Lùi xa “chốn bụi hồng”.- Tôi gặp ông trong lúc ông vẫn còn nhớ nhớ, quên quên. Một nhà hàng ở Cà Mau đã dựng một sân khấu nhỏ rồi dán dòng quảng cáo: “Cùng hát với nghệ sĩ Minh Cảnh”. Trong một buổi tiệc đón đoàn khách của Tổng cục Du lịch, người ta giới thiệu có Minh Cảnh hát phục vụ, một số người khách cũng có ý chờ. Ông ngồi đợi trong khoảng tối phía sau sân khấu, nhưng suốt buổi tiệc không ai nhắc tới ông. Sau buổi chiêu đãi, tôi ra phía sau sân khấu để tìm nhưng dường như ông đã về. Gần tháng sau, anh xe Honda ôm mách cho tôi một điểm nhậu mới: Quán nghệ sĩ Minh Cảnh. Tôi đến gặp ông với ý định viết về tâm sự của người nghệ sĩ khi giã từ sân khấu. Tôi cứ tới tới, lui lui với ông, đôi khi chỉ để nhắc lại tên của mấy vở cải lương có ông thủ vai chính mà lúc nhỏ tôi nghe thuộc nằm lòng ở đài phát thanh. Cho đến một buổi sáng nọ, một người quen cho tôi biết, nghệ sĩ Minh Cảnh đã xuống Cà Mau lập nghiệp...
Minh Cảnh kể: Sau khi đoàn hát gãy gánh, phần vì sức khỏe xuống dốc, phần vì tự trọng nghề nghiệp (vì đã từng là ông chủ của hai đoàn hát), ông không muốn đầu quân cho đoàn nào khác, vậy là lương duyên của ông với sân khấu cải lương dần dần nhạt phai... Ông nói, ông mệt mỏi với bươn chải trong nghề nghiệp, bươn chải mưu sinh, ông đã lùi xa “chốn bụi hồng” này. Ông muốn sống cuộc sống “về vườn” yên ổn. Nhưng “về nhàn” trong buổi “công danh chưa thuận” chẳng khác nào ông đã thay tất bật này bằng một tất bật khác nặng nề hơn vì ngoài cải lương, ông nói, ông không có sở trường gì khác.
Hát quán nhậu, đám cưới, đám ma, đám giỗ. - Và quả vậy, ông không có sở trường nào khác, chỉ có nghề hát. Ở Long Xuyên có người mời Minh Cảnh về mở quán nhậu. Minh Cảnh khăn gói xuống, quán nghệ sĩ Minh Cảnh mở ra, khách đến ào ào, vì lạ, vì ngưỡng mộ tiếng tăm một thời của nghệ sĩ cải lương Minh Cảnh. Mà chỉ mấy năm trước thôi người dân mê cải lương ở tỉnh năm thì mười họa mới được xem Minh Cảnh về hát. Nhớ có lần Minh Cảnh về Cà Mau có người bơi xuồng từ trưa cho tới tối chỉ để xem Minh Cảnh ngoài đời ra sao. Đó là thời vàng son của nghệ sĩ Minh Cảnh. Còn bây giờ, ở chốn rượu men và tiền bạc, Minh Cảnh đã bị hất ra ngoài cuộc chơi.
Thôi ở Long Xuyên, ông tìm xuống Cần Thơ, ở đó cũng có người anh em cũ. Nhưng vợ chồng ông được tiếp đãi bằng những lời hẹn, đợi, đợi cho tới lúc tự ái bảo ông một lần nữa khăn gói xuống Sóc Trăng. Một người quen cũng đã hứa giúp vốn cho ông mở quán nghệ sĩ, nhưng lời hứa cũng chỉ “văn nghệ” vậy rồi thôi! Thời gian ở Sóc Trăng là lúc ông nhận ra rằng mình đã bỏ rơi nhiều thứ ở lại với gánh hát đã rã kia rồi...
Sau này ông vẫn nói với mọi người rằng một thời ông sống bằng sức sống của một “thằng bé trên đống rác”, từng giành nhau từng bịch ni-lông, cái nắp la de, về sau sân khấu đã làm nên một Minh Cảnh tiếng tăm và cũng tiếng tăm ấy cũng đã đánh cắp đi một Minh Cảnh. Đó là khi người ta sống dựa quá nhiều vào tiếng tăm và lối sống cũng mất dần ý chí đấu tranh... Cho đến khi ông hiểu được điều này thì sân khấu đã lìa xa ông. Giờ để sống qua ngày ông phải đi hát đám cưới, đám giỗ, đám tang với mỗi suất bồi dưỡng vài ba trăm ngàn. Đối với một công chức bình thường thì số tiền ấy cũng đủ để có một cuộc sống kha khá, nhưng đối với một ngôi sao Minh Cảnh vừa gãy gánh tài năng, vừa bước xuống từ chiếc ghế ông chủ thì khó chịu gì bằng. Một Minh Cảnh thời vàng son từng là mối hiềm khích của các bầu sô để tranh giành cho được anh về hát trên sân khấu của họ, giờ phải chầu chực hát đám, hát đình thì ngậm ngùi biết bao! Tiền nong không đủ sống và nhất là sân khấu không đủ hát cho thỏa lòng, bức bối ông xuống Cà Mau khi có lời mời của một quan chức ngành du lịch Cà Mau mời ông phục vụ cho các nhà hàng ở đây. Vậy là cuộc đời ông trôi dạt về vùng đất tận cùng của Tổ quốc, nơi mà thuở trước về đây lưu diễn ông đã không ngủ được bởi tiếng muỗi kêu, nhưng Cà Mau luôn được xem là “mảnh đất của cải lương”. Nhưng tuổi đã không còn trẻ, ông lại chán cái cảnh ngồi chầu hát chực, ông vẫn muốn có sân khấu của riêng mình để không phải hát như một nghệ sĩ công chức.
Đang đợi một điều gì đó.- Điều gì ông nghĩ thì vợ ông cũng đã lo, bằng cách chạy vạy đầu này đầu nọ kể cả hỏi bạc góp để cuối cùng mở được một cái quán kha khá trên đường Nguyễn Tất Thành. Lúc đến gặp ông lần đầu, Minh Cảnh vẫn phong độ của một ông chủ mới, tự tin và cởi mở. Tôi nhắc đến sân khấu, ông mạnh miệng cam đoan: “Bây giờ Nhà nước cho tôi vay 500 triệu đồng, trong 5 năm tôi sẽ có tiền hoàn lại 500 triệu đồng và có luôn một gánh hát ngon lành, nếu không như lời tôi thì xin đổi mạng để trả nợ”. Nhưng buổi nói chuyện đó chỉ có ông và tôi, không có “ông Nhà nước” nào để nghe lời cam đoan đó. Cho nên không đoàn hát nào ra đời mà quán nghệ sĩ dần dần thưa khách. Nhiều người nghĩ Minh Cảnh sẽ “bể hụi”. Suốt mấy tháng, tôi mừng vì điều đó đã không xảy ra. Dẫu rằng từng lúc, từng lúc cái khó dần siết chặt ông. Một buổi sáng trên đường đi công tác tôi ghé thăm ông. Ông đang ngồi bên mâm cơm mà theo như vợ ông than: “Một ngày hai vợ chồng ăn phần cơm 5.000 đồng, còn mẻ cá kho đã ba ngày rồi..., rằng điện thoại nhà bị thiếu nhiều quá đã bị cắt rồi, rằng người ta (chủ nợ) đã đến chở hai cái máy lạnh ở quán rồi...
Đó là một ngày sau mấy ngày mừng thọ 65 tuổi của ông. Trong buổi tiệc mừng thọ đó có đủ mặt: lãnh đạo một số công ty thủy sản, thợ hớt tóc, một vài người bạn quen của quán, các chủ hụi... chỉ có duy nhất nghệ sĩ Minh Sang là đồng nghiệp đến với ông. Tại buổi tiệc đó tôi thấy Minh Cảnh đợi điều gì đó, vì ông đã gửi nhiều thiệp mời gần xa, nhưng không thấy ai “hạ cố”.
Sau buổi ấy, tôi thấy Minh Cảnh có vẻ trầm ngâm hơn. Những buổi đến gõ cửa nhà ông vẫn thấy ông ngồi xếp bằng tĩnh tọa như bất động, bên cạnh là vợ ông đang loay hoay với mấy tờ báo cũ...