Dưới cờ đại nghĩa, bộ phim truyền hình nhiều tập đang phát sóng những tập đầu tiên trên HTV7 đã gây sự chú ý của người xem bởi phim được xây dựng từ tiểu thuyết Người Bình Xuyên của cố nhà văn Nguyên Hùng.
Điểm nóng: Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thùy Mai
Tác phẩm văn học càng nổi tiếng, phim càng có lợi thế thu hút người xem. Đây là lý do để hàng loạt bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học ra đời trong thời gian tới.
Sau 3 tháng ghi hình, vừa qua đạo diễn Phương Điền đã đóng máy bộ phim truyền hình dài 13 tập Tình yêu còn mãi. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn Ơi cải về đâu nằm trong tập truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Dự kiến Tình yêu còn mãi sẽ phát sóng vào tháng 4 tới. Ơi cải về đâu không phải là truyện ngắn duy nhất trong tập truyện Cánh đồng bất tận lên phim. Trước đó, khi “cơn sốt” Cánh đồng bất tận còn chưa hạ nhiệt, Hãng phim BHD đã nhanh tay mua bản quyền truyện ngắn này để dựng thành phim. Ngoài Nguyễn Ngọc Tư, một cây bút nữ khác cũng khá đắt giá trong mắt các đạo diễn là Trần Thùy Mai. Đã có 2 truyện ngắn của chị: Gió thiên đường và Thập tự hoa thành phim. Thời gian tới có ít nhất 2 phim nữa dựa theo truyện của Trần Thùy Mai là Trăng nơi đáy giếng (Hãng phim Giải Phóng sản xuất, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) và Người bán linh hồn (đạo diễn Lâm Lê Trọng Nghĩa).
Không chỉ Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thùy Mai, nhiều tác phẩm của các tác giả khác cũng đang được các hãng đua nhau khai thác thành phim nhựa và truyền hình như Yểu điệu thục nữ, Năm Sài Gòn (Bùi Chí Vinh), Trường ca Đam San (phim Dũng sĩ Đam San), Một thời rừng Sác (Lê Bá Ước, phim Đặc công rừng Sác), hồi ký của tướng Huỳnh Văn Nghệ (phim Một cõi trời Nam)...
Truyện hay, phim dở
Tự thân các tác phẩm văn học đã có chỗ đứng trong lòng độc giả và qua quá trình thẩm định của công chúng nên chắc chắn sẽ là chất bột tốt để các nhà làm phim gột nên hồ. Thế nhưng một truyện hay không hẳn sẽ thành một bộ phim hay. Thực tế cho thấy 2 bộ phim Gió thiên đường (Hãng phim Giải Phóng) và Thập tự hoa (Hãng phim Á châu) khi ra rạp vừa qua đã làm không ít khán giả từng yêu truyện thất vọng bởi phim hoàn toàn không chuyển được cái hồn của truyện.
Trong Gió thiên đường - truyện, hình ảnh nhân vật sư Mi hiện ra thanh thoát, mỏng manh như một ngọn gió- gió thiên đường, Mi là vũ sư và lớp học khiêu vũ cùng những điệu nhảy của cô cũng chỉ là những bước nhảy slow, valse nhẹ nhàng. Bối cảnh và nhân vật truyện nhìn chung toát lên vẻ êm đềm, lãng mạn- đặc trưng riêng của cây bút Trần Thùy Mai. Thế nhưng trong Gió thiên đường - phim, không khí cần có đó tan đi hết mà thay vào là những cảnh ăn chơi ồn ào của các cậu ấm, cô chiêu, những điệu nhảy hip-hop thời thượng và những pha đua xe nẹt bô ầm ĩ. Thất bại của Gió thiên đường trước hết xuất phát từ chính sự không nhất quán của đạo diễn trong việc xác định hướng làm phim: tuân thủ như nguyên tác (với nhân vật ít, bối cảnh ít) hay chạy theo thị hiếu khán giả trẻ (đưa trào lưu hip-hop lên phim và về khoản này thì phần nào phim khá thành công). Vì thế phim đã phá vỡ cái hồn của truyện, nhân vật Mi trên phim hiện lên dật dờ và chìm lỉm giữa đống xô bồ, “gió thiên đường” tìm đâu không thấy.
Riêng trường hợp Thập tự hoa, những tuyến nhân vật phụ do đạo diễn thêm vào với mục đích làm dày tình tiết cho câu chuyện lại vô tình đẩy các nhân vật chính vào thế khán giả bị phân tán. Sự chú ý của người xem đổ dồn vào tuyến nhân vật phụ do diễn xuất quá xuất sắc của 2 diễn viên phụ (Công Ninh, Phương Thanh) lấn át hẳn vẻ gượng cứng của cặp nam- nữ diễn viên chính (Thủy Hương-Nguyễn Phi Hùng). Một đáng tiếc nữa ở Gió thiên đường và Thập tự hoa là phần âm nhạc không được sử dụng hiệu quả trong khi đây lại là ngôn ngữ bổ trợ quan trọng một khi ngôn ngữ điện ảnh không thể chuyển tải được phần hồn của truyện.
Tác phẩm văn học chỉ là nền
Vì sao phim không hay như truyện, câu hỏi muôn thuở của khán giả cũng chính là nỗi trăn trở của các nhà làm phim. Trước tiên phải thừa nhận việc chuyển một truyện ngắn độ dài chỉ vài chục trang thành một bộ phim dàn trải từ 30 phút (đối với phim truyền hình) đến 90 phút (phim nhựa) là một việc làm không dễ dàng. Ngoài ra còn một lý do quan trọng khác nữa mà theo lý giải của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân là: “Mỗi bộ môn nghệ thuật có đặc trưng ngôn ngữ riêng, do đó việc chuyển từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác rất khó, giữa văn học và điện ảnh có những “cái ngưỡng” nhiều lúc không vượt qua được. Văn học chỉ là nền tảng, người biên kịch phải biết “lẩy” ra được “hạt nhân”, “cái hồn” của truyện để khai thác chúng bằng ngôn ngữ điện ảnh”.
Thất bại của Gió thiên đường và Thập tự hoa cho thấy dù tác phẩm văn học hay đến đâu nhưng qua bàn tay nhào nặn yếu kém của các nhà làm phim thì tác phẩm điện ảnh ra đời không thể hay được.