. Phóng viên: Viết, rồi nghỉ khá lâu, lại viết và cuối cùng đoạt giải thưởng. Khoảng thời gian giữa hai lần viết ấy, chị dành để làm gì?
- Nhà văn Thùy Linh: Sống như mọi người. Lúc đấy trong tôi cái ham muốn viết không có. Tôi không thích bị ràng buộc, thích tùy hứng muốn làm gì thì làm. Viết lách với tôi không phải là gánh nặng, lúc nào cảm thấy không bị thôi thúc thì đừng viết.
. Chị viết có vẻ rất khó khăn, thời gian trung bình để độc giả chờ đợi một truyện ngắn của chị là bao lâu?
- Tôi rất khó tính khi viết, và cũng không đo đếm thời gian viết bao giờ. Không biết người khác thế nào, nhưng với tôi thì sau một thời gian chạy theo một mạch truyện nào đó, tôi thấy mình bị cũ đi, bị cạn nguồn. Không gì cũ hơn những người cầm bút, vì có những gì muốn viết, người ta đã rút ruột hết cả ra rồi. Tôi cần một khoảng thời gian để làm mới mình, khi nào thấy có gì mới, có hứng thì lại ngồi vào bàn viết. Nói chung tôi là người “lông bông” và thích chờ đợi mọi thứ đến với mình hơn là tự đặt ra những mục tiêu.
. Kể cả chờ đợi giải thưởng đến với Gió mưa gửi lại?
- Điều này thì không. Ngay cả trở thành một người viết văn với tôi cũng là một bất ngờ. Năm 1983, tôi đi làm báo, tự nhiên một ngày trời xui đất khiến thế nào, tôi ngồi vào bàn và viết một mạch Mặt trời bé con của tôi. Truyện ngắn đầu tay này gần như không phải sửa chữ nào, sau đó được ông Mai Chi gửi đến Báo Văn nghệ.
Cũng như Mặt trời bé con..., tôi không hề có ý định đem Gió mưa gửi lại dự thi. Một ngày gặp Trung Trung Đỉnh uống rượu say, ông ấy nói dạo này thiếu truyện quá, không biết lấy gì đem về nộp cho ông Thụy (Khuất Quang Thụy). Tôi bảo ông cầm truyện này về đọc xem có ra gì không. Đúng lúc ấy Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát động cuộc thi truyện ngắn, ông Đỉnh gửi và... đoạt giải.
. Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thanh Hà... và bây giờ là chị, gần như tất cả những giải thưởng cao nhất trong các cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đều lọt vào tay các cây bút nữ. Chị lý giải thế nào về sự trùng hợp này?
- Các cây bút của Tạp chí Văn nghệ Quân đội hầu hết đều là đàn ông. Tôi nghĩ đó cũng là một cách cân bằng âm dương.
. Gần 20 năm cầm bút, điều chị tâm đắc nhất ở nghề viết là gì?
- Sự trung thực với chính mình. Tôi căm ghét thói đạo đức giả.
. Gấp lại truyện của chị, người ta cứ cảm giác đâu đây một nỗi buồn man mác. Lạc quan không phải là phong cách của chị?
- Con người ta ích kỷ lắm. Khi vui thì hưởng trọn vẹn, lúc buồn mới giãi bày, mới cần chia sẻ mọi thứ. Và tôi muốn chia sẻ với mọi người.
. Duyên nợ nào đã đưa chị đến với công việc biên kịch ở Hãng phim Truyền hình VN?
- Tôi quen anh Khải Hưng khá lâu. Anh Hưng là người đã chuyển Mặt trời bé con của tôi lên màn ảnh hồi những năm tám mươi. Khi học ở Nga về năm 1995, tôi gặp lại anh Hưng. Lúc đó “Văn nghệ Chủ nhật” mới hoạt động được gần một năm, anh Hưng bảo bây giờ hãng đang thiếu người lắm. Em về đi. Và thế là tôi đến hãng.
. Viết văn cũng rất gần với công việc của một biên kịch, nhưng nhà văn không đồng nghĩa với nhà biên kịch. Theo chị, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai công việc này là gì?
- Với vai trò của một biên kịch, người viết không đảm bảo được sự thành công của mình. Vì biên kịch chỉ là một khâu trong quá trình hoàn thành bộ phim. Còn đối với nhà văn, tác phẩm văn học hoàn toàn là đứa con tinh thần. Và vì thế, viết văn là công việc tôi yêu thích, còn biên kịch là một sự thách đố.
. Với truyền hình, chị có niềm say mê?
- Ở hãng phim, tôi cảm nhận một cách đầy đủ công việc mình làm. Tôi yêu một số công việc nhất định của mình, nhưng sự quá tải nhiều khi gây cho tôi mệt mỏi và ức chế. Tôi phải làm việc liên tục, liên tục, liên tục mà không có những khoảng lặng cho riêng mình.
. Chị có ước lượng mình trong vòng 8 năm ấy, đã biên tập và biên kịch bao nhiêu phim?
- Tôi rất ít khi tính, đếm những việc mình làm. Nhưng chắc chắn nó là một khối lượng công việc lớn, khoảng vài trăm phim.
. Chị là người trong cuộc, chị có thể giải thích vì sao phim truyền hình thường bị người ta kêu không hay?
- Có nhiều lý do. Nhưng theo tôi, rõ rệt nhất là chúng ta có quá ít tài năng và môi trường nghệ thuật không được cao lắm. Những ai trong nghề chắc rõ điều này. Tôi là một biên kịch, tôi chỉ có thể cố gắng đảm nhận tốt nhất phần công việc của tôi, còn các khâu khác thì tôi không thể chủ động được.
. Nhiều người thích chuyển tác phẩm văn học của mình lên màn ảnh như một cách tự lăng-xê, còn chị thì sao?
- Tôi chưa có ý định đó. Cũng có người đề nghị nhưng tôi thấy chưa cần thiết. Vả lại, tuy truyện của tôi gần với điện ảnh nhưng lại rất khó làm và không hợp gu của số đông.