NSND Kim Cương từng làm bầu, lèo lái thương hiệu đoàn kịch nói Kim Cương nên bà hiểu rất rõ nội tình những luật ngầm phía sau cánh màn nhung. "Nếu một ngôi sao ca nhạc "xù" sô chỉ vì tấm băng rôn thì bầu sô có thể thay thế ngôi sao tương tự. Còn một nghệ sĩ ngôi sao có vai trong một vở diễn mà "xù" sô thì xem như phải trả vé" - NSND Kim Cương nói.
Thực tế, nhắc đến luật ngầm của nghệ sĩ cải lương và kịch nói thì phải kể tới ê kíp thực hiện các bảng quảng cáo, băng rôn. Anh Long, chuyên in quảng cáo cho các đoàn, kể anh được bầu sô giao việc với nguyên tắc: Những tên tuổi ngôi sao bán được vé phải ưu tiên để trước. "Cụ thể là khoảng 12 nghệ sĩ: Lệ Thủy, Minh Vương, Hoài Linh, Vũ Linh, Kim Tử Long, Thanh Ngân, Vũ Luân, Tú Sương, Trọng Phúc, Thoại Mỹ, Thanh Nam, Kim Tiểu Long. Khi nhận điện thoại của các bầu, có tên các NS này thì tôi biết phải sắp xếp theo đúng thứ tự, nếu không muốn bị chửi, bị đền tiền in ấn và có thể bị chính ngôi sao phiền trách khi gặp mặt" - anh Long cho biết.
Đó chỉ là chuyện đằng sau một tấm poster và băng rôn quảng bá, chưa kể hình ảnh, tên tuổi trên tấm vé hoặc thiệp mời. NSND Ngọc Giàu buồn bã: "Vài năm trở lại đây, sàn diễn cải lương lao đao, người trong nghề không còn xét nét với nhau chuyện hơn thua tài năng trên sân khấu mà thay vào đó là hơn thua những chuyện hậu trường. Luật ngầm ở chỗ nghệ sĩ cải lương có lượng fan riêng. Thời Vũ Linh hát một vở tuồng với 2 cô đào thì dưới khán phòng, 2 phe ẩu đả nhau lúc giải lao. Bầu sô thích vậy để bán được nhiều vé. Ngay cả viết tên trên băng rôn cũng phải làm thành 2 tấm. Mỗi bên để tên một cô đào đứng dưới Vũ Linh".
Thế giới ngầm ở lĩnh vực video cải lương cũng vậy, tên tuổi và hình ảnh phải to và lớn, nếu không đáp ứng đúng thì NS bỏ sô. "Khi trong số NS đương thời, có người đặt cái tôi của mình lớn hơn lợi ích của tập thể thì không những chẳng mang lại hiệu quả nghệ thuật cho vở diễn mà còn làm tổn hại đến tình nghệ sĩ" - NS Hồng Nga tâm sự.
Hậu trường sân khấu đã nhiều phen nổi phong ba vì một số nghệ sĩ đòi hỏi phải có luật ngầm trong hoạt động biểu diễn.
"Mâu thuẫn nhất của các ngôi sao là đòi cát sê phải hơn đồng nghiệp. Người tổ chức và bầu sô thường chia tay NS khi họ bị ngôi sao chèn ép, kiểu muốn có tôi thì phải đuổi nghệ sĩ này. Cuối cùng, chính khán giả là người bị thiệt thòi vì phải xem những vở diễn chắp vá diễn viên" - nghệ sĩ Tú Trinh nhận xét.
Thời gian qua, có không ít chuyện nghệ sĩ thay đổi sàn diễn được dư luận quan tâm. Có những trường hợp đi hay ở vì lý do thường tình nhưng cũng có những sự ra đi đã để lại dư âm không lấy gì làm vui. Hậu trường sân khấu cải lương luôn âm ỉ mâu thuẫn của những người làm nghề mà thích sử dụng luật ngầm để triệt hạ nhau.
Những lý do khiến nghệ sĩ bỏ hát chỉ vì họ không thỏa mãn cái tôi của bản thân. Trước đây, trên sân khấu Kịch Sài Gòn, mâu thuẫn giữa V.H và K.O cũng đã dẫn đến việc sàn kịch này phải thay vở diễn vào giờ chót. Khi V.H không thuận với K.O thì tấm băng rôn phải được vẽ kích thước đều nhau.
Trên sân khấu một đoàn cải lương, anh kép D. đến giờ diễn đùng đùng bôi gương mặt đã hóa trang chỉ vì nghe MC đọc bảng phân vai tên mình sau một nữ nghệ sĩ có đẳng cấp thấp hơn. NS Kiều Mai Lý kể: "Trường hợp nghệ sĩ V. mới thực sự làm người trong nghề hãi hùng khi nhắc đến tên vì anh nổi tiếng là "kép phá đoàn". Một lần V. đòi ông bầu tăng lương nhưng yêu sách đó không được thực hiện, vậy là vào suất diễn sau, anh ta chỉ hóa trang nửa mặt dù đang đóng vai Thạch Sanh. Khán giả cười ầm lên, còn ông bầu xanh mặt khi nghe V. giải thích việc hóa trang của mình: "Ông trả tôi nửa lương thì tôi làm tuồng nửa mặt"!
Cô đào M. từng đòi ông bầu tháo ngay tấm băng rôn và đền tiền lương gấp ba mới bước ra sân khấu, cho dù vở diễn đã mở màn được một cảnh. Một nghệ sĩ hài nổi tiếng diễn tại rạp Thủ Đô, dù người bạn diễn đã bước ra sân khấu, MC cũng đã giới thiệu tiết mục của nhóm hài này nhưng vì thương lượng giá cả với nhà tổ chức không xong, cô kêu bạn diễn quay vào trong và thản nhiên ra về, mặc cho khán giả ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì xảy ra.
"Có hàng trăm chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" khác khiến sóng gió ở hậu trường sân khấu cứ nổi lên, như: treo băng rôn tên nghệ sĩ A. sau nghệ sĩ B., in hình trên tờ quảng cáo nhỏ hơn nghệ sĩ C., S..., rồi trang phục, đạo cụ đến câu ca, lời thoại trong vở diễn cũng bị đem ra so bì khi họ có chút hiềm khích với nhau. Luật ngầm của giới nghệ sĩ cải lương còn là sự cấu kết giữa nghệ sĩ ngôi sao với bầu, nhằm triệt hạ đối thủ" - nghệ sĩ Kiều Mai Lý dẫn chứng.
Một dạo, sân khấu cải lương rộ lên chuyện về cô đào Z. và anh kép C. vì hiềm khích cá nhân nên khi ra sân khấu, cô này đã diễn cảnh Võ Tắc Thiên tát vào mặt anh C. đóng vai Tiết Thiệu một cú nảy đom đóm, như để trả thù, khiến khán giả một phen bất ngờ vì "nghệ sĩ diễn quá thật". Sau cảnh diễn đó, hậu trường sân khấu xảy ra cảnh hỗn chiến giữa họ. Đồng nghiệp ngao ngán, còn khán giả không hiểu vì sao giờ giải lao lại kéo dài, chờ đến mệt mỏi. Tất nhiên sau đó, cô đào yêu cầu bầu phải thay đổi kép thì cô mới tiếp tục diễn, còn không thì rời đoàn. Vụ việc này chính bầu sô giựt dây để kép C. phải đền hợp đồng.
"Nghệ sĩ là những người có sự nhạy cảm cao, dễ tự ái và dễ bị tổn thương nên mọi ứng xử đòi hỏi phải hết sức tế nhị. Khi trong số họ có người đặt cái tôi của mình lớn hơn lợi ích của tập thể thì không những không mang lại hiệu quả nghệ thuật cho vở diễn mà còn làm tổn hại đến tình nghệ sĩ. Không ít nghệ sĩ đã là con rối, tạo nên những luật ngầm tự hại chính mình và nghệ thuật chân chính" - NSND Kim Cương bày tỏ.