
Còn ở Mỹ, làm sao tìm lại được những cảm giác đó. Từ hôm hai mươi Tết, thiên hạ ở Mỹ ầm ĩ chuyện sắm Tết. Cũng có khu người Việt bán đủ loại bánh mứt, rồi có những sân khấu ca sĩ hát nhạc Xuân. Hoài Linh kể tiếp: "Tôi dạo mấy siêu thị chưng quà Tết ngợp trời, màu sắc náo nhiệt như tiếng trống khua loạn của các chương trình múa lân, nhưng phải nói những món hàng Tết lại in tiếng Hoa, vì phần lớn dân ta ở Mỹ ăn Tết chung với cộng đồng người Hoa, mà hàng hóa cũng thế, rất hiếm mặt hàng của Việt Nam xuất sang. Nhưng cái tôi cảm nhận Tết thiêng liêng nhất ở xứ Mỹ chính là chị em phụ nữ mặc áo dài truyền thống đúng nghĩa, hiếm lắm mới thấy áo dài có đính kim tuyến lóng lánh, xâu chuỗi đeo cổ cũng không quá dài ra, tôi đi mà như bơi giữa đám đông, lắm lúc chìm nghỉm vô phương trong những tà áo dài của phụ nữ Việt Nam giữ được hồn Xuân trên đất khách"- Hoài Linh nhớ lại.
Sau này, Hoài Linh đã đưa hình ảnh ăn Tết xa quê vào các tiểu phẩm hài, nhất là hình ảnh viết sớ Táo Quân cho buổi phát quà Tết tặng các em thiếu nhi.
"Tôi nhớ những năm xa quê, mỗi khi Tết về ở nơi tha phương, chúng tôi làm văn nghệ vui Xuân, trong đó không thể thiếu cái màn Táo Quân chầu trời "báo cáo" hay "mách lẻo" Ngọc Hoàng chuyện vui chuyện buồn thế gian. Sớ Táo Quân hay ở chỗ hóm hỉnh phê phán cái tham, sân, si của người trần cũng như thông cảm nỗi khổ của người thế gian. Về sau này, tôi đi theo nghề ca hát, vẫn thích diễn vai Táo, để được nhớ về thời gian xa quê nhưng vẫn giữ cốt cách, truyền thống của người xứ mình. Những cái Tết xa quê, ba mẹ tôi thường dạy để thấy lòng dịu hẳn, không còn bồn chồn, nỗi bồn chồn nôn nóng sắm Tết của quê nhà, thì hãy để những giấc mơ đó trong tâm tưởng, cố giữ vẹn truyền thống, tập tục của xứ mình, đừng nhấn chìm dù là miễn cưỡng những thứ vật chất phung phí, xa hoa. Những lời dạy ấy mang lại cho tôi giây phút tĩnh lặng nội tâm. Cho nên, tôi thấy mình bình an, chú tâm giữ cái Tết đúng cội nguồn và vì thế mà người Việt xa xứ bao năm qua vẫn giữ được cốt cách, truyền thống văn hóa của dân tộc" – danh hài khẳng định như thế qua câu chuyện của anh và gia đình mình.