Sau khi Báo Người Lao động đăng tải loạt bài viết "Tràn lan đào tạo y khoa liên tục", thực hiện theo công văn chỉ đạo của Bộ Y tế, ngày 22-3, Sở Y tế TP HCM đã thông tin thêm về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Theo đó, cập nhật kiến thức y khoa liên tục là việc bổ sung kiến thức, kỹ năng về y khoa phù hợp với phạm vi hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 5 năm liên tục.
Đây là quy định về cập nhập kiến thức y khoa liên tục cho nhân viên y tế được ban hành tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2023 áp dụng sau khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15 năm 2023 của Quốc hội khóa 15 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.
Khái niệm "cập nhật kiến thức y khoa liên tục" được Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15 năm 2023 đưa vào để thay cho khái niệm "đào tạo liên tục" trước đây được quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09 tháng 8 năm 2013 và Thông tư số 26/2020/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2013/TT-BYT (đã hết hiệu lực). Các hình thức tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục bao gồm:
Cập nhật kiến thức y khoa liên tục bằng hình thức khác bao gồm: Tham gia hội nghị, hội thảo về y khoa phù hợp với phạm vi hành nghề; tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện các nghiên cứu khoa học, giảng dạy về y khoa thuộc phạm vi hành nghề; bằng hình thức tự cập nhật kiến thức y khoa và các hình thức khác.
Tất cả các hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục nêu trên được cấp giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư số 32/2023/TT-BYT, giấy chứng nhận này được sử dụng để duy trì giấy phép hành nghề theo quy định.
Theo quy định hiện hành, việc cấp chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh phải do các cơ sở giáo dục hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện các kỹ thuật chuyên môn tương ứng tổ chức đào tạo. Chương trình đào tạo phải tối thiểu từ 6 tháng trở lên. Chương trình và tài liệu đào tạo chứng chỉ kỹ thuật chuyên môn do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và gửi bản công bố về Bộ Y tế hoặc Sở Y tế theo đúng quy định trước khi tổ chức đào tạo. Chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn được sử dụng làm căn cứ để người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ra quyết định bằng văn bản cho phép người hành nghề được thực hiện kỹ thuật đã được đào tạo (không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh phạm vi hành nghề).
Nhằm bảo đảm hoạt động cập nhật kiến thức y khoa được tuân thủ đúng theo các quy định mới, ngày 20-3, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo liên tục cán bộ y tế thuộc thẩm quyền quản lý, xử lý hoặc xử lý nghiêm các trường hợp nếu có vi phạm theo quy định.
Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo Thanh tra, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Quản lý dịch vụ Y tế tiến hành kiểm tra các đơn vị đào tạo để kịp thời hỗ trợ chấn chỉnh nếu có vi phạm.
Trong lộ trình chuyển đổi số xây dựng kho dữ liệu dùng chung của TP, Sở Y tế sẽ nghiên cứu xây dựng cổng thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu về các khóa đào tạo CME do các tổ chức, cơ sở cung cấp dịch vụ để công khai minh bạch cho người dân, đơn vị cùng tham gia giám sát, hỗ trợ.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã đăng tải loạt bài viết "Tràn lan đào tạo y khoa liên tục" (các ngày 14, 15 và 16-3) phản ánh tình trạng "Tràn lan đào tạo y khoa liên tục" tại nhiều viện, trường, bệnh viện được cấp mã đào tạo CME. Theo đó, các đơn vị này đã đã "bán cái" việc tuyển sinh, thu học phí, tổ chức địa điểm lớp học.... cho các doanh nghiệp, hãng. Loạt bài cũng nêu lên không ít vấn đề bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo viên, đề tài, cơ sở vật chất và đối tượng học viên...