Và lớp học trên điểm trường Nóc Ông Ruộng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) có những người giáo viên như thế.
Thầy Lưu Văn Hóa vào nghề được 22 năm – Giáo viên Trường Tiểu học Trà Văn (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) gặp không ít khó khăn khi cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn nhưng bằng tình yêu của mình với học sinh thầy đã vượt qua tất cả.
Con đường đến trường của học sinh người K’Dong ở điểm trường Nóc Ông Ruộng của trường Tiểu học Trà Vân vốn đã khó đi, càng trở nên nguy hiểm sau mỗi trận mưa. Vì thế, cứ mỗi khi rảnh, không đứng lớp là thầy Hóa lại vác cuốc xuống sửa lại những đoạn đường nguy hiểm, trơn trượt để đảm bảo an toàn hơn cho các em học sinh.
"Con đường cứ mưa lớn là bị sụt, những buổi chiều không có lịch dạy thì mình xuống đây sửa đường để những đứa học sinh của mình ở đây đi qua không bị ngã", thầy Lưu Văn Hóa cho hay.
Điểm trường Nóc Ông Ruộng của thầy Hóa có 3 phòng học dành cho 37 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Phụ trách 3 lớp là thầy Hóa và 2 cô giáo cắm bản. Lớp học của thầy Hóa có 10 học sinh lớp 2. Lớp học không có gì đặc biệt, ngoài sự thiếu thốn trăm bề nhưng ở đây thầy và trò coi nhau như người thân ruột thịt.
Nằm cheo leo trên đỉnh Đông Trường Sơn, Nóc Ông Ruộng là nơi sinh sống của 72 hộ dân người K’Dong ở thôn 3, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cuộc sống của những người K’Dong ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nên các thầy cô cũng chịu chung nổi vất vả.
Nơi đây biệt lập với thế giới bên ngoài, không điện lưới, không nước sạch, không trạm y tế và chẳng có chợ để mua sắm thức ăn. Để có nước, các thầy cô phải hứng nước mưa để phục vụ cho việc nấu nướng, ăn uống. Còn sinh hoạt thì có nước suối, nhưng nước suối có lúc cạn, lúc đầy.
Nhiều khi đang giờ ra chơi thấy báo có nước về là thầy Hóa lại vội vàng đi kéo dây để lấy nước. Gặp những lúc trời mưa không thể xuống trợ trung tâm để mua bán, thầy Hóa và hai cô giáo phải trông chờ vào những người bán hàng di dộng từ Sơn Hà (Quảng Ngãi) vượt núi, bang rừng sang Trà Vân bán hàng .
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thủy - điểm trường Nóc Ông Ruộng cho hay: "Học sinh ở đây đi học không đồng đều, học sinh thích thì đi, không thì nghỉ. Những hôm trời mưa có học sinh còn nghỉ học cả tuần.
Phụ huynh ở đây có tập tục nghiện rượu, không quan tâm đến con mình và phó mặc mọi thứ cho thầy cô. Phụ huynh không cần biết con mình đi đâu, làm gì, ngủ ở đâu cũng không biết luôn".
Buổi sáng thầy cô dạy chính khóa, buổi chiều phụ đạo cho các em yếu kém, buổi tối thầy cô lại lặn lội lên nhà trò chuyện và vận động người dân, giờ đây con chữ đã đến gần hơn với người người K’Dong và cũng không còn cảnh thầy cô thấp thỏm mong hết giờ học để đi tìm trò. Thế mới biết những nỗ lực rèn dũa, dạy người của giáo viên cắm bản không chỉ vì trách nhiệm về nghiệp mà còn vì chữ tâm với mong muốn cống hiến cho vùng cao.
Để hút học sinh đến trường, thầy cô phải đi vận động các nhà hảo tâm, tiết kiệm các chi phí để mua đồ dung học tập và sắm đồng phục cho các em vì có quần áo đẹp các em mới năng đến trường. Để giữ được quần áo mới đẹp, thầy cô lại vận động các em sau mỗi giờ học, các con thay đồng phục để lại cho các cô giặt giũ, phơi phóng. Khi áo rách, cũng lại là cô tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ. Khi cặp em hỏng cũng lại thầy cặm cụi từng phút để sửa lại.
Năm nay đã 54 tuổi, thầy Lưu Văn Hóa gắn bó với giáo dục hơn 20 năm. Là con út trong gia đình, các anh chị đều đã lên ông, lên bà, nhưng bản thân thầy Hóa lại chưa tìm được hạnh phúc riêng. Ba mẹ đều đã mất nên giờ đây thầy chỉ còn niềm vui là các học sinh nhỏ ở đỉnh Trà Vân.
"Có lẽ là duyên chưa tới nhưng tôi không buồn vì tôi có cả "đàn con", ấy là hạnh phúc lớn nhất không phải ai cũng có được", thầy Hóa tâm sự.
Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, dẫu phải vượt qua nhiều trăn trở đời thường, nhưng thầy Hóa cũng như những giáo viên khác ở Trà Vân đều rất tâm huyết với nghề và hết lòng cống hiến cho giáo dục vùng cao với hi vọng những đứa trẻ nơi đây có một tương lai tươi sáng hơn.