Ngày 5-7, hơn 591.000 thí sinh (TS) trên cả nước đã hoàn thành đợt thi đầu tiên, kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ với 2 môn hóa học (khối A) và tiếng Anh (khối A1).
Đề thi phân hóa cao
Đánh giá về đề hóa, giáo viên Nguyễn Thành Sơn, Trường THPT Einstein Hà Nội, cho rằng học sinh có thể dễ dàng đạt được 5 điểm bởi một nửa số câu trong đề thi lần này cơ bản giống như đề thi tốt nghiệp vừa qua. Các câu còn lại ở mức độ nâng cao nhằm phân loại học sinh. Với cách ra đề thi này, phổ điểm chủ yếu của môn hóa là 6-7; điểm 9-10 sẽ hiếm.
Theo giáo viên Trần Tiến Vượng, Trung tâm Luyện thi Đại học Vĩnh Viễn (TP HCM), đề thi môn hóa học cũng giống đề thi tú tài vừa qua là không còn phần tự chọn. Điều này tạo sự thuận lợi nhiều cho TS vì không phải phân vân khi làm bài và tạo sự công bằng. Hơn nữa, điều này cũng giúp cho việc chấm thi trở nên nhẹ nhàng hơn. Với thời gian 90 phút, TS khó thể nào giải hoàn chỉnh tất cả các câu hỏi. Đề thi có sự phân hóa cao. Phần lý thuyết có những câu hỏi dùng hình vẽ để minh họa cho thí nghiệm tương đối mới lạ. Phần bài tập có những câu khó, để giải được, TS phải tốn nhiều thời gian. “TS khá giỏi có thể làm đến 90%, phần còn lại TS chọn theo xác suất may rủi. Nói chung, đề thi năm nay tương đối khó so với năm ngoái, TS khó đạt 9-10 điểm” - thầy Vượng nhận định.
Một giáo viên Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) nhận xét đề với thi tiếng Anh, TS có sức học trung bình dễ dàng kiếm 5-6 điểm với khoảng 50% số câu hỏi nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa. Từ câu 46 trở đi, không chỉ yêu cầu ngữ pháp mà cần có vốn từ vựng phong phú nên sẽ chỉ dễ dàng với TS có sức học khá trở lên. Bài tập đọc hiểu là phần hay vì yêu cầu cao về kỹ năng đọc, buộc học sinh phải biết tổng hợp và phân tích thông tin.
Theo giáo viên Phạm Tấn Hoàng, Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), cấu trúc đề thi tiếng Anh khối A1 năm nay khá hay, có sự phân hóa rõ rệt cho học sinh khá giỏi nhưng TS trung bình vẫn làm bài được. Kiến thức ngữ pháp trải đều các dạng câu, mệnh đề quan hệ, đảo từ, các loại so sánh... Phần khó vẫn tập trung vào 2 bài đọc hiểu đúng như dự đoán. Với đề thi này, TS khá giỏi có thể đạt được 7-8 điểm.
Giảm bớt sự phân vân cho TS
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đợt 1 của kỳ thi diễn ra đúng quy chế. Đề thi không có sai sót, được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Kết thúc đợt 1, cả nước có 73 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật; trong đó khiển trách 22 trường hợp, 3 TS bị cảnh cáo và 48 TS bị đình chỉ. Có 8 trường hợp đến muộn không được dự thi.
Liên quan đến những thay đổi trong cách ra đề, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết xu hướng của bộ khi ra đề thi là để kiểm tra năng lực, tức là từ kiến thức mà các TS đã học, để đánh giá khả năng tư duy sáng tạo của các em, áp dụng kiến thức đã học ra sao trong thực tiễn. Nếu phần kiến thức để kiểm tra năng lực đó nằm ở phần giao thoa giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao thì đề thi không cần phải có phần theo chương trình chuẩn và phần theo chương trình nâng cao như ở đề toán, lý, hóa vừa qua.
Theo ông Ga, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ không quy định phải ra đề phần tự chọn hay không nên không cần thông báo trước với TS. Bộ đã giao cho Ban Đề thi toàn quyền xử lý việc sử dụng kiến thức nào để kiểm tra năng lực TS. Nếu kiến thức sử dụng trong đề thi không nằm trong phần giao thoa sẽ buộc phải có 2 phần câu hỏi riêng để TS tự chọn, nếu nằm trong phần giao thoa thì không cần phải chia đề thi thành 2 phần.
Đánh giá về cách ra đề này, ông Ga cho rằng việc bỏ đi phần tự chọn đã giảm bớt sự phân vân của TS trong quá trình làm bài, tránh việc TS bị trừ điểm khi vô tình phạm quy vì làm một vài câu trong cả 2 phần tự chọn.