Họ không phải là phép cộng của năm nàng thủ đô, cũng không phải là cái mốt “sính Tây” nhái theo nhóm “Spice Girls”. Họ là một “ngũ hành tương sinh” với năm tính cách âm nhạc đã tới độ cần phải gộp lại thành khuôn nhạc ghi riêng những âm thanh của mình. Đầu tiên, họ tạm chọn tên nhóm là “Lãng Du”. Nhưng trong một gặp gỡ tình cờ với nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, chàng nghệ sĩ tài hoa đã không ngần ngại tặng ngay cho nhóm cái tên thật bất ngờ là... “5 Dòng Kẻ”.
Những cô gái tài sắc.- Dòng kẻ thứ nhất thật ngẫu nhiên có cái tên là Giáng Son – tức là một nốt nhạc không phải nốt Son thường nằm ở dòng kẻ thứ hai mà là... Son giáng hay Son bê-mon (chứ không phải Pha thăng hay Pha đi-e dẫu có cùng một cao độ). Không hiểu sao khi sinh hạ cô con gái út năm 1975 khởi sự thanh bình, nhà nghiên cứu âm nhạc tài danh Hoàng Kiều lại chọn cái tên của một nốt nhạc bất thường này để bắt đầu cho cuộc đời một ái nữ được ru lớn trong không gian tràn ngập âm thanh những làn điệu chèo. Giáng Son đã lớn lên như thế, đã bắt đầu cuộc đời âm nhạc của mình như thế, để rồi bước vào Nhạc viện Hà Nội với những bài học đầu tiên trên phím đàn dương cầm và sau đó là việc tu nghiệp tại khoa lý – sáng – chỉ ở bộ môn sáng tác với ca khúc đầu tiên mang tên Mưa viết từ năm 16 tuổi: Hạt rơi hay là nước mắt rơi - Đi trong mưa nhặt lá rơi... Dưới sự hướng dẫn tận tình của bậc thầy Đàm Linh. Giáng Son đã tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội với giao hưởng Đồng Xa viết về chính khu tập thể Đồng Xa mà gia đình cô đang cư túc. Bản giao hưởng sau đó đã được nhà soạn nhạc tài danh Nguyễn Thiên Đạo giúp đỡ chỉnh lý khá hiệu quả và cũng đang chờ dịp được vang lên trở lại sau lần vang lên ở buổi báo cáo tốt nghiệp. Tuy được nhận xét là có năng khiếu viết nhạc không lời, Giáng Son vẫn thích viết những ca khúc nhạc nhẹ. Những ca khúc đầu thanh xuân của Giáng Son đã bừng lên trong chương trình của ban nhạc sinh viên Nhạc viện đầu tiên mang tên Độc Đáo (Exotica). Hàng loạt các tác phẩm của Giáng Son như Sóng, Anh, Nến trắng... đã đưa Giáng Son lên tầm cỡ của một nữ nhạc sĩ trẻ rất hiếm hoi ở Việt Nam cũng như bạn học Kim Ngọc. Họ xứng đáng năm trong top ten nữ nhạc sĩ Việt Nam hàng đầu từ thời xuất hiện tân nhạc đến nay. Chính nhờ giải thưởng dành cho ban nhạc Độc Đáo thời sinh viên, Giáng Son đã có ý định cùng với Lan Hương – cô bạn gái ca sĩ đã góp nhiều ý kiến trong phần lời ca Giáng Son – lập ra một ban nhạc nữ gồm những người sinh ra trong thanh bình để thể hiện những ca khúc do chính mình viết ra. Bởi vậy, Lan Hương thành dòng kẻ thứ hai – dòng kẻ nắm chìa khóa âm thanh của ban nhạc.
Tôi nghe Lan Hương hát lần đầu tiên trong một chương trình “Câu lạc bộ Bạn yêu nhạc” thấy là lạ, thấy khác Lan Hương “nhà đài” xinh đẹp là trẻ hơn, trong hơn và rực cháy hơn. Khi ấy, tôi đâu ngờ cô ca sĩ mảnh mai này lại trở thành dòng kẻ thứ hai trong một ban nhạc nữ đầy nội lực và cá tính như “5 Dòng Kẻ”. Lan Hương vốn là cử nhân Đại học Ngoại thương nhưng lại thích hát và làm báo. Lan Hương hát Giáng Son như hát chính lòng mình lên vậy. Vừa hát, Lan Hương vừa là phóng viên cho các tạp chí. Vài năm trước là Đẹp còn bây giờ là cây bút “phê bình âm nhạc xịn” của Tạp chí Truyền hình, đầy uy tín của tổng biên tập Ngọc Đản. Lan Hương đã từng thể hiện Trương Chi của Phó Đức Phương tới mức liêu trai làm mê lịm bao gã từng vỗ ngực “tỉnh táo”, và làm cho tác giả của nó không thể tìm được người thay thế nổi. Cùng đồng niên với Giáng Son, Lan Hương đã ghi đậm dấu ấn của dòng kẻ thứ hai.
Dòng kẻ thứ ba sinh năm 1979 mang tên Bảo Lan, đã tốt nghiệp bộ môn đàn bầu hệ đại học tại Nhạc viện Hà Nội. Trước khi nhập vào “5 Dòng Kẻ”, Bảo Lan đã từng đoạt giải là tác giả ít tuổi nhất trong cuộc thi sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi vài năm trước với bài Mẹ. Rồi Bảo Lan đoạt huy chương vàng trong cuộc thi biểu diễn nhạc khí dân tộc toàn quốc với một sáng tác của mình sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ mang tên Ngưng đọng. Với trình độ kỹ thuật điêu luyện và khả năng nhạy cảm nắm bắt hồn tác phẩm, Bảo Lan đã được nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo chọn để thể hiện những phần viết cho đàn bầu trong tác phẩm nhạc múa Sóng nhạc Trương Chi và nhà soạn nhạc đã tỏ ra mãn nguyện vì đã chọn không nhầm người thể hiện. Say mê đàn bầu song Bảo Lan vừa thích chơi dương cầm vừa thích hát nhạc nhẹ. Cô đã nhập vào dòng kẻ thứ ba trong nhóm “5 Dòng Kẻ” sau sự ra đi khỏi nhóm của Thành Hà, rồi đến Lưu Thiên Hương vào mùa xuân năm 2000. Ngay sau đó, cô gái có gương mặt đẹp như Đức Mẹ này đã viết ca khúc Lời ru – một ca khúc vừa mang chất trẻ trung song vẫn phảng phất hồn dân tộc với những thi ảnh hồn hậu: Chụm đầu những khóm tre – Nhạc đưa tháng năm tre già nua – Rải đầy lá úa rơi – Từng đất khẳng khiu...
Vẫn chung thủy với “5 Dòng Kẻ” dù Linh Nga, Hồng Ngọc (trùng tên với Hồng Ngọc bây giờ), Phương Huyền, Phương Liên, Thái Thùy Linh... lần lượt ra đi với những lý do khác nhau, Bảo Lan càng ngày càng không thể rời xa nhóm thân yêu của mình. Gắng rút ra từ Giáng Son những kinh nghiệm trong sáng tác, nhận biết từ Lan Hương những thể hiện bừng thức ở những “điểm vàng” của ca khúc trẻ, Bảo Lan đã tự vượt lên khi viết “ú tim qua điện thoại” (phổ bài thơ Điện thoại di động của người viết bài này) khiến cả nhóm hát rất say sưa, bởi ở đấy, đã có bóng dáng một Bảo Lan mới mẻ không lẫn vào ai trong cách tư duy giai điệu và tiết tấu. Sau đó, Bảo Lan lại đưa ra Trong giông mưa chiều với nét giai điệu phảng phất dân ca Ấn Độ và Indonesia. Ta bắt gặp một cảm xúc tình yêu mới rợi của thế hệ trẻ hôm nay: “Bụi đường xoay lốc cuốn gió bay – xào xạc lá rắc đầy – trời xao xác áng mây – từng vạt nước rơi về đây – Từng đường phố vắng dưới mưa – những người lánh góc chờ...”. Cũng như Giáng Son, Bảo Lan sẽ trở thành một tác giả ca khúc thứ hai của nhóm. “5 Dòng Kẻ” sẽ độc quyền những ca khúc này. Họ khác những nhóm hát nữ khác chỉ thể hiện, không có hoặc hiếm hoi mới có một sáng tác như Ngày xưa ơi của Phương Dung ở nhóm Tik Tik Tak.
Dòng kẻ thứ tư là Hồng Ngọc (không phải Hồng Ngọc “Mắt nai cha cha cha” ẩn chứa duyên thầm như sóng lúc dịu dàng, lúc đột ngột trào dâng. Hồng Ngọc tốt nghiệp thanh nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, rất có “gu” hát bè gây ấn tượng mạnh kiểu Minh Ánh, nhưng bạo hơn, đời hơn. Hồng Ngọc cùng Giáng Son và Lan Hương là đồng trang lứa.
Dòng kẻ thứ năm là Thùy Linh (trùng tên Thái Thùy Linh) nhưng sinh năm 1979 như Bảo Lan. Thùy Linh có năng khiếu ca hát từ phổ thông. Vừa tốt nghiệp thanh nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, Thùy Linh nhập ngay vào “5 Dòng Kẻ” thế chỗ Thái Thùy Linh muốn tách riêng để trở thành diva. Thùy Linh tinh nghịch và hóm hỉnh với điệu bộ “phớt Ăng Lê”. Thùy Linh vừa hát vừa cùng nhóm “chế” ra những cách chuyển đội hình, múa phụ họa cho phù hợp với tác phẩm.
Đi lên bằng nội lực.- Hành trình của “5 Dòng Kẻ” là một hành trình tự lực, kiên trì, không cần “lobby”, vươn lên bằng chính khả năng của mình. Mùa thu năm 2002, nhờ sự ủng hộ thành tâm của “Magic Moo Club Ha Noi” ở đường Thái Thịnh, “5 Dòng Kẻ” đã có một đêm nhạc độc diễn thành công dưới cái tên biến dịch “DK5 BAND” để dễ thu hút giới trẻ bằng sự tân kỳ. Sau chương trình độc diễn ấy, “5 Dòng Kẻ” quyết định hành phương Nam để thể nghiệm mình. Những khán giả mến mộ âm nhạc của thành phố phương Nam đầy nắng gió năng động và phóng khoáng đã tiếp sức cho “5 Dòng Kẻ” được thể hiện mình trên một không gian âm nhạc dày đặc và đa chiều. Chính ở TPHCM, “5 Dòng Kẻ” đã ra được CD đầu tiên của mình mang tên Em. Tôi đã rưng rưng cảm động khi chứng kiến CD Em được bày bán khá chạy ở Trung tâm Thương mại ASG của cộng đồng người Việt Nam tại Warsawa - Ba Lan. Sự nỗ lực của năm cô gái Hà Nội đã được đền đáp.
Càng tu luyện, “5 Dòng Kẻ” càng chín. Trong chương trình Nhật thực 2 với những ca khúc răng cưa của Ngọc Đại diễn ra hồi cuối tháng 5-2004, “5 Dòng Kẻ” đã thực sự là trụ cột của chương trình, đã làm ra những âm thanh độc đáo trong tác phẩm Giọng nói đàn bà của Ngọc Đại phổ thơ Apollinaire (do Hoàng Hưng dịch từ tiếng Pháp). Nhật thực 2 lại được hoàn chỉnh hơn và tái diễn tại Cung Văn hóa Lao động Việt – Tiệp Hải Phòng vào tối qua, 22-10. Lần tái diễn này, “5 Dòng Kẻ” lại xuất hiện cùng Thanh Lam, Tùng Dương và Lê Minh Sơn. Rất tin những nghệ sĩ này lại mở tiếp cánh cửa vào thế kỷ mới cho thứ “âm nhạc số hóa” (digital) của Ngọc Đại.