Với vật nuôi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh biện pháp rửa tay và cảnh báo thêm vật nuôi trong nhà còn có nguy cơ đem đến cho con người các vi khuẩn phổ biến và nguy hiểm khác như E.coli hay Salmonella...
Quan tâm hàng đầu: Dại, ký sinh trùng
Vừa qua, một chú chó cưng ở Hồng Kông đã có kết quả "dương tính yếu" với loại virus corona mới SARS-CoV-2 gây Covid-19, trong khi chủ của nó cũng là một bệnh nhân Covid-19. WHO cũng xác nhận điều này nhưng cho biết chưa có bằng chứng cho thấy chú chó lây từ chủ hay ngược lại.
Theo các chuyên gia, đây không phải điều nên hoang mang. Cho dù không có bệnh này, những người yêu chó, mèo vẫn được khuyên luôn vệ sinh tay ngay sau khi chăm sóc thú cưng và tránh tiếp xúc chó, mèo lạ. Bởi lẽ, những căn bệnh đã được chứng minh như dại hay bệnh do ký sinh trùng chó mèo mới là điều cần quan tâm hàng đầu.
Theo PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, một trong những thứ rất cần chú ý là ấu trùng giun đũa chó (Toxocara canis), mèo (Toxocara cati). Dân gian đôi khi gọi chung là "sán chó" nhưng đó không phải là sán dải chó hay gặp ở những con chó chăn cừu ở các quốc gia hay nuôi cừu mà chính là các ấu trùng nói trên, vốn hay gặp ở nước ta và các vùng nhiệt đới khác.
Giun đũa chó, mèo sống trong ruột non của chúng. Trứng giun đũa theo phân ra ngoài và thường dính lên lông các động vật này. Nếu con người bế, vuốt ve chó, mèo mà không rửa tay, lại dùng bàn tay đó bốc thức ăn... thì trứng giun sẽ đi vào đường tiêu hóa. Ở ruột non của con người, trứng giun này sẽ nở thành phôi, đi xuyên vào thành ruột rồi vào máu, từ đó có thể đi theo hệ tuần hoàn gây nên hội chứng ấu trùng lạc chủ, di chuyển nội tạng, chẳng hạn như di chuyển vào mắt, gan, não, cơ tim…
Tùy vào cơ quan mà Toxocara tấn công, người bệnh sẽ bị đủ thứ triệu chứng, từ rối loạn tiêu hóa liên miên ở thể đường tiêu hóa, cho đến giảm thị lực, mù (thể ở mắt) hay u não, động kinh… (thể ở não).
Mối nguy khác là bệnh dại, vốn gia tăng khi thời tiết nóng. "Không chỉ chó mà cần chú ý cả mèo, vì mèo cũng là vật nuôi có thể mang bệnh dại. Bị chó, mèo cắn hay cào đều phải đến ngay bệnh viện để được kiểm tra. Việc chích ngừa dại càng sớm càng hiệu quả, không nên cố gắng chờ xem con vật đó có phát bệnh hay không, vì nhiều khi con vật đó lên cơn dại thì người bị cắn đã không còn cứu chữa kịp. Vì vậy đừng chần chừ việc đi khám và chích vắc-xin sớm" - PGS Trần Phủ Mạnh Siêu nhấn mạnh.
Tắm rửa thú nuôi thường xuyên
Giới y khoa cho biết chưa có bằng chứng cho thấy vật nuôi có thể mang virus corona mới và có thể truyền virus này sang người, dù vậy các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo người dân nên cẩn thận khi chăm sóc vật nuôi.
"Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nên tránh tiếp xúc với động vật lạ, bao gồm cả thú nuôi. Nếu nhà bạn có nuôi chó, mèo thì chú ý không nên hôn hít con vật và nên rửa tay sạch sẽ bằng nước và xà phòng sau khi chạm vào vật nuôi. Có thể đeo khẩu trang khi tiếp xúc với chúng. Thú nuôi cũng cần được tắm rửa, vệ sinh chỗ ở thường xuyên và chích ngừa đầy đủ" - BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), khuyến cáo.
BS Nguyễn Minh Tiến giải thích việc virus corona mới được tìm thấy ở động vật không phải điều gì đáng ngạc nhiên. Coronavirus là một "dòng họ" rất lớn, chia thành 4 nhóm chính: nhóm alpha và beta gặp ở người, nhóm gamma và delta gặp ở động vật. Nhóm alpha gồm các virus corona gây bệnh nhẹ, thông thường như cảm vặt. Nhóm beta nguy hiểm hơn, có thể kể đến SARS, MERS hay virus corona mới.
Trong các hướng dẫn cho người đi chợ và người bán hàng trong "các khu chợ ẩm ướt ở Trung Quốc và Đông Nam Á", WHO cũng nhấn mạnh cần cẩn trọng khi tiếp xúc với thịt và các sản phẩm động vật được bày bán, không đưa tay lên mắt/mũi/miệng trước khi có thể vệ sinh tay sạch sẽ bằng nước và xà phòng. Lúc nấu ăn phải dùng dao và thớt riêng cho thịt sống. Ngoài ra, cần tránh chó, mèo hoang lang thang trong chợ.