Nhà văn trẻ đã khẳng định mình
Đánh giá về Cánh đồng bất tận, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn 2006, cho rằng đây là tác phẩm có sức lay động mạnh, đã chạm đến nhiều tâm hồn và nhận được sự đồng vọng. Ý nghĩa của tác phẩm đã vượt ra khỏi một vùng miền cụ thể nhờ ở tính nhân văn, thậm chí nó đã mở rộng ảnh hưởng trong đông đảo độc giả khắp đất nước.
Tác phẩm đã thực sự trở thành một hiện tượng văn học (trong số những hiện tượng văn học của năm 2005) với số lượng phát hành hàng vạn bản. Mặc dù gây ra tranh luận trái chiều về phương pháp tiếp nhận và xử lý hiện thực, về nguyên mẫu và hình tượng nghệ thuật... Cánh đồng bất tận vẫn là tác phẩm nổi bật trong số những hiện tượng văn học trong năm 2005 và nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên Hội đồng chung khảo.
Theo nhận xét của Hội đồng chung khảo thì đây là cái kết có hậu nhằm động viên người viết tiếp tục mạnh dạn dấn thân trên “cánh đồng” văn chương, dù còn nhiều nhọc nhằn chữ nghĩa và nhọc nhằn trải nghiệm ở phía trước. Các thành viên Hội đồng chung khảo cũng nhất trí cao khi bỏ phiếu trao giải thưởng chính thức cho tập thơ Thương lượng với thời gian của nhà thơ Hữu Thỉnh với những tìm tòi của nhà thơ trong tác phẩm này.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân cũng đánh giá cao sự thể nghiệm tìm tòi những hình thức mới trong tập thơ Lô lô của Ly Hoàng Ly. Tuy có phần thiên về hình thức, nhưng theo đánh giá của nhà văn Nguyễn Trí Huân, tác giả đã có dụng công, sắp đặt không theo lối thông thường.
Từ giữa những câu chữ xếp đặt, người đọc có cơ hội để hiểu thêm về tâm tư tình cảm của một thế hệ, những đam mê, những trăn trở, thậm chí là hoang mang của họ. Sự cảm nhận này sẽ dẫn đến chia sẻ và cảm thông. Tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 của tác giả Thuận cũng là lối viết mở hiện nay đang được ưa chuộng, pha trộn lối kể lối cảm phương Đông và lối đặt vấn đề đi sâu xuyên suốt của phong cách phương Tây.
Vẫn theo nhà văn Nguyễn Trí Huân, cuốn tiểu thuyết “được gợi hứng từ trận nóng năm 2003 mà điểm đỉnh là ngày 11 tháng 8, đã giết chết gần mười lăm ngàn người Pháp”, “vì vậy là niềm hổ thẹn sâu kín của một xã hội hậu-tư-bản viên mãn”. Hội đồng chung khảo thảo luận khá kỹ về cuốn sách này và hầu hết đều ủng hộ nhiệt thành một giọng điệu khác lạ.
Giá trị truyền thống vẫn được chú ý
Gây được sự chú ý của độc giả bởi tính bạo liệt và sự trung thực của lối viết, tiểu thuyết Gia đình bé mọn của nhà văn Dạ Ngân cũng được đánh giá cao ở giải thưởng lần này. Nói như nhận xét của nhà văn Hồ Anh Thái, Trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn VN, ủy viên Hội đồng chung khảo, Gia đình bé mọn đã khiến người đọc rung động bởi tính chân thực, được sống lại những năm tháng bao cấp vừa đẹp vừa buồn của một đất nước ngổn ngang chiến tranh thương tích, của một gia đình như bao gia đình bé mọn khác. Cuốn tiểu thuyết được xây dựng dựa vào biến cố đời riêng của nhân vật nữ, theo mạch biến cố lịch sử. Con người được khắc họa trong đó đã vượt qua số phận mình một cách quyết liệt.
Trong khi đó, tiểu thuyết Thượng Đức của Nguyễn Bảo Trường Giang là một minh chứng của lối viết truyền thống. Hoàn toàn mang tính truyền thống về đề tài, về giọng điệu, về phương pháp, nhưng cuốn sách được ghi nhận ở sự công phu và tính chân thực lịch sử. Nhà văn Hồ Anh Thái nhận định, tác giả đã phần nào khai thác được những chiều sâu tâm hồn của cả hai phía ta và địch, để thấy được thắng lợi đích thực của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc. Cuốn sách được chú ý ở sự công phu chắt lọc tư liệu và những nỗ lực chuyển hóa tư liệu ấy đến với người đọc.
Theo nhà văn Nguyễn Trí Huân, việc không trao giải cho phê bình văn học và văn học dịch năm nay thể hiện sự làm việc nghiêm túc và yêu cầu ngày càng cao của giới chuyên môn và độc giả hôm nay.