Dù không còn xuất hiện trên sân khấu 40 năm qua nhưng cái tên Thanh Nga vẫn luôn có vị trí trân trọng trong lòng khán giả nhiều thế hệ. Bà trở thành biểu tượng đẹp của giới nghệ sĩ (NS) cải lương về tài, sắc, đức độ và để lại nhiều chuẩn mực ca diễn giá trị.
Tấm gương cho mọi chuẩn mực
Không phải ngẫu nhiên mà các NS hiền tài và thầy tuồng thập niên 1950-1960 lại chọn NS Thanh Nga để khai mở một giải thưởng danh giá nhằm phát hiện tài năng của sân khấu cải lương ở miền Nam thời hoàng kim. Đó là Giải Thanh Tâm do ký giả Trần Tấn Quốc sáng lập. Chính tài năng ca diễn của Thanh Nga đã khiến ông và các nhà chuyên môn thời đó nghĩ đến tiền đồ của sân khấu cải lương rất cần định hướng sự chuẩn mực. Người thật sự xuất sắc, cả giới sân khấu phải "tâm phục khẩu phục" khi nhận giải huy chương vàng triển vọng Thanh Tâm lúc đó (ra đời năm 1958) thì chỉ có duy nhất Thanh Nga.
Soạn giả Nguyễn Phương thừa nhận: "Bà bầu Thơ (mẹ NS Thanh Nga - PV) không chỉ đào tạo Thanh Nga trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho thương hiệu cải lương Thanh Minh - Thanh Nga mà còn kiến tạo nên một biểu tượng chuẩn mực của sân khấu cải lương, hội đủ tài, sắc vẹn toàn. Vì thế, khi tiếp xúc để đặt vấn đề hình thành giải thưởng, các NS đã phấn khởi đưa ra quy chế xét tặng. Yếu tố đạo đức nghề nghiệp, sự chuyên cần trong lao động nghệ thuật và cả uy tín, danh dự, cách đối nhân xử thế của NS trong đời sống cũng được đề cập. Chính sự rèn giũa của một đội ngũ những người thầy tài giỏi, có tinh thần cấp tiến thời đó đã uốn nắn Juliette Nguyễn Thị Nga thành một NS Thanh Nga tỏa sáng trong lòng biết bao đồng nghiệp cùng thời và hàng triệu khán giả, kể cả NS đàn em, đàn cháu nhiều thế hệ sau này".
Theo soạn giả Nguyễn Phương, chuẩn mực mà NS Thanh Nga để lại cho sân khấu cải lương chính là những kinh nghiệm trong ca diễn của bà. Sân khấu cải lương ở Sài Gòn thập niên 1960 - 1970 chia thành 2 khuynh hướng sáng tạo rõ nét: Một bên thiên về ca, một bên thiên về diễn xuất.
Nhánh NS trưởng thành, tạo tên tuổi từ nền móng giọng ca cực chuẩn thì phải kể đến 2 thương hiệu Kim Chưởng, Kim Chung. Chỉ cần NS có giọng ca, khán giả bỏ qua mọi sơ suất trong diễn xuất của họ. Nhánh còn lại kết hợp giữa diễn và ca, tuân thủ đúng chuẩn mực "thật và đẹp" do NSND Năm Châu khơi dòng thì phải kể đến Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu…
"NS Thanh Nga là người tạo được sức lan tỏa cả trong phong cách ca lẫn diễn, đạt đỉnh cao của mọi chuẩn mực. Nhà tổ chức (bầu gánh), NS, khán giả và giới truyền thông đều hướng về một Thanh Nga quyền năng, có thể làm thay đổi mọi nhận định trước đó về nghệ thuật ca diễn" - soạn giả Nguyễn Phương khẳng định.
Chưa ai đủ sức thay thế
Được đặt lên đỉnh vinh quang quá sớm, Thanh Nga ý thức được mình là tâm điểm chú ý, soi rọi của công luận nên rất chịu khó tập tuồng. Nhận kịch bản là Thanh Nga đọc ngấu nghiến, chỗ nào không hiểu thì đánh dấu rồi tìm má bảy Phùng Há, thầy Năm Châu, Viễn Châu để hỏi.
"Thanh Nga may mắn có thêm thầy tuồng Lư Hòa Nghĩa (là cha dượng) góp phần định hình những bước đi đầu tiên của cô. Ông thương yêu bà bầu Thơ nên cũng dành hết tình thương cho con gái của vợ mình. Thanh Nga không thích ngắm mình từ những lời khen có cánh của giới truyền thông thời đó. Cô chỉ thích nghe những lời phê bình, phân tích cái chưa thật hay để học hỏi. Đây là yếu tố quan trọng hình thành nếp nghĩ, nếp làm của một ngôi sao cải lương" - nhà báo lão thành Huỳnh Công Minh nhớ lại.
Sân khấu cải lương 40 năm qua kể từ khi NS Thanh Nga qua đời vẫn chưa có ai đủ sức thay thế bà. Các nhà chuyên môn lý giải 3 yếu tố: sắc vóc nổi bật, giọng ca chân phương và nội tâm sâu lắng đã làm nên một Thanh Nga khó thay thế.
"Quyện chặt 3 yếu tố này vào cách hóa thân vai diễn của chị thì khó có ai bì kịp. Với gương mặt sáng đẹp, ánh mắt thoáng buồn, câu vọng cổ xuống hò nhẹ nhàng, mộc mạc, Thanh Nga đã khiến khán giả rơi lệ trong những thân phận phụ nữ truân chuyên, chịu nhiều nghịch cảnh như: Trinh ("Con gái chị Hằng"), Loan ("Đoạn tuyệt"), Diệp Thúy ("Đôi mắt người xưa"), Quỳnh Nga ("Bên cầu dệt lụa"), Xuân Tự ("Áo cưới trước cổng chùa"), sơn nữ Phà Ca ("Người vợ không bao giờ cưới"), Hương ("Nửa đời hương phấn")…" - NSƯT Hùng Minh, thành viên còn lại của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, tỏ lòng ngưỡng mộ.
Ngoài những vai diễn kể trên, NS Thanh Nga còn nhiều vai diễn đặc sắc khác: Nga ("Bông hồng cài áo"), Vân ("Bóng tối và ánh sáng"), Mía ("Bọt biển"), Dương Thái Chân ("Chuyện tình An Lộc Sơn"), Kim Anh ("Đời cô Lựu"), Hoa Mộc Lan (vở cùng tên), Điêu Thuyền ("Phụng Nghi Đình"), Lượm ("Sông dài"), Xuyên Lan ("Tiếng hạc trong trăng"), Trưng Trắc ("Tiếng trống Mê Linh"), Thanh ("Tấm lòng của biển")…
Sống mực thước, đôi lúc trái tim rung động trước những mối tình sân khấu đã khiến NS Thanh Nga phải nhập tâm. Thế nhưng, không để điều đó ảnh hưởng, tác động đến nghệ thuật, bà biết cách dừng lại, để rồi những cuộc tình từ sàn diễn trở thành huyền thoại trong lòng khán giả.
Thần tượng của các thần tượng
Hiện diện trong thời hoàng kim của sân khấu cải lương, những cống hiến của NS Thanh Nga qua từng vai diễn đã thật sự là điểm son, góp phần điểm tô cho bức tranh sân khấu sinh động. Ở đó phải kể đến những cống hiến đầy sáng tạo khiến các vai diễn của bà in đậm trong tâm trí khán giả mộ điệu, trở thành khuôn mẫu cho thế hệ diễn viên trẻ noi theo.
NS Bạch Tuyết cho biết mình từng là khán giả hâm mộ NS Thanh Nga, nhiều lần lẻn vào hậu trường sân khấu để xin ảnh bà. NS Ngọc Giàu luôn kể về những ngày còn bé xíu đã thích nhìn ngắm NS Thanh Nga qua những cuốn in bài ca vọng cổ có hình thần tượng của mình trên bìa.
"Chị Thanh Nga xuất hiện trên sân khấu sáng rực và có sức hút như một thỏi nam châm. Mấy ai biết thú vui của chị ở đời thường là gì. Một cô gái đội chiếc nón lá, chiều chiều tản bộ ra đầu ngõ, ngồi bên cạnh chị bán chuối chiên, phụ chiên từng quả chuối bọc bột vàng ươm, khách đến mua thì gói lá chuối đưa cho khách. Có khán giả phát hiện Thanh Nga "đi bán chuối chiên", chị cười, còn chị bán chuối mừng rơi nước mắt. Chị sống giản dị, chân thành nên khán giả và đồng nghiệp đều thương mến. Tôi sát cánh bên NS Thanh Nga từ nhỏ nên hiểu tính nết của chị. Chị hay nhõng nhẽo với mẹ nhưng khi làm việc thì hết lòng" - NS Ngọc Giàu xúc động.
Trong bất cứ hậu trường sân khấu nào của các đoàn - từ cải lương đến kịch nói, di ảnh NS Thanh Nga vẫn được đặt trang trọng bên dưới bàn thờ Tổ. Trước khi ra sân khấu, các NS là thế hệ con cháu của NS Thanh Nga vẫn cung kính thắp hương nguyện cầu bà soi rọi, cho họ được tỏa sáng. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không theo nghiệp sân khấu nhưng thần tượng nghệ thuật mà anh tôn thờ chính là NS Thanh Nga. Anh đã lập bàn thờ bà trang trọng trong nhà mình.
Cuộc sống, sự nghiệp và cả sự ra đi của NS Thanh Nga là chất liệu sống động cho biết bao áng văn, áng thơ và kịch bản từ sàn diễn, truyền hình cho đến điện ảnh. Bà thật sự là một ngôi sao bất tử, sáng mãi trong lòng khán giả mộ điệu.