Trong làn sóng các cầu thủ châu Phi tràn đến Lào thời gian qua, CLB Champasak United - một đội bóng vừa thành lập tại tỉnh Pakse, không phải SHB Champasak của “bầu” Hiển – đã đưa về đến 23 cầu thủ ở độ tuổi 14-16 và tiến hành ký hợp đồng thi đấu với 6 trong số đó.
Theo nhận định của tác giả loạt bài điều tra Piers Edwards của hãng BBC, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quy định của FIFA về việc cấm mua bán, chuyển nhượng cầu thủ vị thành niên, tương tự những gì CLB nổi tiếng Barcelona đã làm và đang phải đối mặt với án phạt không được thực hiện các vụ chuyển nhượng trong vòng 18 tháng.
Kesselly Kamara, một cầu thủ mới 14 tuổi mang quốc tịch Liberia, đã ghi bàn khi thi đấu trọn 90 phút ở một trận thuộc Laos League, cho biết cậu bị ép buộc phải ký vào hợp đồng thi đấu có thời hạn 6 năm. Đổi lại, cậu được hứa hẹn các khoản thu nhập và chế độ đãi ngộ hậu hĩnh… Tuy vậy, chưa bao giờ cậu được nhận một xu tiền lương và hàng đêm, Kamara còn phải ngủ trên nền sàn xi-măng tại sân bóng của đội!
“Thật là tồi tệ khi 30 con người bị nhồi nhét vào một căn phòng thiếu mọi tiện nghi tối thiểu” - Kamara kinh hoàng nhớ lại mọi chuyện sau khi tìm được cách quay về quê hương và hiện thi đấu cho một CLB ở giải vô địch Liberia.
Kamara chỉ là một trong số các cầu thủ nhỏ tuổi gia nhập “Học viện bóng đá Á – Phi IDSEA Champasak” theo những lời dụ dỗ “đường mật” của cầu thủ Alex Karmo, hiện là thủ quân của chính IDSEA Champasak United. Họ xem đây là cơ hội đổi đời, một phần cũng vì tại quê nhà của họ không có nổi một nơi đào tạo bóng đá trẻ tử tế cho dù Liberia là nơi sản sinh một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá thế giới cuối thế kỷ XX – George Weah.
“Thật ra, đấy là một địa chỉ đào tạo hoàn toàn hư cấu, không có sân bóng, không HLV, không bác sĩ! Ở đấy, Karmo là cầu thủ kiêm nhiệm HLV trưởng, nắm cả chức giám đốc kỹ thuật lẫn giám đốc kinh doanh, tất cả. Thật là lố bịch!” – nhà báo người Liberia đồng thời là một chuyên gia tiếp thị thể thao Wleh Bedell khẳng định. Chính Bedell là người đưa nhóm cầu thủ trẻ đồng hương sang Lào từ tháng 2 để gia nhập “học viện” kể trên nhưng hoàn toàn vỡ mộng.
Trước áp lực ban đầu từ FIFA và Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro), Champasak United buộc phải “phóng thích” 17 cầu thủ trẻ, trong đó có Kamara, cách đây ba tháng. Tuy vậy, hiện vẫn còn 6 cầu thủ bị giữ lại tỉnh lỵ miền Nam Lào này. Được Karmo “mách nước”, chủ tịch CLB Phonesavanh Khieulavong khăng khăng chối bỏ mọi cáo buộc: “Chúng tôi không ký hợp đồng chuyên nghiệp với các cầu thủ Liberia. Chỉ là các văn bản thỏa thuận giúp họ nhận được các khoản thưởng nếu thi đấu tốt. Họ được nuôi ăn ở đầy đủ và trả lương hàng tháng đó chứ!”.
Dù vậy, cả Khieulavong lẫn Karmo cùng phủ nhận sự tồn tại của các cầu thủ trẻ tại “học viện” của họ dù chính Karmo có bóng gió nói đến một cầu thủ 16 tuổi quốc tịch Guinea đang thuộc biên chế của Champasak United. Nhà báo Bedell thì khẳng định “còn đến 8 cầu thủ, 6 từ Liberia, 1 mang quốc tịch Ghana và một đến từ Sierra Leone, sống trong các điều kiện khủng khiếp tại IDSEA Champasak United”.
Không những thế, các cầu thủ này còn bị hạn chế tối đa việc đi lại kể từ khi thị thực nhập cảnh của họ hết hạn từ ba tháng nay, tức họ đang mang tư cách những người nhập cư bất hợp pháp trên đất Lào. Tất cả vẫn chờ đợi được nhận giấy phép lao động trong vô vọng.
Điều trớ trêu là dường như không cầu thủ nào muốn quay trở về nước dù phải sống, làm việc như những “nô lệ thời hiện đại”. Bà Bella Tapeh, mẹ của một cầu thủ đã 17 tuổi, cho biết: “Tôi không muốn con trai mình trở về Liberia cho đến khi nó đạt được ước mơ trở thành cầu thủ nổi tiếng”. Được biết, gia đình của 12 cầu thủ trẻ đều rất khó khăn, thậm chí phải vay mượn mỗi nhà 550 USD làm lộ phí cho con em sang Lào!
Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Culture Foot Solidaire, có khoảng 15.000 cầu thủ trẻ rời Tây Phi đi “lập nghiệp” hàng năm, nhiều người trong số đó đều trong tình trạng bất hợp pháp. FIFPro cho biết đã tác động đến FIFA, yêu cầu trừng phạt LĐBĐ Lào do tổ chức này bất lực trong việc kiểm soát tình hình ở Champasak United.