Khi thị trường điện ảnh phát triển, nhà sản xuất phim càng chú trọng đến âm nhạc trong phim. Nhiều ca khúc trong phim thời gian gần đây có đời sống riêng trên sân khấu ca nhạc mà không cần đến hiệu ứng của phim.
Nhiều ca khúc ghi điểm
Người nghe thậm chí còn tổng hợp một danh sách những ca khúc nhạc phim được yêu thích nhất gần đây và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng mạng. Ca khúc thiếu nhi quen thuộc “Thằng cuội” (nhạc sĩ Lê Thương) với nhiều phiên bản khác nhau do nhiều người thể hiện xuất hiện trên mạng, tạo thành cơn sốt thời gian gần đây. Ca khúc chủ đề của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” gây sốt khi trỗi lên như một chiếc vé âm nhạc để người nghe quay trở lại với những ký ức tuổi thơ đầy hồn nhiên và trong sáng.
Ca khúc “Còn tuổi nào cho em” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sử dụng trong phim “Em là bà nội của anh”, do Miu Lê (diễn viên chính) thể hiện cũng gây “sốt”. “Thích Miu Lê hát nhạc Trịnh” là những gì công chúng đang bình luận về cơn sốt “Còn tuổi nào cho em” qua giọng hát của Miu Lê. Không thể so sánh với nhiều giọng ca hát nhạc Trịnh của thế hệ đi trước nhưng Miu Lê hát “Còn tuổi nào cho em” để lại nhiều xúc cảm bởi sự trẻ trung.
“Bài tình ca cho anh” do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa viết theo đơn đặt hàng của đạo diễn Quang Tuyết (đạo diễn phim “Cầu vồng không sắc”) được thể hiện bởi 2 giọng nam trẻ Minh Cường và Trọng Quỳnh được khán giả ghi nhận là một bản tình ca đẹp, thậm chí xuất sắc nhất của Châu Đăng Khoa trong năm qua. Ca khúc ghi điểm bởi giai điệu nhẹ nhàng và nội dung nhiều kịch tính (đúng với thông điệp bộ phim chuyển tải) trở thành ca khúc ăn khách trên thị trường âm nhạc. Cũng mang thông điệp tương tự nhưng cách thể hiện trong sáng và nhẹ nhàng hơn là ca khúc “Yêu” trong bộ phim cùng tên qua tiếng hát của Chi Pu và Gil Lê cũng đang gây sốt.
Êm đềm nhưng mạnh mẽ
Điểm chung của những ca khúc nhạc phim được công chúng yêu thích là chứa đựng nhiều cảm xúc qua giai điệu pop ballad nhẹ nhàng. “Viết nhạc phim rất khó vì người viết phải kể một câu chuyện dài (đôi khi mấy mươi tập phim) bằng một ca khúc dựa trên nội dung tổng thể của phim. Ca khúc chủ đề mang nhiệm vụ là chất xúc tác tăng thêm cảm xúc của khán giả khi xem phim. Vậy nên, dù là ca khúc được đặt hàng, những nhạc sĩ viết nhạc phim vẫn phải gặp áp lực lớn khi sáng tác. Đó là một ca khúc phải chạm được vào cảm xúc của người nghe” - nhạc sĩ Quốc Bảo nói.
Theo nhạc sĩ Quốc An, suy cho cùng ca khúc viết độc lập hay gắn với nội dung bộ phim được công chúng yêu thích là ca khúc đó phải cho người nghe cảm nhận được có bóng dáng họ trong đó. Quốc An cho biết thêm những năm gần đây, anh và nhiều đồng nghiệp đã chọn nhạc phim làm “đất sống”. Một trong những ưu thế của việc viết ca khúc cho phim là không phải suy nghĩ đề tài, thù lao cũng không ít, không bị chi phối bởi thị hiếu thẩm mỹ của người nghe đương thời nhưng lại được đầu tư nhiều hơn khi tác phẩm không chỉ được viết ra bằng cảm xúc, câu chuyện của người viết mà của một bộ phim, liên quan đến nhiều người. Chính điều đó giúp cho ca khúc dễ dàng tìm được sự đồng cảm và yêu thích của khán thính giả.
Nhiều ca khúc nhạc phim được chú ý thời gian gần đây phần nhiều bắt nguồn từ hiệu ứng phim nhưng khi tách biệt ra để đánh giá, đó là những ca khúc xuất sắc có đời sống riêng bằng sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: giàu cảm xúc, giai điệu đẹp, được thể hiện bằng giọng ca dễ mến. Ông Trần Minh Tiến (Tổng Giám đốc Công ty Lasta) nói rằng: “Chắc ít người biết ca khúc “Nơi tình yêu bắt đầu” được nhạc sĩ Tiến Minh viết riêng cho bộ phim truyền hình “Siêu thị tình yêu” trước khi nó có đời sống riêng nổi trội và hoàn toàn tách biệt với bộ phim. Thực tế, chỉ cần là một ca khúc hay thì nó tự nhiên sẽ sống mà không bị phụ thuộc vào bất cứ yếu tố nào”.
Ca khúc “Chờ người nơi ấy” của nhạc sĩ Huy Tuấn viết cho phim “Mỹ nhân kế” (Uyên Linh thể hiện), “Yêu mình anh” (Thu Minh thể hiện) là ca khúc chủ đề của phim “Mùa hè lạnh”… trở thành ca khúc nổi tiếng trên thị trường âm nhạc. Thành công của những ca khúc này cho thấy nhạc phim là một thị phần đáng được đầu tư khi nó đang tìm cách đi riêng mà không phụ thuộc vào phim.