Hôm qua, 12-8, các trường ĐH đã kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016. Sau khi hết hạn nộp hồ sơ trực tiếp và qua đường bưu điện (17 giờ), vào lúc 22 giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ cho các trường tải dữ liệu, sau đó các trường sẽ tiến hành họp bàn đưa ra mức điểm chuẩn chính thức.
Điểm chuẩn sẽ không nhiều biến động
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết tính đến 17 giờ ngày 12-8, trường nhận được 8.500 hồ sơ. Điểm chuẩn dự kiến các ngành năm nay nằm trong khoảng 18-23.
Đại diện Trường ĐH Kinh tế TP HCM tiết lộ điểm chuẩn năm nay của trường sẽ không dưới 21. Trường nhận được hơn 7.000 hồ sơ/5.000 chỉ tiêu nên thí sinh chỉ tầm 22 điểm có thể đậu.
Trong khi đó, nguồn tin từ Trường ĐH Ngân hàng TP HCM nhận định qua khảo sát hồ sơ nộp vào tính đến 17 giờ ngày 12-8, nếu lượng hồ sơ qua bưu điện không tăng đột biến, điểm chuẩn năm nay của trường này ở mức 20,25.
Nguồn tin từ Trường ĐH Ngoại Thương (cơ sở 2 TP HCM) nói rằng điểm chuẩn của trường năm nay sẽ ở khoảng 24,5 tùy tổ hợp xét tuyển. Trường này nhận được 2.000/900 chỉ tiêu.
Trong khi đó, một thành viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM) với chỉ tiêu 1.400, trường dự kiến mức điểm chuẩn khoảng 19- 21,5, trong đó ngành Hệ thống thông tin quản lý của trường này do nhận được không nhiều hồ sơ bằng các ngành khác nên điểm chuẩn ngành sẽ ở mức dưới 20.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM nhận được 7.800 hồ sơ bằng điểm thi THPT quốc gia và 1.800 hồ sơ học bạ, tổng cộng 9.600 hồ sơ. Các ngành “hot” như công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, quản trị kinh doanh, kế toán, lượng hồ sơ nộp vào rất nhiều, dự báo điểm chuẩn thấp hơn chỉ 1-2 điểm (khoảng 19 điểm có thể đậu). Các ngành như công nghệ vật liệu, khoa học dinh dưỡng, tiếng Anh (hệ CĐ) dự kiến điểm chuẩn chỉ ở mức bằng hoặc nhích hơn điểm sàn, có thể xét thêm đợt 2.
TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết tổng số hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường đợt 1 là 7.500 hồ sơ/4.000 chỉ tiêu.
Căng thẳng bài toán thiếu - thừa
Lúc 17 giờ ngày 12-8, dữ liệu của nhóm GX (9 trường tự chủ tuyển sinh theo nhóm) được đưa về Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để xử lý. “Việc xác định điểm chuẩn để tránh hụt chỉ tiêu, thừa chỉ tiêu là lo lắng, băn khoăn nhất của các trường trong nhóm GX” - ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, nói.
Đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường Bách khoa Hà Nội cho biết dù trong nhóm GX đã lọc ảo được rất nhiều nhưng nhà trường rất lo về tình trạng ảo vì không thể biết ảo thế nào chính là bài toán phức tạp và nan giải nhất. Tỉ lệ hồ sơ ảo rất cao, có thể lên tới 50% nên khó xác định bởi các trường xét tuyển theo nhiều hình thức.
Ông Cao Quốc An, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp, cho rằng năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các thí sinh được đăng ký 2 trường là tạo cơ hội cho thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, các trường lại đứng trước nguy cơ hồ sơ “ảo” lớn. Do đó, từ năm sau, nếu muốn đợt xét tuyển sinh ĐH diễn ra như mong muốn của các thí sinh và các trường thì phải có giải pháp đồng bộ.
Phân tích quá trình xét tuyển năm nay, ông Trịnh Minh Thụ cho biết thí sinh sẽ có nhiều thuận lợi trong đăng ký xét tuyển. Vì mỗi thí sinh được đăng ký ít nhất 2 trường 4 ngành và đăng ký bằng 3 con đường. Dù thế, bất lợi là thí sinh sẽ vẫn phải “đánh cược” với lựa chọn của mình. Năm 2015, thí sinh có thể chuyển sang trường khác nếu biết không đỗ. Còn năm nay, hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của thí sinh.
TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết sau khi họp, hội đồng trường sẽ thống nhất mức điểm chuẩn dựa trên sự tính toán kỹ lưỡng nhiều yếu tố để giảm tỉ lệ ảo cao nhất. “Năm nay, trường nhận được hơn 10.000 hồ sơ. Đối với những ngành hấp dẫn, ngành thuộc khối sư phạm, điểm chuẩn khá cao ở những năm trước, chúng tôi sẽ lấy vừa đủ chỉ tiêu đưa ra. Đối với những ngành ngoài sư phạm khó tuyển hơn, chúng tôi sẽ lấy vượt chỉ tiêu vì tỉ lệ ảo tập trung vào những ngành này” - bà Hiếu nói.