Trùng lắp nhàm chán
Mỗi ngày, bật tivi lên là có thể thấy hầu như các đài truyền hình đang lạm phát gameshow. "Anh cả, VTV - Đài Truyền hình Việt Nam với Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón kỳ diệu, Hành trình văn hóa, Trò chơi âm nhạc, Ở nhà chủ nhật, Hãy chọn giá đúng, Ai là triệu phú...
Dù ở "sát nách" VTV nhưng Đài Truyền hình Hà Nội cũng có riêng gameshow Đuổi hình bắt chữ, Vượt qua thử thách... Đài Truyền hình TPHCM - HTV tuy phát triển các chương trình gameshow muộn hơn nhưng hiện đang giữ kỷ lục về số lượng với hàng loạt chương trình Nốt nhạc vui, Vui để học, Trúc xanh, Chung sức, Rồng vàng, Kim tự tháp, Hát với ngôi sao, Vui cùng Hugo, Stinky và Stumper, Mọi người cùng thắng, Nhịp sống sôi động...
Các đài truyền hình tỉnh như Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương cũng nhập cuộc với Đồng hành cùng BTV, Vượt qua thử thách, Việt Nam quê hương tôi..., Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai với Sau giờ tan ca, Cùng xây mái ấm, Chiếc hộp bí mật...
Sự bùng nổ về gameshow đã khiến khán giả “bội thực” và bắt đầu cảm thấy dị ứng, nhất là khi các gameshow xuất hiện vào cả những "giờ vàng" khiến tần suất phát sóng dành cho những chương trình khác mà họ yêu thích như chiếu phim, ca nhạc, sân khấu... bị cắt giảm nghiêm trọng.
Món nào dù ngon đến mấy thì ăn mãi cũng phải ngán, đó là chưa kể nhiều chương trình trùng lắp giữa các đài. Hình thức thể hiện của các gameshow cũng thiếu tính đa dạng và sáng tạo, bởi phần lớn các chương trình đều được mua bản quyền của nước ngoài.
Thiếu hụt MC trầm trọng
MC - người dẫn chương trình là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của một gameshow. Lực lượng này vốn đã rất "quý hiếm", nay càng thiếu hụt trầm trọng hơn trước sự bùng phát gameshow. Vì thế, cũng dễ hiểu khi MC Thanh Bạch gần như là sự lựa chọn số 1 của HTV và các công ty quảng cáo cho một chương trình mới. Hiện anh đang giữ kỷ lục làm MC cho nhiều chương trình trò chơi của HTV nhất.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt MC, các đài truyền hình đang có xu hướng mời các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng làm người dẫn chương trình như Tạ Minh Tâm (Chung sức), Chi Bảo (Kim tự tháp), Hồng Ánh (Mọi người cùng thắng), Quyền Linh (Vượt lên chính mình)...
Những MC không chuyên này, dù rất thành công trong lĩnh vực của mình, nhưng không phải ai cũng đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của vai trò người dẫn chương trình kiêm khả năng hoạt náo.
Xu hướng thương mại hóa lấn át
Gameshow là chương trình giải trí có tiền thưởng, nên sự có mặt của các nhà tài trợ là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, điều đáng báo động là ngày càng có nhiều chương trình bộc lộ xu hướng thương mại hóa nặng nề. Bên cạnh các chương trình bảo đảm chức năng vừa giải trí vừa có tính giáo dục, cung cấp kiến thức, cũng xuất hiện ngày càng nhiều những chương trình tràn ngập các sản phẩm quảng cáo nhưng nội dung lại vô thưởng vô phạt hay nặng tính may rủi, ăn thua như Hãy chọn giá đúng, Siêu thị may mắn, Đì tìm ẩn số...
Gần đây, sự xuất hiện của gameshow Vượt lên chính mình rất được đông đảo khán giả ủng hộ, bởi ý nghĩa xã hội của chương trình này. Đối tượng chơi là những người lao động nghèo, phần thưởng không chỉ là việc xóa nợ ngân hàng mà còn có cơ hội được cấp vốn để tiếp tục sản xuất. Đặc biệt, chương trình không được thực hiện tại phim trường mà đến tận các địa phương nơi người chơi sinh sống với các phần thi, nhằm tôn vinh những ngành nghề thủ công truyền thống.
Diễn viên Quyền Linh, MC của chương trình, cho biết anh đã nhiều lần không cầm được xúc động khi chứng kiến cuộc sống nghèo khó của các thí sinh và niềm vui của họ khi chiến thắng các vòng thi với những khoản tiền thưởng họ không mơ nổi.
Thiết nghĩ, đây là chương trình mở một hướng cho các đài truyền hình và những công ty tổ chức trong cuộc đua đường dài, nhằm xây dựng các gameshow mới vừa hấp dẫn nhưng gắn chặt với ý nghĩa xã hội...