Ngôi nhà thông minh (smart home) là xu hướng của cuộc sống hiện đại, tạo sự thoải mái và tiện lợi cho người dùng. Smart home giờ đây vận hành trên nền tảng internet kết nối vạn vật (IoT) và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các thiết bị IoT được tích hợp AI tạo nên hệ sinh thái AIoT.
Hiểu ý người dùng
Theo dự báo của Statista, doanh số toàn cầu của thị trường smart home sẽ đạt hơn 141 tỉ USD vào năm 2023, trong đó 40% từ các ngôi nhà ở Bắc Mỹ. Số lượng smart home được dự báo sẽ vượt qua mốc 300 triệu ngôi nhà vào năm 2023. Trang Datafloq chuyên về Big Data, Blockchain và AI của Hà Lan nhận định 2 nhân tố góp phần gia tăng nhanh số lượng smart home là nền tảng IoT và AI. Trong đó, AI đưa tự động hóa và khả năng tự phân tích, xử lý vào các thiết bị thích ứng với nhu cầu của người dùng.
Smart home cũng sử dụng một nhánh của AI được gọi là máy học, giúp thiết bị học tập thói quen và hành vi sử dụng của người dùng để ngày càng "tâm đầu ý hợp" với chủ nhân hơn. Nó có thể đề xuất các chương trình và phim từ TV thông minh. Hệ thống trợ lý ảo Siri do Apple giới thiệu vào năm 2011 sử dụng AI để trả lời câu hỏi, ghi lại lời nhắc, lên lịch cho các sự kiện. Nền tảng này đã được áp dụng vào smart home cho nhiều thiết bị.
Với sự tích hợp AI, bộ điều nhiệt của máy lạnh có thể tự động điều chỉnh nhiệt độ theo sở thích của người dùng. Tương tự, máy giặt và máy sấy thông minh sử dụng AI có thể phát hiện quần áo ẩm và điều chỉnh quy trình giặt tối ưu. Hệ thống ánh sáng thông minh sử dụng AI để tự động điều chỉnh theo thời gian trong ngày hay thậm chí để phù hợp với tâm trạng của bản nhạc phát ra từ hệ thống loa thông minh. Trong những năm gần đây, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã đầu tư nghiên cứu về AI trong cuộc sống thường ngày. Samsung cho biết người dùng tương tác ngày càng nhiều với các thiết bị thông minh tích hợp AI. Các thiết bị này sẽ hiểu nhu cầu của người dùng thông qua lệnh nói, cử chỉ trực quan để trợ giúp phù hợp.
Biết độ bẩn của đồ sắp giặt
Ngày 14-4 vừa qua, Samsung đã ra mắt thị trường Việt Nam dòng máy giặt, máy sấy được tích hợp AI giúp phân tích độ bẩn, tối ưu hóa quy trình giặt, sấy đồng thời ghi nhớ, đề xuất chế độ giặt ưa thích cho người dùng.
Công nghệ giặt cảm biến thông minh AI Wash trang bị hệ thống 4 cảm biến - phân tích khối lượng và độ bẩn áo quần, từ đó tối ưu lượng nước, nước giặt xả và thời gian giặt. Sau khi giặt, người dùng chỉ cần lấy áo quần từ máy giặt qua máy sấy, máy sấy sẽ tự động đề xuất chế độ sấy dựa trên chế độ giặt trước đó. Ngoài ra, có thể kết nối với các thiết bị thông minh như smartphone, smart TV, tủ lạnh Family Hub, các sản phẩm gia dụng khác cũng như các ứng dụng thông minh như Alexa và Google Home để tăng hiệu năng quản lý, sử dụng các thiết bị được kết nối. Trước đó, dòng máy lạnh WindFree của Samsung nổi bật với tính năng không thổi gió ào ào qua các khe hở truyền thống mà chỉ phả làn gió nhẹ phủ đều thông qua lớp mặt nạ có 23.000 lỗ nhỏ. WindFree được trang bị công nghệ làm lạnh AI thông minh tự động phân tích điều kiện không gian và thói quen sử dụng của người dùng, từ đó tối ưu hóa các chế độ làm lạnh phù hợp nhằm duy trì môi trường thoáng mát, dễ chịu và tiết kiệm điện. Năm 2020, dòng tủ lạnh Family Hub AI của Samsung có thể đề xuất các thực đơn thông minh dựa trên các thực phẩm yêu thích của người dùng, thậm chí đưa ra thực đơn các bữa ăn cho cả tuần. Các thực đơn này dựa trên các thực phẩm đang có trong tủ lạnh và tham khảo kho thực đơn trên internet rồi có thể tạo danh sách báo cho người dùng mua sắm khi phát hiện còn thiếu. Hệ thống AI của Family Hub cũng có khả năng nhận diện các thực phẩm để lâu, bị hỏng và thông báo qua màn hình hoặc qua trợ lý ảo Bixby.
Hãng điện tử LG (Hàn Quốc) ngay từ năm 2017 đã ra mắt thương hiệu LG ThinQ dành cho các sản phẩm được trang bị tính năng điều khiển bằng giọng nói và AI. LG ThinQ đã được tích hợp vào hầu hết thiết bị điện tử gia dụng trong smart home 2019. Từ phòng khách đến nhà bếp, từ phòng ngủ đến phòng giặt đều có các thiết bị LG ThinQ hiểu được giọng nói, tương tác và hiểu được nhu cầu sử dụng. Các thiết bị LG ThinQ như tủ lạnh, máy hút bụi, máy lạnh... có thể kết nối, tương tác nhau. Ứng dụng LG ThinQ hỗ trợ các hệ điều hành Apple iOS và Google Android có đầy đủ những tính năng thông minh giúp kết nối và điều khiển các thiết bị thông minh qua WiFi. Chẳng hạn, với máy giặt, LG ThinQ có thể điều khiển máy bắt đầu giặt, dừng. Với TV, nó có thể điều khiển các tính năng TV thay vì sử dụng điều khiển từ xa. Với tủ lạnh, ứng dụng AI của LG có thể bật chế độ cấp đông nhanh hoặc chế độ năng lượng thấp khi người dùng không ở nhà.
Vào thị trường Việt Nam từ năm 1999, thương hiệu TV TCL có vốn liên doanh với hãng Thomson SA (Pháp) cũng là một trong những tập đoàn hàng đầu ứng dụng công nghệ AI vào TV. Các smart TV của TCL chạy nền tảng Android TV và tích hợp trợ lý ảo Google Assistant điều khiển bằng giọng nói. AI trong TV sẽ tối ưu hóa các xử lý kỹ thuật và các chức năng hoạt động của TV, đặc biệt là tương tác giữa người dùng và thiết bị. Người dùng có thể dùng lời nói ra lệnh cho TV tăng giảm âm lượng, tìm kiếm nội dung, chuyển kênh… thậm chí như một cỗ máy tìm kiếm các thông tin trên internet, trả lời những thắc mắc… Sharp có những sản phẩm điện máy gia dụng được trang bị AIoT Smart Life, Toshiba phát triển Toshiba AI trên nền tảng kiến trúc IoT "SPINEX"…
Bkav cũng hợp tác với Qualcomm phát triển thương hiệu camera an ninh tích hợp AI gọi là Camera AI View. Camera AI sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư máy chủ và đường truyền so với những dòng camera thông thường, nhờ dữ liệu hình ảnh được xử lý bằng AI theo thời gian thực ngay tại camera rồi báo kết quả về trung tâm nên giảm được độ trễ trong xử lý thông tin và bảo đảm tính riêng tư cho người dùng.