Gần 60 trường công bố phương án tuyển sinh năm 2023, trong đó 9 ĐH, trường ĐH quyết định tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào.
Nhiều trường tổ chức thi đánh giá
Giữa tháng 1-2023, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM thông báo năm nay trường tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Đây là 1 trong 3 đơn vị tại TP HCM tổ chức thi đánh giá năng lực cùng với ĐHQG TP HCM và Trường ĐH Sư phạm TP HCM.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với các môn toán, vật lý, hóa học, tiếng Anh, lịch sử, địa lý. Đây là phương thức xét tuyển độc lập nên thí sinh sẽ chọn thi tối thiểu 3 môn phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành muốn học.
Với việc tổ chức thi đánh giá năng lực, trường muốn đánh giá sát hơn trong việc tiếp nhận các nội dung trong chương trình THPT. Để đi đến quyết định tổ chức thi, trường đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ hạ tầng công nghệ, công tác đề thi, bảo mật… Với kỳ thi này, thí sinh thi trên máy cho ra kết quả ngay và có thể thi nhiều lần.
Năm ngoái, Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng lần đầu tiên tổ chức thi đánh giá năng lực. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, thực hiện tự chủ trong công tác tuyển sinh theo Luật Giáo dục ĐH 2019, Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt cho các thí sinh thông qua 6 bài thi (toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, tiếng Anh) để đăng ký xét tuyển vào các ngành học có áp dụng phương thức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển dựa trên đề án tuyển sinh của trường. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này đã được nhiều trường khối sư phạm sử dụng để xét tuyển.
Lựa chọn kỳ thi phù hợp
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục ĐH quy định các trường ĐH được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Các trường căn cứ vào quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng quy chế và đề án tuyển sinh.
Năm 2023, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, các trường cũng đẩy mạnh tổ chức, tăng chỉ tiêu cho phương thức mới, trong đó phải kể đến các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.
Hiện, một số trường tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, ngoài việc lấy kết quả xét tuyển của cơ sở đào tạo còn được các trường khác sử dụng để làm căn cứ xét tuyển.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH khuyến khích thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi riêng nhằm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý thí sinh, mục đích và yêu cầu của các kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi, cách thức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau. Vì thế, thí sinh cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh của các trường và cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với bản thân.
TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - bày tỏ sự lo lắng khi ngày càng nhiều trường ĐH tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển. Chuyên gia này cho rằng việc nhiều trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trong khi thí sinh vẫn phải dành thời gian cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nên dễ dẫn đến gánh nặng thi cử.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không dễ dàng bởi để kỳ thi đạt chất lượng, đánh giá chính xác năng lực người học đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi về khảo thí. Điều này có thể là khó khăn với nhiều trường. Một chuyên gia tuyển sinh cũng cho rằng kiểm soát chất lượng các kỳ thi này cũng là vấn đề quan trọng.
"Thực tế, rất khó để quản lý bởi chất lượng kỳ thi giữa các trường có sự khác nhau. Đó là chưa nói đến việc từng trường tự tổ chức, việc gian lận có thể xảy ra" - ông Khuyến cảnh báo.
Chuyên gia này cũng nhận định rằng việc ngày càng nhiều trường tự tổ chức các kỳ thi riêng sẽ gây lãng phí, tốn kém, trong khi tâm lý của thí sinh cũng có thể bị ảnh hưởng do muốn "ôm đồm" nhiều kỳ thi để tăng cơ hội trúng tuyển.