Hấp dẫn nhờ... tên phim
Một trong những yếu tố chủ chốt để có một bộ phim hay là kịch bản. Xét về điểm này thì Kiều nữ và đại gia đã có một bệ phóng khá tốt vì loạt phóng sự Kiều nữ săn đại gia của nhà báo Nguyễn Minh Chí đã cho bộ phim nhiều chất thời sự và thực tế. Thêm vào đó, đề tài thời thượng về các cô gái trẻ săn tình, các lão nhà giàu cặp bồ với thiếu nữ... thiếu tiền, cũng đánh trúng vào tâm lý tò mò của khán giả. Bằng những tình tiết hài hước, giải quyết tình huống nhanh gọn theo kết cấu mỗi tập là một câu chuyện, Kiều nữ và đại gia đã thoát khỏi mô típ rề rà của phim truyền hình vốn thấy trước đây. Các đại gia săn gái, các cô gái săn tiền đại gia, trong số họ ai là “con mồi” hay “thợ săn” cũng đã được lý giải dần cho đến cuối phim: Tất cả đều là nạn nhân của nhau trong các cuộc chơi. Lời thoại trong phim tự nhiên, không quá sách vở, lắm khi hơi thô tục nhưng sát thực với đời thường khiến người xem không thấy bực mình vì bị lên lớp quá nhiều mỗi khi ngồi trước màn hình. Ba nhân vật nữ chính, mỗi người một hoàn cảnh xuất thân khác nhau, cuộc sống chung của họ có lúc xung khắc, tranh cãi nhau dữ dội nhưng khi một trong số họ gặp chuyện đều nhận được sự quan tâm lo lắng của những người còn lại. Tình người hiện diện trong những cô gái kia có lúc làm ấm lòng người xem. Thêm vào đó, điểm đáng khen nhất của phim chính là dàn ba nữ diễn viên chính. Việc lựa chọn những người đẹp Lý Nhã Kỳ (vai Diễm Kiều), Ngọc Lan (vai Phương Hồng) và Thùy Lâm (vai Quỳnh Hoa) vào phim không nằm ngoài mục đích câu khách nhưng phải thừa nhận đạo diễn Duy Ngọc đã không lầm khi chọn mặt gửi vàng. Cả ba diễn xuất tốt hơn rất nhiều so với chính họ trong các phim truyền hình trước đây. Chính vì vậy, bộ phim có sức hút người xem ngay từ những tập đầu.
Làm phim với mục đích gì?
Công bằng thì Kiều nữ và đại gia đáp ứng được nhu cầu giải trí đơn thuần của khán giả. Tuy nhiên, về mặt nội dung, phim khai thác chưa sâu sắc như chính đề tài nóng bỏng của nó. Điểm đầu tiên cần phải nói là hình ảnh các đại gia trong phim. Kiểu ăn chơi, cư xử của hai nhân vật Bình bia và Tú Martel, theo nhiều khán giả nhận xét, là hơi rẻ tiền, không xứng tầm với từ đại gia mà mọi người thường dùng để chỉ giới thượng lưu, giàu có. Nhiều màn kịch được các kiều nữ dựng lên một cách vụng về thế mà các đại gia dễ dàng bị mắc lừa, chẳng hạn chuyện Phương Hồng dẫn Bình bia về quê mua mảnh đất chòi vịt của nhà cô. Hoàn cảnh đến với nghề “gái bao” của các kiều nữ cũng không thuyết phục. Trong số ba cô, chẳng ai phải vì quá bức bách cuộc sống mưu sinh đến nỗi nhắm mắt đưa chân chọn con đường làm ô nhục danh dự gia đình. Rồi chồng của Phương Hồng cũng đồng lòng cho vợ lên thành phố làm người tình hờ của các đại gia!
Đạo diễn Duy Ngọc dù đã có nhiều cố gắng nhưng đã để phim có khá nhiều hạt sạn. Một “hạt sạn” khá to là chi tiết máy ATM quy định chỉ cho rút tối đa 20 triệu đồng/lần, thế nhưng trong phim nhân vật vô tư rút đến 40 triệu đồng. Một số tập phim đuối về tình huống hoặc cách cài đặt, giải quyết vấn đề dễ dãi, vội vã như tập Quỳnh Hoa và Phương Hồng bị bắt sang Macau nhưng trốn thoát khá dễ dàng hoặc có tập 45 phút nhưng kéo dài có mỗi chuyện chát chít của Diễm Kiều (mà chuyện này cũng cũ) và hai cô còn lại đi chơi với đại gia, là hết nội dung. Có tập ngay mở đầu người xem đã thấy nhiều nhân vật không bình thường và có thể đoán trước kết cục, thế mà các nhân vật trong phim cứ hành xử ngây ngô như không biết. Chẳng hạn chuyện Quỳnh Hoa quen với anh chàng người yêu mắc bệnh tâm thần, gã pê đê Mộng Tuyền nhìn bề ngoài đã biết đực rựa giả gái, ấy vậy mà dễ dàng được Ngọc Lan tin tưởng mời về ở chung và thậm chí còn khiến cho hai đại gia Bình và Tú say mê như điếu đổ...
Kết thúc, đại gia tan cửa nát nhà, các kiều nữ muốn trở về với đời sống bình thường cũng không yên. Diễm Kiều trở về với gia đình tìm học một nghề cho tương lai. Phương Hồng về quê sum họp cùng chồng. Quỳnh Hoa mở quán nhưng bị kẻ xấu đốt quán làm cho trắng tay. Không chỉ vậy, gia đình của “thợ săn” hay “con mồi” cũng hứng chịu những hệ lụy. Các nhà làm phim muốn đưa ra lời cảnh báo về cách sống, quan niệm sống và sự băng hoại về mặt đạo đức của một lớp người thừa tiền lắm của và những cô gái chỉ muốn đổi đời bằng nhan sắc phù phiếm.
Sự phê phán ấy thể hiện không quyết liệt, thiếu sâu sắc khiến khán giả cảm thấy khó hiểu không biết phim phê phán hay cố tình tìm tiếng nói đồng cảm cho các cô. Theo thông tin từ nhà sản xuất, kinh phí thực hiện phim là 4 tỉ đồng. Tốn tiền sản xuất, tốn sóng truyền hình để cuối cùng mang đến cho khán giả một bộ phim mà khi xem xong chẳng đọng lại điều gì có giá trị cho cuộc sống.