Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác quốc tế, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ-ĐT), năm 2020 Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Trong đó, khu vực châu Âu có 40.000 du học sinh, châu Mỹ khoảng 50.000, châu Á 70.000, châu Đại Dương trên 32.000 và châu Phi có khoảng 50 du học sinh Việt Nam.
Những chiêu trò mời gọi
Số lượng học viên có nhu cầu đi du học hằng năm đều tăng lên, có 2 hình thức du học được lựa chọn nhiều nhất là theo diện được cấp học bổng và tự túc. Đối với diện tự túc, học viên cần có tiềm lực kinh tế lớn, đây là "miếng bánh ngon" của các công ty tư vấn du học.
Bên cạnh những công ty có uy tín, thực hiện đúng cam kết, giá cả phải chăng thì tồn tại nhiều công ty, trung tâm hoạt động có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người làm thủ tục để lấy giá dịch vụ cao, hoặc bán lại hồ sơ cho trung tâm khác, người học phải đóng tiền hai lần…
Bằng những lời quảng cáo hoa mỹ, các trung tâm kém chất lượng đã giăng bẫy phụ huynh, học viên một cách tinh vi. Em Đoàn Thắng (quận Gò Vấp, TP HCM) có nhu cầu du học ngành dược tại Ý, sau khi tìm hiểu, em được công ty A. tư vấn nộp hồ sơ, mua dịch vụ trọn gói. Trung tâm này cam kết với gia đình Thắng sẽ lo từ A đến Z trong hành trình chuẩn bị hồ sơ du học, bao gồm cam kết đậu visa (thị thực) 100%, và nhận học bổng 80% của trường ĐH tại Ý. Gia đình Thắng đồng ý, nộp vào số tiền hơn 200 triệu đồng để mua gói dịch vụ này, chưa bao gồm học phí và chi phí ăn ở khi đi du học.
"Trong lúc tư vấn, nhân viên liên tục hối thúc gia đình em ký hợp đồng sớm để được hưởng ưu đãi và kịp làm hồ sơ du học, em cũng tin tưởng và đóng tiền. Nhưng khi em hỏi lại bên Tổng lãnh sự Ý thì trường ĐH này không có chính sách trao 80% học bổng, xét theo trường hợp của em thì tỉ lệ rớt visa là 40%. Em đến trung tâm yêu cầu giải thích và hoàn tiền, thì trung tâm thông báo nếu không học được tại trường đó, họ sẽ chuyển em sang trường khác ở nước khác chứ không hoàn tiền" - Thắng cho biết.
Các học viên thường mắc bẫy khi tin vào các lời quảng cáo như: trường ở tốp đầu nước, bằng cấp được chấp nhận toàn thế giới, học bổng cao, không cần chứng minh thu nhập, có thể được ở lại định cư… Khi học viên đóng tiền, đến thời hạn nhận lại hồ sơ để đi du học thì bị hứa hẹn nhiều lần hoặc đòi thêm tiền mới xong thủ tục… Đến lúc qua học thì trường chỉ ở tốp cuối, không tên tuổi, cơ sở vật chất kém.
Chị Lê Thị Hoàng Chi (quận 1, TP HCM) có con du học tại Úc chia sẻ rằng tin tưởng vì trung tâm lấy phí dịch vụ thấp, chỉ bằng 2/3 trung tâm khác, con chị còn được ưu đãi một suất học tiếng Anh miễn phí, bảo đảm đầu ra, chị đã ký hợp đồng mà không kiểm tra lại. Tuy nhiên, trong quá trình làm hồ sơ, trung tâm liên tục thu các khoản phí "không tên", dọa hủy kết quả, không trả lại hồ sơ nếu chị không nộp đủ tiền. Và học phí của trường phải nộp qua trung tâm, khi chị kiểm tra lại mức học phí chênh lệch đến hàng chục triệu đồng.
Một du học sinh tại Nhật cho biết nhiều trung tâm đã hứa hẹn học viên sau khi đến Nhật học tập sẽ được giới thiệu việc làm thêm với mức lương từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng/tháng. Nhưng Chính phủ Nhật chỉ cho phép du học sinh làm thêm tối đa 28 giờ/tuần, mức lương cao nhất khoảng 28 triệu đồng/tháng. Các du học sinh muốn đạt được mức lương như trung tâm quảng cáo thì phải đi làm thêm công việc khác. Đương nhiên đó là làm chui, khi bị phát hiện sẽ trục xuất về nước và trung tâm sẽ không đứng ra bảo lãnh hay chịu trách nhiệm.
Cần tỉnh táo
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, khi có dự định du học, nơi đầu tiên học viên nên đến là đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán của nước mình muốn đi. Hiện nay, mỗi quốc gia đều có trung tâm chính thống phi lợi nhuận của các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam. Chẳng hạn, Lãnh sự quán Pháp có văn phòng Campus France, Úc có trung tâm AEC, Mỹ có Phòng văn hóa thông tin, Anh có Hội đồng Anh, Singapore có trung tâm thông tin của Tổng cục Du lịch Singapore... Phụ huynh có thể kiểm chứng mọi thông tin tại các trung tâm này, trường lớp, ngành học, học phí và các thông tin về visa, luật pháp, văn hóa cũng như quy định của nước đó về du học sinh.
"Khi quyết định sử dụng các dịch vụ của trung tâm, học viên nên kiểm tra lại kinh nghiệm tư vấn, giấy phép, độ uy tín, bằng cách kiểm tra chéo nhiều nguồn. Phụ huynh không nên ký ngay hợp đồng, mà nên mang nó về nhà tham khảo thêm, nghiên cứu thật kỹ, vì các điều khoản trong hợp đồng của những trung tâm kém chất lượng thường cài cắm vào các điều khoản bất lợi cho học viên, những điều khoản miễn trừ trách nhiệm của trung tâm khi xảy ra sự cố" - ông Khánh Nguyên cho hay.
Đồng thời, ông Nguyên khuyến cáo, học viên nên cẩn thận với thông tin về học bổng. Thông thường, học bổng sẽ có 2 loại: học bổng cho học sinh xuất sắc thông tin sẽ công khai trên báo chí, rộng rãi, các công ty chỉ chia sẻ lại thông tin. Thứ hai là học bổng nhỏ, mang tính hỗ trợ tài chính, khuyến khích, các trung tâm thường nói nhiều đến những học bổng này, nhưng học viên phải hiểu đây chỉ là những học bổng hỗ trợ nên đừng mong đợi quá nhiều vào viễn cảnh màu hồng mà các trung tâm vẽ ra.
Một chuyên gia tư vấn du học Pháp tại TP HCM cho rằng chính mỗi học viên nên tự tìm hiểu lộ trình du học của mình, để chủ động xử lý các trường hợp xảy ra và không bị "tiền mất tật mang". Có rất nhiều cơ quan chính thống để hỗ trợ thông tin về học bổng, trường học tại các nước, hồ sơ cũng làm dễ dàng, học viên không nên "vứt tiền" cho trung tâm rồi ngồi đợi kết quả.