Trong căn phòng cách âm rộng chừng 15 m2 của Công ty Trí Việt, hai diễn viên lồng tiếng còn khá trẻ, tai đeo headphone, tay cầm kịch bản, mắt nhìn về chiếc LCD 29 inch theo dõi bộ phim Hàn Quốc. “Em tưởng chị đi họp?” “Thì tôi đi họp chứ sao nhưng đi lộn sang đây. Mà sao cô lại ở đây?” “Em...”. “Thôi mình đi anh”...”.
Nghề được yêu thích
Đoạn thoại của 2 diễn viên Hàn Quốc được 2 diễn viên lồng tiếng thể hiện lần thứ 2 thì: “Được rồi, chuyển sang phân cảnh khác”- tiếng của chị đạo diễn lồng tiếng ngoài phòng kỹ thuật vang lên (phòng thu âm và phòng kỹ thuật được ngăn cách bởi một tấm kính). Điều đó đồng nghĩa với việc chị chấp nhận lời thoại tiếng VN của diễn viên. Hai diễn viên lồng tiếng ngồi xuống chiếc sofa đặt ngay sau những chiếc micro rồi liếc nhanh xuống tập kịch bản đang cầm trên tay và lẩm nhẩm đoạn thoại tiếp theo. Ở 2 phòng thu bên cạnh, tình cảnh diễn ra tương tự, chỉ khác là một bên phim Hàn Quốc, còn một bên là phim hoạt hình. Dễ hiểu khi ở các phòng thu, hầu hết các nhân viên đều đi nhẹ nói khẽ. Công việc xem chừng rất hối hả, mỗi người một việc không ai bảo ai. Dẫu vậy, ở một phòng thu âm khác cũng thuộc Công ty Trí Việt, không mấy khó để nhận thấy sự nhộn nhịp dù mọi người ra vào phòng thu này rất trật tự và khẽ khàng. Dễ có đến 20 người đang ngồi trong phòng thu không rộng lắm này. Từng người một ngồi trật tự đợi tới lượt bước lên micro. Đây là đội ngũ lồng tiếng mới mà Trí Việt vừa tuyển dụng. Họ đang trong quá trình được đào tạo làm diễn viên lồng tiếng. Không đưa ra con số chính xác về lượng hồ sơ đăng ký tham gia dự tuyển cho vị trí diễn viên lồng tiếng như đạo diễn Tất My Loan (phụ trách mảng lồng tiếng của Công ty Trí Việt) khẳng định: “Chúng tôi cũng không ngờ có nhiều hồ sơ đăng ký như vậy”. Điều đó phần nào cho thấy, nghề diễn viên lồng tiếng đang là nghề rất được yêu thích. Thế nhưng, chất lượng lồng tiếng hiện nay lại không hề song hành với số lượng.
Chưa chuyên nghiệp
Ngoài nội dung phim, diễn viên diễn xuất quá xuất sắc, phim còn hấp dẫn người xem bởi những hiệu ứng âm thanh mà bộ phim mang lại. Những tiếng thở hổn hển vì đuối sức của diễn viên, sự hồi hộp trở nên căng thẳng vì thở dồn dập, tiếng gào thét như van lơn, tiếng nấc nghẹn ngào hay những tiếng cười hạnh phúc,... luôn có giá trị riêng trong phim dù đó là biểu hiện của tâm sinh lý hết sức bình thường của con người. Thế nhưng, hầu hết những điều này luôn bị bỏ quên khi bộ phim có sự tham gia của diễn viên lồng tiếng. Đạo diễn Khánh Hoàng (một trong những diễn viên có thâm niên trong nghề lồng tiếng) cho biết: “Tình trạng lồng tiếng quá trong trẻo khá phổ biến hiện nay. Diễn viên lồng tiếng không nắm bắt được nhịp độ cảm xúc của diễn viên để lời thoại thể hiện được tâm trạng mà diễn viên đang mang. Hơn hết, những biểu hiện tâm lý hết sức bình thường đó tưởng chừng đơn giản nhưng khó để thể hiện. Vì vậy, sắc thái cảm xúc của nhân vật được thể hiện không trọn vẹn”.
Ngay khi cố thể hiện hơi thở cảm xúc của nhân vật (bao gồm cả những biểu hiện tâm lý như thở, rên rỉ, nghẹn ngào,... ) thì cách thể hiện của diễn viên lồng tiếng có phần thái quá. Điều đó khiến cho giọng nói của diễn viên không đồng bộ với diễn xuất của họ. Tức là tiếng la hét, sự dịu dàng, cười, khóc hay biểu hiện mệt mỏi,... thường quá mức cần thiết,... Thậm chí, khán giả dễ dàng nhận ra, những âm thanh đó chẳng hề liên quan đến diễn viên. Đó chính là lý do “tôi có cảm giác phim lồng tiếng không thật” như nhận định của đa số khán giả khi nói về phim lồng tiếng.
Đó là chưa kể, tình trạng lồng tiếng không khớp khẩu hình của nhân vật khiến khán giả rất khó chịu. Càng bực bội hơn khi một bộ phim phương Tây được lồng tiếng Việt. Sự khác biệt quá lớn về âm sắc phát thanh lẫn vóc dáng khiến cho việc lồng tiếng trở nên trái khoáy, lạ lẫm.
Cho đến nay, nghề lồng tiếng trên thế giới vẫn mang tính chất cha truyền con nối, một người có thâm niên đứng ra tạo thành nhóm và truyền đạt lại kinh nghiệm mà họ tích lũy được trong quá trình theo nghề. Diễn viên lồng tiếng ở VN cũng không ngoại lệ. Vì vậy không thể đòi hỏi nhiều hơn về công việc lồng tiếng ở VN hiện nay.