Quyết định 505/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ban hành ngày 22-4-2022 lấy ngày 10-10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đề nghị các bộ, ngành, địa phương phổ cập, truyền thông bộ nhận diện CĐS quốc gia thông qua hiển thị trên trang/cổng thông tin điện tử, bảng điện tử, màn hình công cộng... từ ngày 1-10 đến 10-10 hoặc trong cả tháng 10-2022.
Hà Nội: Nhiều dấu ấn
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, cho biết trong hơn 8 tháng triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP Hà Nội đã hoàn thành kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành 21/25 dịch vụ công thiết yếu với 500.000 hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận, giải quyết.
Đồng thời, tiếp nhận hơn 6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử; cập nhật gần 13,6 triệu dữ liệu thông tin tiêm chủng... Thành phố hiện có 503 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; 56.710 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh.
"Từ nay đến cuối năm, TP Hà Nội tiếp tục đặt ra các mục tiêu và giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ hơn nữa Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022. Trước mắt, thành phố tập trung hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ vấn đề dân sinh cấp thiết, như: an sinh xã hội, y tế, hộ tịch, người có công, đất đai" - Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn thông tin.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Hà Nội, cho hay sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Với kế hoạch này, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số hoạt động minh bạch, hiệu quả. Đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành CĐS trong các cơ quan nhà nước; từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; chính quyền thành phố hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu.
Động lực mới cho TP HCM
Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia 10-10, TP HCM đang tổ chức Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và CĐS năm 2022, kéo dài đến ngày 14-10, với chủ đề "CĐS số - động lực mới cho phát triển của thành phố" với khoảng 30 sự kiện. Hai ngày chính của tuần lễ, ngày 13 và 14-10, là chuỗi các sự kiện với sự tham gia của các lãnh đạo trung ương, địa phương, như: Hội thảo khoa học "Chính sách cấp cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và CĐS" - hội thảo quốc tế về các chính sách, kinh nghiệm, mô hình thành công của một số nước, định hướng của thành phố trong giai đoạn tới; tọa đàm quốc tế về CĐS.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho hay TP HCM đã, đang tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia. Trong đó, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và CĐS nhằm giới thiệu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tìm ra được những sản phẩm, những nhóm khởi nghiệp tiềm năng, đồng thời thúc đẩy CĐS. Hằng năm, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức tuần lễ này để kịp thời nhìn lại, đánh giá những bước phát triển, những giá trị đã đạt được trong một năm, qua đó giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu ra thị trường.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh CĐS là xu thế tất yếu; ứng dụng công nghệ và CĐS đóng vai trò quan trọng trong con đường phát triển của thành phố. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP, thành phố đang tích cực CĐS nhanh, mạnh, toàn diện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - trật tự tại địa bàn.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và gần đây nhất là CĐS. Theo đánh giá của trang Techinasia, Việt Nam sở hữu một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng nhanh nhất thế giới và TP HCM nằm trong tốp 200 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.
TP HCM cũng là địa phương tiên phong trong việc triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh và ban hành Chương trình CĐS. Qua đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19, CĐS tại thành phố đã có sự phát triển vượt bậc. Mới đây, Bộ TT-TT đánh giá TP HCM xếp hạng 3/63 tỉnh, thành về kết quả CĐS năm 2021, tăng 2 hạng so với năm 2020.
Trong 3 quý đầu năm 2022, TP HCM đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đào tạo về CĐS để đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức. TP HCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch: sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, với trên 12,8 triệu hồ sơ.
TP HCM cũng kết nối, chia sẻ dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính; thí điểm tại 7 phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 1 và quận 6. Bên cạnh đó, phát triển nhiều ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân và DN, như: Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng thông tin 1022...
Đà Nẵng: Trải nghiệm metaverse thú vị
Ngày 9-10, UBND TP Đà Nẵng cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông, sự kiện, hội nghị, hội thảo nhằm hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia trên địa bàn thành phố; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Ngoài ra, thành phố cũng phát động các cuộc thi, sáng kiến CĐS mang lại lợi ích thiết thực; hướng dẫn, quảng bá người dân, DN sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số của DN trong nước; phổ cập kỹ năng số...
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho hay Đà Nẵng là địa phương có tốc độ internet nhanh nhất Việt Nam với 41,75 Mb/giây. Trong năm 2020, 2021, TP Đà Nẵng liên tiếp xếp hạng A, dẫn đầu về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin.
Đà Nẵng thuộc tốp 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử năm 2021 với hơn 1.000 DN và 2.500 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử và ứng dụng di động. Các đơn vị cũng đang tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử và mô hình Chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt tại 3 chợ quy mô cấp thành phố với hơn 1.000 tiểu thương tham gia.
"Trong năm 2023, thành phố sẽ tiếp tục phát triển mạng di động 5G, xây dựng thành phố thông minh; đến năm 2025 phủ sóng mạng 5G tại 50% khu vực dân cư. Bên cạnh đó, đưa vào vận hành, khai thác Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh (giai đoạn 1) và các Trung tâm điều hành quận - huyện..." - ông Trần Ngọc Thạch thông tin.
Mới đây, TP Đà Nẵng cũng đưa công nghệ thực tế ảo (VR360) và vũ trụ ảo (metaverse) vào các điểm tham quan nổi tiếng như Bà Nà Hills, Mikazuki, suối khoáng nóng núi Thần Tài, Đà Nẵng về đêm... Đây là công nghệ của tương lai nhưng ngành du lịch TP Đà Nẵng quyết tâm triển khai để tạo nên trải nghiệm du lịch toàn diện.
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết để triển khai Kế hoạch số 59 ngày 25-2-2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XI về CĐS và thực hiện phân công của Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sở đã chủ động xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; thành lập tổ tham mưu CĐS ngành nông nghiệp.
Trước khi xây dựng Đề án CĐS ngành nông nghiệp, tỉnh đã áp dụng một số hệ thống số hóa, CĐS theo cấp quản lý ngành để làm cơ sở từng bước tích hợp vào nền tảng dữ liệu số lĩnh vực nông nghiệp, gồm: trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi; thủy lợi; lâm nghiệp; kinh tế hợp tác và chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp của tỉnh được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Trong năm 2022, ứng dụng số hóa dữ liệu quản lý, quy trình xử lý - báo cáo - lưu trữ dữ liệu thông qua phần mềm; ứng dụng thiết bị thông minh để nhập liệu; ứng dụng quản lý dữ liệu sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc...
Giai đoạn 2: Tự động thu thập, xử lý, thống kê số liệu tiến độ sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ viễn thám; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự báo, cảnh báo thiên tai, dịch hại. Giai đoạn 3: Kết hợp công nghệ GIS cùng AI dự báo sản lượng nhằm chủ động thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng nông sản.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết các bộ, ngành, địa phương đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng để "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người" sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số nhằm hình thành kỹ năng số. Qua đó, thúc đẩy tiêu dùng số, hình thành thị trường số, cao hơn nữa là phát triển kinh tế số, xã hội số.
"CĐS là phải toàn dân và toàn diện, do đó phải sử dụng các nền tảng số, mang công nghệ đến cho mọi người dân sử dụng giống như sử dụng điện, nước để mọi người đều có thể tham gia. Việt Nam có hơn 70 triệu người dùng internet, mỗi người dân dành trung bình gần 7 giờ trên môi trường số mỗi ngày để giữ liên lạc với bạn bè, tra cứu thông tin, cập nhật tin tức. Vì vậy, trình duyệt web và công cụ tìm kiếm đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu với mỗi người dân" - Thứ trưởng Bộ TT-TT chỉ rõ.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi các DN công nghệ số tích cực tham gia Chương trình CĐS quốc gia nói chung, chương trình phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nói riêng, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số toàn dân để phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội. "Phục vụ người dân thì luôn là việc khó nhưng đây là một sứ mệnh vinh quang, mang lợi ích cho cộng đồng, người dân, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số" - Thứ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nêu thực tế trong thời kỳ giãn cách xã hội do dịch COVID-19, người dân vẫn giao dịch, thanh toán mua hàng hóa bình thường. Nếu không CĐS thì không thể làm được. Một số ngân hàng lớn đã CĐS sớm và thu được kết quả rất đáng khích lệ.
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, thông tin sau gần 3 năm thực hiện chiến lược CĐS, công ty đã thiết lập được mặt bằng tăng trưởng mới. Tỉ lệ sản phẩm công nghệ/tổng doanh thu năm 2022 có biến chuyển rõ rệt khi dự kiến sản phẩm công nghệ chiếm 70%, tương đương 5.500 tỉ đồng; sản phẩm công nghệ cao chiếm 29%...
Công ty cũng rất chú trọng đến chiến lược phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0; đổi mới mô hình kinh doanh truyền thống (Pipeline) sang mô hình kinh doanh thời đại số (DBM), phát triển các mô hình kinh doanh nền tảng và hệ sinh thái nhằm phát huy hiệu ứng mạng lưới và tăng trưởng cấp số nhân.