Ngày 17-10 tới là kỷ niệm 23 năm ngày mất của Lê Công Tuấn Anh nhưng theo âm lịch, ngày 6-9 vừa qua là ngày giỗ của em. 23 năm rồi nhưng tình cảm của mọi người dành cho em vẫn không thay đổi. Trong những ngày này, tôi nhớ đến cậu học trò nhỏ của mình.
Hiền lành, khiêm tốn, dễ thương
Nhớ như in dáng vẻ nhút nhát, rụt rè của em khi đến dự tuyển diễn viên cho Đoàn Kịch nói Kim Cương. Câu nói tôi nhớ nhất khi diễn viên Long Hải hỏi Lê Công Tuấn Anh: "Ê nhỏ, mày nhắm vào đoàn sẽ đóng loại vai nào?" - Long Hải hay chọc ghẹo các bạn trẻ để nhìn xem phản ứng của họ trước những câu hỏi cà khịa như thế nào. Ngay lập tức, Lê Công Tuấn Anh khoanh tay đáp: "Dạ thưa chú, vai nào cũng đóng được hết. Nhưng nếu không được tuyển, cho con xin vào đoàn làm quân sĩ, nhân viên kéo màn cũng được". Long Hải chưa buông tha: "Vai nào mày cũng đóng, vậy mày đóng luôn vai của tao đi". Cả đoàn cười, còn Lê Công Tuấn Anh lúc đó mướt mồ hôi: "Dạ, con đâu dám đóng vai của chú". Tôi để ý đến chàng diễn viên này từ sau cuộc đối thoại đó. Bởi, theo kinh nghiệm của nhà quản lý, đạo diễn, diễn viên, kịch tác gia, tôi nhận ra đó là một người trẻ ham học hỏi.
Những năm tháng gắn bó với đoàn, Lê Công Tuấn Anh là một tấm gương khiêm tốn đáng quý mà tôi hiếm khi gặp trong số đông bước chân vào nghề này. Không phải hiện nay em đã thác rồi tôi lại dành những lời nói tốt đẹp để ca tụng em, kỳ thực trong thế giới màn nhung, người trẻ trong quá trình trải nghiệm với nghề luôn có hai trạng thái đối mặt. Một là, nhanh chóng thăng tiến bằng tài nghệ khi học từ đàn anh đi trước, lấy cái hay, cái độc đáo của người làm bài học và tiêu hóa cực tốt cho kỹ năng của mình. Hai là, nhanh chóng học những thứ "dở hơi", kiểu như: láu cá, ma lanh, đố kỵ, phe cánh… để tiến thân. Ở chàng diễn viên này, không có cái vế thứ hai.
Ở Đoàn Kịch nói Kim Cương, dù được huấn luyện bằng "lò luyện thép" với kỷ luật nghiêm khắc, do tôi quy định, nhưng vẫn xảy ra không ít những mâu thuẫn do xung đột về quyền lợi, tranh chấp vai diễn và cả những chuyện cá nhân trong đời sống riêng của mỗi thành viên. Tuyệt đối, Lê Công Tuấn Anh không đứng về phe cánh nào, cũng không vướng vào những chuyện không đẹp phía sau cánh màn nhung.
Vừa nhận Giải Mai Vàng lần thứ nhất năm 1995, Lê Công Tuấn Anh mua một giỏ trái cây đến thăm má tôi - NSND Bảy Nam và ngồi trò chuyện với tôi thật lâu về niềm hạnh phúc của một diễn viên trẻ mới có được. Tôi có góp ý với em về vai diễn Đại trong bộ phim "Mặt trời đêm" mà em vừa đoạt giải. Lê Công Tuấn Anh lắng nghe, trao đổi và khi nghe tôi nói lên niềm vui mừng vì học trò thành đạt, em ấy cảm động nói trong nước mắt: "Không nhờ có những la rầy, chê trách của cô, con không làm được như hôm nay".
Tấm gương vượt lên số phận
Với bề dày gắn bó với sân khấu, điện ảnh, trong đó trọng trách tìm kiếm nguồn kịch bản cho đoàn là một việc làm cần sự thẩm thấu, tôi đã chịu khó lắng nghe gia cảnh của các diễn viên trong những đợt lưu diễn của đoàn. Câu chuyện về gia cảnh của Lê Công Tuấn Anh làm tôi rất xúc động. Có lần em nói: "Nếu không kịp suy nghĩ, con đã chơi ma túy".
Sau cú sốc gia đình đổ vỡ vào năm lên 10 tuổi, em như bị bỏ rơi sau khi mẹ đi thêm bước nữa. Em bắt đầu cuộc sống của một đứa trẻ bụi đời, lang thang kiếm sống bằng các công việc của trẻ đường phố… Bởi vậy, những con hẻm lớn nhỏ ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là nơi mà Lê Công Tuấn Anh nhớ nhất vì gắn với em nhiều kỷ niệm của trẻ lang thang. Có lần đoàn kịch của tôi về diễn ở rạp hát tại TP Biên Hòa, tối đến, mọi người thấy em ra trước rạp trải chiếu ngủ. Nghệ sĩ Long Hải lại hỏi: "Đoàn có thuê nhà nghỉ để anh em tá túc, mày mắc cái chứng gì mà ra đây trải chiếu ngủ?". Lê Công Tuấn Anh nói: "Chú ngủ đi, con muốn được sống lại cái thời bụi đời của con".
"Giai đoạn khó khăn của tuổi mới lớn đã cho con nhiều trải nghiệm, để đưa vào vai Đại trong bộ phim "Mặt trời đêm", diễn xuất như cách nói của cô là hóa thân vào nhân vật - một thanh niên trẻ vô tình bị mắc căn bệnh thế kỷ AIDS" - lời em nói tôi ghi nhớ trong tâm mình.
Cuộc đời của Lê Công Tuấn Anh thật sự không biết đi về đâu nếu không được vào trường giáo dưỡng, được những "bà Phước" cho học văn hóa và học nghề rồi được người cô ruột bảo lãnh đưa về nuôi ăn học.
Có lần người cô ruột cùng Lê Công Tuấn Anh đến thăm má tôi - NSND Bảy Nam. Qua người cô này, tôi hiểu hơn về quá trình phấn đấu của em. Học hết lớp 9, em đi học nghề thợ hàn tại Trung tâm Dạy nghề quận 3. Năng khiếu về nghệ thuật của em bắt đầu bộc phát từ đây, qua phong trào văn nghệ quần chúng, tự dựng kịch tham dự liên hoan văn nghệ cấp quận và đoạt giải thưởng.
Khi vào đoàn kịch của tôi, em mới 18 tuổi. Trong hơn 400 thí sinh dự thi, em là một trong 10 người được chọn. Ban đầu, Lê Công Tuấn Anh đóng các vai diễn quần chúng, nhưng sau đó, em được đóng vai phụ, vai nhân chứng trong vở kịch "Nhân danh công lý". Đến khi đoàn dựng vở "Lôi Vũ", em được đóng vai Chu Xung. Từ đó, tài năng diễn xuất của em được các nhà làm điện ảnh để ý. Những bài học diễn xuất trên sân khấu kịch Kim Cương là hành trang quý giá cho em bước vào điện ảnh, thăng hoa trong từng nhân vật em được giao hóa thân, được mọi người yêu mến. Có ai ngờ được rằng cậu bé sống bụi đời, từng vào trại giáo dưỡng nay đã là nghệ sĩ trong lòng công chúng. Tình cảm của công chúng dành cho em không đo đếm được, điều đó đã chứng minh khi em ra đi.
Nhớ đến em, nhớ cả nụ cười, ánh mắt và những giọt nước mắt vì sung sướng hạnh phúc của người diễn viên khi lần đầu có trong tay giải thưởng Mai Vàng. Chính em cũng không tin là mình đã làm được điều đó.
Là người đi trước, đồng thời từng làm thầy của em, trước những thành tựu em đạt được, tôi hạnh phúc lắm. Chỉ tiếc em vắn số, ra đi trong sự tiếc nuối của số đông công chúng ngưỡng mộ em. Nghệ sĩ của Đoàn kịch nói Kim Cương vô cùng đau buồn, thương tiếc. Riêng tôi, cứ mỗi năm đến mùa Giải Mai Vàng, cũng là đến ngày giỗ của em, tôi đều thấy em hiện diện, như nhắc nhở tôi tiếp tục truyền ngọn lửa yêu nghề, làm nghệ thuật tử tế cho thế hệ trẻ hôm nay.